Người sáng lập Wikileaks không chốn nương thân

Cơ quan cảnh sát quốc tế (Interpol) đã phát lệnh truy nã toàn cầu đối với ông Julian Assange nhà sáng lập trang mạng Wikileaks vì tình nghi cưỡng đoạt và quấy rối tình dục (như lệnh truy nã của cảnh sát Thụy Điển). Bên cạnh sự hấp dẫn của những thông tin mà Wikileaks tiết lộ, câu chuyện về cuộc sống hiện tại của nhà sáng lập Wikileaks có thể là một quyển sách loại bán chạy nhất, dù ông không thích kể về mình. Hiện nay chỉ cần gõ Google tên Julian Assange, có đến 17.600.000 kết quả.
Người sáng lập Wikileaks không chốn nương thân

Cơ quan cảnh sát quốc tế (Interpol) đã phát lệnh truy nã toàn cầu đối với ông Julian Assange nhà sáng lập trang mạng Wikileaks vì tình nghi cưỡng đoạt và quấy rối tình dục (như lệnh truy nã của cảnh sát Thụy Điển). Bên cạnh sự hấp dẫn của những thông tin mà Wikileaks tiết lộ, câu chuyện về cuộc sống hiện tại của nhà sáng lập Wikileaks có thể là một quyển sách loại bán chạy nhất, dù ông không thích kể về mình. Hiện nay chỉ cần gõ Google tên Julian Assange, có đến 17.600.000 kết quả.

  • Sống như một điệp viên

Ông Assange có tuổi thơ không mấy êm ả. Bố mẹ ông chia tay nhau khá sớm và điều đáng chú ý bố ông là một nhân viên tình báo. Chính vì vậy mẹ đã đưa ông trốn khỏi bố vì sợ cuộc sống của một nhà tình báo. Sau khi mẹ tái hôn rồi lại chia tay, 3 mẹ con ông liên tục thay đổi chỗ ở. Ông Assange cho biết đến trước năm 14 tuổi, ông đã di chuyển chỗ ở và trường học tới 37 lần.

Bạn bè nhận xét Julian Assange là người thích nổi loạn và không chịu thỏa hiệp. Điều này được chứng minh khi mới bước sang tuổi 14, Assange đã ra sống tự lập. Cuộc sống vô cùng khó khăn nhưng Assange không chịu đầu hàng số phận.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, những tài liệu do Wikileaks tiết lộ không gây tác động lớn trong quan hệ giữa Mỹ và các nước khác. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ngăn không cho Lầu Năm góc truy cập cơ sở dữ liệu có chứa các điện tín ngoại giao của bộ, nhằm phòng ngừa các vụ rò rỉ trong tương lai. Giới chức Mỹ cho rằng cựu chuyên viên tình báo Bradley Manning, người đã bị bắt giữ, là nguồn cung cấp các tài liệu bị tiết lộ này.

Trong khi đó, Giám đốc Cơ quan tình báo nước ngoài của Nga, Mikhail Fradkov, nhận định Wikileaks đã tiết lộ một “kho báu” chứa đựng nhiều phân tích vô giá. Cơ quan của ông sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng những tài liệu trên.

Assange làm đủ mọi nghề để có tiền lo cho cuộc sống và việc học của mình. Assange theo học cùng lúc nhiều trường đại học tại Australia. Khoa học và toán học, đặc biệt là vật lý, triết học và thần kinh học, là những lĩnh vực mà ông Assange đặc biệt yêu thích. Thông minh, ham tìm tòi và học rất ổn nhưng cũng chỉ vì cá tính thích nổi loạn, không chịu gò mình vào bất cứ khuôn phép nào, rốt cuộc, Julian Assange không có một tấm bằng đại học nào cả.

Bản tính thích khám phá sự mới mẻ đã đưa Julian Assange đến với tin học, rồi trở thành một hacker nổi tiếng. Cuối những năm 1980, Assange là thành viên của nhóm hacker “International Subversives” và bị buộc đến 24 tội liên quan đến hoạt động tin tặc. Năm 2006, Assange được Tạp chí CounterPunch ca ngợi là “một cựu hacker nổi tiếng nhất Australia”. Còn tờ The Age gọi ông là “người đấu tranh vì tự do Internet”. Đây cũng chính là thời điểm Assange bắt đầu xây dựng thử nghiệm Wikileaks.

Các máy chủ trung tâm của Wikileaks được đặt tại Thụy Điển- nơi mà tự do báo chí được cho là thoải mái nhất thế giới. Luật pháp của Thụy Điển luôn đề cao việc bảo vệ nghiêm ngặt các tài liệu điều tra của các nhà báo. Các tài liệu được tải lên ở đây trước tiên rồi sau đó mới chuyển tiếp tới các máy chủ khác đặt tại nhiều điểm khác nhau trên thế giới - những nơi được pháp luật bảo hộ.

