- Chị cứ để tôi cõng nó cho.
Chị Sương tròn xoe mắt nhìn thầy: Trời! Lại phải cõng nữa, sao thầy lại có duyên cõng học trò quá vậy? Mấy tháng trước đây thầy chẳng đã cõng một học sinh rồi hay sao mà nay thầy lại…
Tuy nghĩ như vậy nhưng chị không thể nào để thằng bé ốm yếu con chị lội bì bõm trong làn nước cao gần tới đầu gối nó; hơn nữa mới tối này cái chứng đau bụng lại tái phát hành hạ nó gần suốt cả đêm.
Chị Sương ngần ngại:
- Nhưng… mà…
Thầy dứt khoát:
- Không còn cách nào khác đâu, chị đừng suy nghĩ nữa.
Tính thầy là vậy, thẳng thắn bộc trực, dễ mến nhưng đôi khi có hơi cộc cằn một chút. Tính cách này đã làm không hài lòng thầy hiệu trưởng.
- Làm thầy giáo mà tính nóng như lửa như anh Được là không được!
Một lần họp hội đồng giáo viên trường thầy Tăng Châu đã thẳng thắn phê bình thầy như vậy.
Phụ huynh học sinh cũng không ít người không có thiện cảm với thầy.
Ngay những ngày mới về nhận chủ nhiệm lớp 2/6, năm đầu tiên về dạy ở điểm Cầu Chùa thầy thường bị phụ huynh học sinh phản ảnh:
- Trời đất ơi! Thầy giáo gì mà kêu học trò bằng thằng này thằng nọ.
Một trong số phụ huynh không ưa thầy là ông Tư Huề. Thằng con trai có “thành tích” học tập có lẽ ít học sinh nào sánh được: hai năm lớp một và năm nay cũng là năm thứ hai lớp hai. Ngoài thành tích đó ra, thành tích quậy của nó cũng thuộc hàng cá biệt ở lớp 2/6 này.
Nó tên Mỹ nhưng người lớn quen gọi nó là cu Mỹ.
Nhìn vào nó người nào trong xóm cũng phải lắc đầu:
- Cái thằng như vậy mà cũng đi học!
Cái thằng như vậy có nghĩa là nó thường đi tới trường với áo cụt tay trắng đã ngả vàng đầy lốm đốm đen, cả hai vạt trước sau xoắn lại thành đường vòng ôm cứng vào thân mình gầy guộc xạm đen của nó. Cái quần tà lỏn lúc nào cũng ống treo ống trễ. Đi học mà trên tay chỉ có một cái bịch ni lông với vài ba cuốn tập từ bìa tới mấy trang trong cũng xoắn như hai vạt áo của nó. Đâu chỉ có vậy thôi, thường những lúc trên đường đi học về nó giựt cái cặp hoặc hất nón một bạn gái rồi vụt bỏ chạy lên phía trước cười ha hả, bọn con trai được dịp vỗ tay cổ vũ, hò reo chế nhạo. Mặc dù hôm sau nó bị thầy mắng cho một trận nên thân, nhưng nó vẫn chứng nào tật nấy! Có một lần đi nhậu về ngang qua điểm thầy dạy, tình cờ ông Tư nghe tiếng quát:
- Tại sao mầy cứ theo ghẹo con gái hoài vậy hả thằng quỷ?
Hai hôm sau khi thầy được thầy Hiệu trưởng mời lên văn phòng làm việc, mới biết mình bị phản ảnh.
Năm học 19xx – 19xx, thầy được phân công về Trường Trung học cơ sở Mỹ Lệ. Lúc ấy trường chỉ có một điểm chính và hai điểm phụ, một ở ngay trên tỉnh lộ 18 và một ở ấp Cầu Chùa cách xa điểm chính ngoài ba cây số mà thầy đang làm chủ nhiệm lớp 2/6.
Theo thông lệ bất kỳ giáo viên nào được chuyển về, trước tiên đều phải nhận chủ nhiệm các điểm phụ. Ở trường vào những năm đầu thập niên 80 số lượng giáo viên địa phương chỉ đếm được trên đầu ngón tay, đa phần đều là người ở thị xã hay ở thành phố chuyển đến nên thực lòng mà nói họ ái ngại đi đến những điểm trường xa ở sâu trong ấp. Vào mùa mưa phải khó khăn lắm mới khỏi té ngã khi đi qua những bờ ruộng vừa trơn trượt vừa nhỏ, đến tháng chín tháng mười con nước đổ tràn về từ sông Vàm Cỏ Đông ngập lênh láng cả cánh đồng, có khi nước lên cao gần tới đầu gối, mùa nắng thì phải băng qua những đám ruộng đầy khói, tro bụi đốt đồng mới vào đến điểm dạy.
Đã vậy ở cái điểm vùng sâu vùng xa này còn lắm chuyện phiền toái cho giáo viên. Có một lần thầy giáo Nô đang giảng bài, một bác nông dân say rượu chân này đá chân kia chệnh choạng thản nhiên đi vào lớp học lè nhè:
- Thầy… thầy có… có biết hôn, hồi xưa ở đây là căn cứ cách mạng đó…
Rồi ông gật gù ê a:
Cha già… c..u..ố..c.. cuốc đất trồng… khoai
Nuôi con đánh… Mỹ đ..ợ..i.. ngày… thành công…
Ông trợn mắt ngó thầy nhề nhệ lúc đông lúc tây, lúc vừa mới nam lại quàng xiên bắc:
- Mà… thầy là… thầy giáo… mà thầy có dạy lễ nghĩa của ông Thánh hôn? Thầy có biết… Tam cang Ngũ thường là… nghĩa làm sao hôn? Thầy có biết giáo bất nghiêm… sư… sư… chi đọa hôn? Thầy có biết… nhứt tự vi sư bán tự vi sư hôn?...
