Người tôi cưu mang: Lan tỏa lòng nhân ái

Vào mỗi buổi trưa thứ ba, năm, bảy hàng tuần, hàng trăm người lao động và sinh viên nghèo lại xếp hàng dài tại con hẻm 14/1 đường Ngô Quyền, phường 5 quận 10 TPHCM để mua những suất cơm trưa. Đây là địa chỉ quán cơm 2.000 đồng giữa lòng Sài Gòn của nhóm Người tôi cưu mang.
Người tôi cưu mang: Lan tỏa lòng nhân ái

Vào mỗi buổi trưa thứ ba, năm, bảy hàng tuần, hàng trăm người lao động và sinh viên nghèo lại xếp hàng dài tại con hẻm 14/1 đường Ngô Quyền, phường 5 quận 10 TPHCM để mua những suất cơm trưa. Đây là địa chỉ quán cơm 2.000 đồng giữa lòng Sài Gòn của nhóm Người tôi cưu mang.

Rất đông người đến xếp hàng mua phiếu cơm tại quán cơm 2.000 đồng - Người tôi cưu mang.

Rất đông người đến xếp hàng mua phiếu cơm tại quán cơm 2.000 đồng - Người tôi cưu mang.

Năm 2006, một tờ báo ở TPHCM có bài viết Thay mẹ nuôi anh gây xúc động lòng người. Sau bài viết này, bạn đọc Hoàng Mạnh Hải đã gửi một bài viết đến tòa soạn mong muốn  tạo ra một chương trình mang tên Người tôi cưu mang. Anh nêu ý tưởng là những người tham gia chương trình sẽ cam kết giúp đỡ một người nghèo khổ, hay một gia đình gặp cảnh khốn cùng. Ý tưởng trên đã nhận được khá nhiều ủng hộ từ các bạn đọc khác và từ đó, họ thường xuyên liên lạc với nhau, trao đổi những địa chỉ khó khăn cần được giúp đỡ.

Vậy là, ý tưởng thành lập diễn đàn Người tôi cưu mang ra đời và trở thành hiện thực vào tháng 1-2007. Từ đó đến nay, Người tôi cưu mang đã thực hiện chương trình từ thiện tại nhiều nơi trên cả nước như chương trình giao thừa ấm cho người vô gia cư; nồi cháo từ thiện tại các tỉnh thành Hà Nội, Huế, Quảng Ngãi, TPHCM; quán cơm tình nghĩa tại Quảng Nam… Và quán cơm 2.000 đồng - Người tôi cưu mang tại TPHCM duy trì từ tháng 9-2009 đến nay.

Trưa 6-11, chúng tôi có mặt tại hẻm 14/1 đường Ngô Quyền phường 5 quận 10 TPHCM đã thấy vài chục khách hàng xếp hàng dài từ đầu hẻm vào trong quán cơm để chờ mua phiếu ăn 2.000 đồng khiến con hẻm nhỏ bé trở nên nhộn nhịp. Phần lớn những người đến đây là dân lao động, sinh viên nghèo và cả những cụ già, người tàn tật. Ông Nguyễn Hồng Ánh, một thành viên của diễn đàn Người tôi cưu mang đồng thời quản lý quán cơm này cho biết, tuy 11 giờ mới bắt đầu bán phiếu cơm nhưng từ 7 giờ 30 mọi công việc bếp núc đã bắt đầu để chuẩn bị kịp 450 suất cơm. Nhân viên của quán cơm hầu hết là các bạn trẻ tình nguyện từ một số trường đại học, cơ quan đơn vị.

Ngay khi chúng tôi có mặt, một số bạn trẻ làm ở một công ty tại TPHCM đã đến tham quan quán ăn để đăng ký làm tình nguyện viên. Tuy giá chỉ 2.000 đồng nhưng suất cơm khá tươm tất, thức ăn gồm các món mặn, canh, xào và đồ tráng miệng được bày biện trong khay inox sạch sẽ. Các khâu chế biến thức ăn và phục vụ khách ăn được đảm bảo vệ sinh.

Ông Nguyễn Hồng Ánh cho biết, chi phí cho mỗi suất ăn hiện nay là 13.500 đồng nhưng được bán với giá 2.000 đồng. Sở dĩ phải thu 2.000 đồng là để mỗi người đến đây đều cảm thấy mình như một thực khách của quán. Ông Trần Văn Minh (56 tuổi, ngụ tại phường 9, quận 5) cho biết, ông là khách hàng thường xuyên của quán cơm từ hơn một năm nay. “Nhờ quán cơm này mà tôi cũng đỡ lắm, mỗi tuần đến đây ăn 3 bữa tiết kiệm được một chút”, ông Minh nói. Ngôi nhà được sử dụng làm quán cơm là của một thành viên Người tôi cưu mang, đây cũng là nhà trọ miễn phí cho 4 sinh viên nghèo. Kinh phí duy trì quán cơm  được huy động từ nguồn đóng góp của các thành viên diễn đàn Người tôi cưu mang.

Ngoài ra, còn một số nhà hảo tâm đến tận nơi để đóng góp tiền mặt. Chị Thủy, sống tại quận Tân Bình, đọc được thông tin quán cơm trên mạng đã đến tận nơi đóng góp số tiền nhỏ trong phần thu nhập của mình. Chị Thủy tâm sự: “Hồi còn là sinh viên, tôi cũng khó khăn nên rất đồng cảm với các bạn sinh viên nghèo. Hồi đó mà có quán cơm 2.000 đồng - Người tôi cưu mang chắc tôi cũng sẽ đến đây thường xuyên”.

Ông Nguyễn Hồng Ánh chia sẻ thêm: “Quán cơm luôn có suất cơm dự trữ. Đặc biệt là người nghèo đến đây luôn chia sẻ nhau, nếu chỉ còn 1 suất cơm mà có 2 người thì họ sẽ chia nhau cùng ăn. Quán cơm được lập với mục đích chính là nơi để những người có tấm lòng nhân ái gặp gỡ và chia sẻ với nhau”

Lê Đặng

Tin cùng chuyên mục