“Phi vụ” đầu tiên của Wikileaks là tiết lộ kế hoạch tấn công liều chết của các phiến quân Somalia. Nhưng vụ rò rỉ đình đám đầu tiên lại là vụ lật tẩy tham nhũng của chính quyền Kenya. Bản thân ông Assange cũng thừa nhận, vụ việc đã làm gia tăng căng thẳng ở Kenya trước khi bầu cử và bạo loạn sau đó nổ ra khiến hơn 1.000 người thiệt mạng và 300.000 người mất nhà cửa.

Ông Assange cho biết, tiêu chí của Wikileaks là cố gắng chắt lọc các thông tin có thể gây nguy hiểm cho người vô tội trước khi đưa các tài liệu này ra công luận. Và vụ việc ở Kenya vẫn là bài học nằm lòng đối với nhà sáng lập của Wikileaks. Thế nhưng trong bộ tài liệu về Afghanistan, Wikileaks đã không chắt lọc thông tin và đã tiết lộ danh tính hàng ngàn người Afghanistan làm việc cho Mỹ. Hậu quả là Taliban đã thành lập một ủy ban thanh trừng những người này.

Hiện nay ông đang sống như cuộc đời một điệp viên và hiếm khi ngủ hai lần ở cùng một nơi. Báo chí cho biết Assange thường nghỉ ở nhà bạn nhưng chỉ đến một lần và ít khi quay lại, hoặc nửa đêm thì ra đi. Và khi Assange dừng chân ở đâu thì văn phòng của Wikileaks tồn tại ở đó. Nhưng Assange vẫn hài lòng với cuộc sống của mình bởi theo ông “sống là phải được nói lên sự thật”.

Tuy vậy, một số báo trong mấy ngày qua vẫn phỏng vấn được Assange. Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại ngày 30-11 với báo Time của Mỹ, Assange nói rằng Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nên từ chức vì việc các nhà ngoại giao Mỹ đã được lệnh do thám các quan chức nước ngoài, cụ thể là LHQ.

Trả lời Tạp chí Forbes cùng ngày, Assange dọa sẽ tiết lộ tài liệu liên quan đến các ngân hàng và nhất định thông tin này sẽ hạ bệ một ngân hàng lớn ở Mỹ. Lời đe dọa bóng gió này đã làm cho cổ phiếu ngân hàng hàng đầu của Mỹ Bank of America bất ngờ mất giá 3% trong ngày 30-11.

Lệnh truy nã ông Assange trên website của Interpol.

Lệnh truy nã ông Assange trên website của Interpol.

  • Câu hỏi chưa có lời đáp

Sau khi tung ra các “quả bom” làm chấn động dư luận, việc truy nã toàn cầu ông Assange có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên? Nhiều người nghi ngờ về lệnh truy nã này.

Một phát ngôn viên của Interpol khẳng định cơ quan này đã đăng yêu cầu của cảnh sát Thụy Điển về việc trợ giúp bắt giữ Assange trên website của mình. Như vậy, dù bị bắt giữ ở đâu, Assange cũng sẽ bị di lý về Thụy Điển để thẩm tra và xét xử.

Hồi tháng 8 vừa qua, 2 người phụ nữ đã cáo buộc ông Assange, 39 tuổi, quốc tịch Australia, cưỡng bức và tấn công tình dục họ. Tuy nhiên, 2 phụ nữ này chỉ dừng lại ở mức cáo buộc và không chính thức kiện ông Assange. Vì vậy, lệnh truy nã đầu tiên hôm 20-8 đối với ông Assange được hủy bỏ vài giờ sau đó và các cơ quan liên quan đã khép lại hồ sơ vụ việc.

Tuy nhiên, đến ngày 1-9, công tố viên Marianne Ny quyết định mở lại cuộc điều tra sau khi một phụ nữ tiếp tục gửi đơn kiện ông Assange hãm hiếp cô này. Ngày 18-11, trước Tòa án Stockholm, Viện Kiểm sát Thụy Điển đề nghị tòa án ra lệnh truy nã đối với Assange. Đến ngày 20-11, cảnh sát Thụy Điển đã phát lệnh truy nã quốc tế đối với ông Assange.

Trước những diễn biến trên, luật sư người Thụy Điển của ông Assange, Bjorn Hurtig, cho rằng lời buộc tội dành cho ông Assange là một phần trong chiến dịch bôi nhọ ông Assange, người dám nói lên những chuyện “thâm cung bí sử”.

Ông Assange cũng đã bác bỏ mọi cáo buộc chống lại ông và coi đó là một âm mưu của Bộ Quốc phòng Mỹ nhằm hạ thấp uy tín ông. Người sáng lập Wikileaks cũng đã kháng cáo lên Tòa án tối cao Thụy Điển về phán quyết bắt giữ mình. Mẹ của ông Assange, bà Christine Assange ngày 1-12, cũng lên tiếng phản đối quyết định của Interpol. Theo bà Christine, những cáo buộc nhằm vào con trai bà là hoàn toàn sai sự thật. Những nghi vấn xung quanh việc có hay không chuyện ông Assange phạm tội hiếp dâm vẫn tiếp tục chờ thời gian giải đáp.