Hoảng quá, thầy giáo phải chạy đến nhà ông phó chủ tịch xã gần đó để nhờ đưa bác nông dân về nhà.
Thật ra đâu có dễ dàng gì đưa một người say rượu đi về nhà. Ông phó chủ tịch xã phải vận dụng hết “kỹ năng” quản lý nhà nước và kinh nghiệm làm “nông dân” của mình để đạt hiệu quả trong công tác quản lý người say rượu này.
- Bác Tư… bác Tư…
- Ừ, đ…ứa nào đó… đó hả?
- Dạ… cháu...
- Cháu.. là…th.. ằ..ng nào?
- Là… cháu Minh đây, bác không nhớ sao?
- Ạ! Thằng M..i..nh, Minh…phó chủ tịch xã đó hả?
- Dạ!
- Ủa! Mà ông… phó kiếm tui có chuyện gì hôn?
- Cũng….có… mà thôi… mình đi làm vài chung nghe bác Tư.
- Ừ! Đi thì đi chứ tui có sợ ông phó đâu… mà hổng dám đi!
Từ nhiều năm qua giáo viên về dạy điểm ấp Cầu Chùa này cũng khá nhiều nhưng bỏ ra đi cũng không ít. Có những giáo viên nữ sau vài tháng đã bỏ nhiệm sở về thành phố sinh sống bằng nghề khác.
Thầy là giáo viên mới chuyển về lại là người địa phương nên nhận chủ nhiệm ở điểm dạy xa là chuyện tất nhiên.
Tuy tính tình như vậy nhưng thầy rất nghiêm túc giờ giấc lên lớp và luôn hết lòng với học sinh.
Cuộc sống luôn phức tạp và đa dạng, đi tìm một con người hoàn hảo đòi hỏi sự trải nghiệm thực tế và phấn đấu dài lâu. Điều đó thật không dễ dàng gì đối với mỗi một con người, nhất là đối với một người thầy!
Non sông dễ đổi nhưng nhân tính khó dời, từ xa xưa ông bà ta đã nói như vậy!
Thực ra những phản ảnh người dân ấp Cầu Chùa suy cho cùng nguyên nhân sâu xa cũng xuất phát từ lòng thương yêu học sinh của thầy, đôi lúc không kềm chế được cảm xúc trước một học sinh nam ngỗ nghịch luôn có những hành vi chọc phá các em học sinh nữ như thằng Mỹ con ông Tư Huề.
Nhưng rồi ấn tượng gọi học sinh bằng thằng này thằng nọ của thầy không còn nữa khi thầy đã để lại trong lòng người dân ấp Cầu Chùa một hình ảnh đẹp vào buổi xế trưa hôm ấy.
Hình ảnh một người thầy không mấy khỏe mạnh, trong cái nắng gay gắt tháng ba đang cõng một em học sinh chạy băng qua từng đám ruộng đầy tro bụi đến trạm y tế xã cách điểm dạy ngoài ba cây số để băng lại xương cổ tay em bị gãy do té ngã trong giờ chơi, đã làm nhiều người xét lại những suy nghĩ của mình trước đây về thầy. Cái “tâm” của người thầy đã được nhiều người cảm nhận rõ sau cái “tính” hơi thô từ bấy lâu nay của thầy.
Năm ấy con chị Sương học lớp 2/6 do thầy làm chủ nhiệm, là học sinh duy nhất đại diện khối 2 của trường dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Ngày thi vừa đến thì con nước nổi tháng mười cũng vừa về tới được mấy hôm. Chị nhìn con rồi lại ái ngại nhìn thầy nhưng rồi chẳng còn cách nào khác hơn khi thầy, gia đình và cả nhà trường đang kỳ vọng vào con chị ở ngày mai. Thế là thầy lại cõng trò đi trong làn nước nổi tháng mười.
Đến xế trưa khi về đến nhà thằng bé con chị Sương phờ phạc hẳn ra. Quần còn xăn tới gối thầy nói trong tiếng cười sảng khoái:
- Thằng bé nó “pháo” ngay trước mặt Ban giám khảo đó chị!
Chứng đau bụng đêm hôm qua của thằng bé cho chị Sương hiểu chuyện gì đã xảy ra.
- Mà thằng học trò tôi cừ lắm đó, nó cố sức làm bài tới cùng nghen chị!
Thầy tiếp.
Chị Sương thấy bớt lo và cũng cảm thấy vui lây trước cái tính thô nhưng lại đậm nét sảng khoái ở người đồng bằng sông Cửu Long của thầy.
Chị nhìn thầy bằng cái nhìn cám ơn và đầy thiện cảm:
- Rồi kết quả ra sao hả thầy?
- Thầy trò tôi đi tàu suốt hết rồi chị ơi!
Thầy cười rang rảng.
Sau hai việc làm này, phụ huynh ấp Cầu Chùa cảm thông nhiều hơn nữa cái tính thô của thầy. Năm thứ hai… thứ ba… rồi nhiều năm sau những phản ánh không tốt về thầy không còn nữa.
Tiếc thay những bước “duyên” đi qua trong khoảng đời dạy học không giữ được chân thầy trong cái “nghiệp” sư phạm. Thầy đã rời ngành sau hơn mười năm đứng trên bục giảng.
Châu An Thuận