Giáo dục đạo đức trong nhà trường

Người thầy phải làm gương

“Cuộc chiến” đơn độc

Hôm qua 21-12, Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức trong nhà trường phổ thông TPHCM”. Nhà trường đang một mình chống chọi với cơn bão tệ nạn xã hội hoành hành. Nhiều bậc cha mẹ giao hẳn trách nhiệm giáo dục trẻ cho nhà trường, chỉ lo kiếm tiền.

“Cuộc chiến” đơn độc

“Các giá trị đạo đức cộng đồng cũng có tác động lớn đến ý nghĩ và hành vi nhân cách HS. Giáo dục đạo đức cho HS trong giai đoạn hiện nay cực kỳ khó khăn”. Nhiều đại biểu lên tiếng than. Những biểu hiện lệch lạc trong hành vi nhân cách đạo đức HS bị dư luận xã hội phê phán như vi phạm trật tự an toàn giao thông, thiếu lễ độ với người lớn, gây gổ đánh nhau, lười học, sống ích kỷ, ham chơi đua đòi, quan hệ tình dục ở lứa tuổi vị thành niên… ngày càng nhiều.

Điều đáng quan tâm là các biểu hiện lệch lạc ấy gia tăng theo tỷ lệ thuận giữa lứa tuổi và bậc học. Ông Hồ Xuân Vinh, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Tân Bình) cho rằng: Tỷ lệ nghịch với sự gia tăng của lứa tuổi là biểu đồ của hạnh kiểm học sinh phổ thông đang đi xuống với những con số làm mọi người giật mình: hạnh kiểm tốt ở học sinh bậc tiểu học là 92,8%, bậc THCS là 52,63% và THPT là 20,28%....

Tại sao lại có nghịch lý trên trong khi nội dung, chương trình giáo dục công dân (GDCD) rất phong phú, tổng cộng bậc phổ thông có 196 bài (tiểu học 70 bài, THCS: 75, THPT: 51)? Ban giám hiệu Trường THCS Bạch Đằng phân tích: “Hệ thống toàn bộ chương trình, nội dung giáo dục đạo đức-công dân khá nặng chưa tạo điều kiện thuận lợi để hình thành nhân cách học sinh. Vẫn chưa có sự đồng thuận từ nhà trường đến xã hội về tầm quan trọng của môn học, cho rằng GDCD là môn phụ. Nội dung, chương trình GDCD tuy phong phú nhưng còn nặng nề. Các bài học còn nặng lý thuyết, nhẹ giáo dục kỹ năng sống cho HS, chưa tạo dấu ấn trong tâm hồn HS khiến HS dễ bị tác động của hoàn cảnh XH. Quá nhiều vấn đề về đạo đức và trách nhiệm công dân dành cho trẻ. Liệu các em sẽ nhớ được bao nhiêu điều đã học và vận dụng như thế nào vào đời sống khi chưa có kỹ năng sống?

Đưa môn giáo dục công dân vào thi tốt nghiệp phổ thông

HS ngày nay thông minh, nhạy bén với khoa học kỹ thuật, vì vậy không thể giáo dục đạo đức theo kiểu xưa bằng cách đưa ra các nguyên tắc chung chung, “bắt HS tụng lại như cái máy”. Theo ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, ở bậc học mầm non, tiểu học hình thức tác động của giáo dục tốt nhất là chuyện kể và thơ ca nhưng đến lứa tuổi trung học thì học sinh cần phải được tác động từ thực tế và có cơ sở lý luận. Đại diện Trường THPT Trương Vĩnh Ký cho rằng, ngành giáo dục phải nghiên cứu, thực hiện sớm đưa môn GDCD vào thi tốt nghiệp phổ thông. GDCD cần được kiểm tra, thi cử thật nghiêm túc như những môn học khác. Các đại biểu đề nghị: Giáo dục đạo đức không chỉ qua bộ môn GDCD mà qua tất cả các môn học. Giáo viên giảng dạy ở tất cả các bộ môn đều phải tham gia “dạy người” để góp phần hình thành giá trị đạo đức, tình cảm, phương pháp ứng xử của HS đối với cộng đồng. Giáo dục đạo đức chính là góp phần xây dựng nhân cách lành mạnh với sức đề kháng cái xấu trong xã hội.

Doanh Doanh – Lê Linh

Song song với những lo lắng của xã hội về đạo đức HS xuống cấp là hàng loạt vụ giáo viên bạo hành HS gây chấn động dư luận. Từ chuyện HS bị tát vào má mà 10 giờ sau má vẫn còn hằn dấu tay cô, HS nữ bị cô phạt… tụt quần, HS bị cô nhờ đàn anh, đàn chị đánh dằn mặt, HS bị dán băng keo đến hôn mê… cho đến chuyện GV giết người cướp của… diễn ra một cách liên tiếp.

Làm sao giáo dục đạo đức cho HS khi chính bản thân giáo viên chưa mẫu mực? Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh, nói: Gương thầy cô là bài học lớn nhất vì như nhà giáo dục Pháp Jean Jaures “người ta chỉ và chỉ có thể dạy bằng chính con người (nhân cách) của mình”. Tấm gương ấy phải đồng bộ, nghĩa là có sự trùng hợp trong lối sống và hành động của thầy cô.

Tin cùng chuyên mục