  • Assange sẽ bị truy tố như một gián điệp?

Thông tin Wikileaks tiết lộ trong ngày 1-12

1) Hà Lan, Bỉ, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ có kho chứa bom hạt nhân của Mỹ. Lục địa già đang chứa tới 480 vũ khí loại này của Mỹ.

2) Một số quan chức cấp cao của CHDCND Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc. Quá trình chuyển giao quyền lực từ nhà lãnh đạo Kim Jong-il cho người con trai Kim Jong-un “không hề êm thấm”. Cuộc cải cách tiền tệ gây ra “những vấn đề lớn” cho Bình Nhưỡng.

3) Tư lệnh lục quân Pakistan, tướng Ashfaq Kayani bối rối trong việc hất cẳng Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari. Theo Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Zardari đã nói với ông Biden rằng tướng Kayani và Cơ quan Tình báo liên quân Pakistan “sẽ loại bỏ tôi”.

4) Mối quan hệ bí mật giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Một bức điện ngày 16-3-2009 chứng tỏ việc 2 nước duy trì cuộc đối thoại bí mật và cởi mở mặc dù không có quan hệ ngoại giao chính thức.

Ngày 1-12, Mỹ đã thông báo biện pháp chống lại sự “lộng hành” của ông Assange. Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết luật sư của các cơ quan Chính phủ Mỹ như Bộ Tư pháp, Ngoại giao, Quốc phòng đang nghiên cứu khả năng truy tố nhà sáng lập Wikileaks, theo Đạo luật về Gián điệp. Các luật sư đang tìm cách xác định xem liệu Đạo luật về Gián điệp có thể áp dụng trong trường hợp này hay không và những cá nhân nào có thể áp dụng luật cũng như khả năng sử dụng nó đối với tổ chức Wikileaks.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã phong tỏa tất cả các tài khoản có thể truy cập cơ sở dữ liệu của Bộ Ngoại giao, trong đó có tài khoản của Bộ Quốc phòng Mỹ, nhằm ngăn chặn những vụ rò rỉ tiếp theo.

Báo chí Mỹ lại có dịp chỉ trích các cơ quan phản gián Mỹ khi so sánh vụ bắt giữ 10 điệp viên Nga hôm tháng 6 với vụ để các dữ liệu quan trọng bị đánh cắp. Họ cho rằng 10 điệp viên Nga chỉ là những con cá nhỏ, chưa gây thiệt hại lớn thì bị bắt, còn vụ đánh cắp tài liệu mật của nước Mỹ đình đám trong mấy tháng qua thì phản gián Mỹ chưa xác định được thủ phạm.

Trong khi đó, theo mạng tin “Global Research”, những tiết lộ mới của Wikileaks đang khiến người ta có thể hiểu một cách sâu sắc cảm giác của chính Washington về những hạn chế trong vai trò toàn cầu của họ. Ẩn sau những câu chuyện tầm phào và những phân tích được gửi về Washington là những nhận thức của nhiều quan chức Mỹ đang công tác ở nước ngoài về mức độ kém hiệu quả và thường phản tác dụng trong chính sách ngoại giao của Mỹ.

Các thông tin tiết lộ cho thấy siêu cường số 1 thế giới cũng phải công nhận về những hạn chế của mình. Điều này được thể hiện rõ ràng nhất trong những bức điện được gửi từ Sứ quán Mỹ tại Pakistan, tiết lộ nhận thức của các quan chức Mỹ ở đây rằng quốc gia Nam Á này hầu như không tiếp thu được ý đồ của Mỹ và có nguy cơ hoàn toàn tuột khỏi vòng ảnh hưởng của Washington. Các bức điện từ Tel Aviv cũng bày tỏ sự nghi ngờ về ảnh hưởng của Mỹ khi nêu ra khả năng Israel có thể một mình tấn công Iran mà Washington không thể ngăn chặn. Hàng tỷ USD viện trợ và hỗ trợ quân sự hàng năm của Mỹ cho Israel dường như chẳng tạo được đòn bẩy nào trong các chính sách của đồng minh này. 

ĐỖ VĂN

Thông tin liên quan

Mục tiêu kế tiếp của WikiLeaks sẽ là ngân hàng Mỹ

- Mỹ đe dọa WikiLeaks

- Wikileaks sắp cho nổ “bom”? 

- WikiLeaks sẽ công bố thêm 3 triệu tài liệu

- Truy nã nhà sáng lập WikiLeaks

- WikiLeaks tiết lộ tài liệu về Iraq - Xuất hiện ý kiến trái chiều

- WikiLeaks công bố tài liệu mật về cuộc chiến ở Iraq: “Bom sự thật”

- Lầu Năm Góc yêu cầu WikiLeaks hoàn trả các tài liệu quân sự

- WikiLeaks công bố đoạn băng lính Mỹ thảm sát dân thường Iraq

Tin cùng chuyên mục