Người trẻ ngày càng khó mua nhà

Cuộc sống ngày càng khó khăn, khiến người trẻ phải “thắt lưng buộc bụng” để chăm lo cuộc sống. Chưa kể vài tháng nay, lãi suất ngân hàng được điều chỉnh tăng đáng kể, khiến những người lỡ vay tiền mua nhà càng trở nên chật vật. Giấc mơ an cư lập nghiệp với ngôi nhà nhỏ ở đô thị như TPHCM để có nẻo đi về, không quá xa tầm với, nhưng đòi hỏi người trẻ phải nỗ lực hơn rất nhiều.

“Gồng” lãi suất, “thắt chi tiêu”

Sau tết, nhẩm tính toán lại các khoản phải chi tiêu, gồm tiền ăn, đóng học cho 2 con, bảo hiểm nhân thọ, trả nợ ngân hàng…, khiến vợ chồng anh Nguyễn Hoàng (30 tuổi) ngụ tại TP Thủ Đức “méo mặt”. Không lo sao được, khi ưu đãi 36 tháng, lãi suất cố định chưa tới 9% của một ngân hàng nước ngoài nay đến hạn điều chỉnh. Bình quân mỗi tháng anh Hoàng phải đóng hơn 11 triệu đồng tiền lãi, cộng với gần 6 triệu đồng tiền gốc. “Ngân hàng thông báo lãi suất điều chỉnh lên khoảng 13%/năm, đồng nghĩa mỗi tháng tôi phải gánh thêm 4 triệu đồng tiền lãi, vô cùng mệt mỏi. Chưa kể, công ty vợ tôi nghe đâu đang cho nghỉ hàng loạt nhân viên và vợ tôi cũng trong tầm ngắm. Tình huống xấu nhất là bán nhà trả nợ”, anh Hoàng lo lắng.

Khách tìm mua nhà tại một con hẻm ở quận Bình Tân, TPHCM

Khách tìm mua nhà tại một con hẻm ở quận Bình Tân, TPHCM

Tình huống éo le của anh Hoàng không phải hiếm gặp, khi vài tháng nay nhiều ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động, đẩy lãi suất cho vay lên khá cao. Những khách hàng làm công ăn lương, không có nguồn thu nhập phụ bị ảnh hưởng nặng nề. Chị Minh Anh, ngụ tại quận Bình Thạnh, cho biết, chị vay 1,4 tỷ đồng để mua căn hộ 3,2 tỷ đồng gần Bến xe miền Đông (cũ) trong thời gian 25 năm. Mọi chuyện tưởng chừng rất tốt khi vợ chồng chị đều có thu nhập ổn định, con cái khỏe mạnh, nếu không xảy ra sự cố mẹ chồng chị bị bệnh nặng phải nhập viện điều trị với số tiền lên tới 400 triệu đồng. “Sức khỏe và an toàn của bà là trên hết nên chúng tôi phải vét tiền tiết kiệm, vay mượn thêm để đưa bà đi trị bệnh. Rất may, nhờ các phương pháp điều trị tân tiến, sức khỏe của bà cũng ổn dần, nhưng chúng tôi phải tính cách sang nhượng lại nhà để tìm kế khác”, chị Minh Anh tâm sự.

Thực ra, trước khi mua nhà, nhiều người có tâm lý lạc quan, ít phòng ngừa những tính huống rủi ro, chẳng hạn như nếu có bất trắc ta phải làm gì tiếp theo, do vậy dễ dẫn tới bị động. Như trường hợp anh Hoàng nêu trên, hiện tại gia đình anh đang tiết giảm chi tiêu ở mức tối đa, chỉ tập trung vào học phí cho con, tiền nhà, các khoản bảo hiểm cơ bản… Vợ chồng anh chị cũng chọn mua rau, củ, quả từ người quen, hạn chế ăn cơm bên ngoài, tiệc tùng, tụ họp bạn bè cũng bị cắt giảm hoàn toàn. Riêng bọn trẻ, anh chị vẫn thỉnh thoảng đưa các cháu đi xem phim, học các lớp bơi lội để tăng cường thể lực…

Tùy sức mà phấn đấu

Nhà là một loại tài sản lớn, cần thời gian tích lũy cả đời chứ không phải ngày một ngày hai. Với mức lương của nhân viên văn phòng tại các thành phố lớn, dao động từ 18-20 triệu đồng, hiếm hoi lắm mới đạt từ 30-40 triệu đồng/tháng. Chưa kể, với các bạn trẻ đã có gia đình, các khoản chi như tiền sữa của con cái, tiêu pha lặt vặt, hiếu hỉ… tưởng nhỏ nhưng không hề nhỏ, sẽ chiếm một khoản đáng kể trong “gói chi tiêu” hàng tháng. Nên nếu không cân nhắc, tính toán kỹ sẽ dễ thâm hụt, tạo áp lực cuộc sống.

Hiện nay, giá nhà tại một số quận huyện vùng ven TPHCM như huyện Hóc Môn, Củ Chi, quận 12… đã tăng đáng kể. 7 năm trước, một căn nhà nhỏ trong hẻm 3m trên đường Nguyễn Thị Căn (quận 12) chỉ khoảng 800 triệu đồng, nhưng nay được định giá 3,3-3,5 tỷ đồng. Tương tự, căn chung cư 1 phòng ngủ 53m2 trên đường Dương Thị Mười (quận 12) năm 2015 khoảng 700 triệu đồng, nay cũng “nhảy” từ 1,4-1,5 tỷ đồng. Như nhận định của nhiều người dân, thì giá nhà tăng khủng khiếp, làm cho người trẻ càng phải nỗ lực rất nhiều, trong bối cảnh lương không “đuổi” kịp giá cả.

Để tính bài toán mua nhà, không ít người đã chọn cách tìm đến các huyện thuộc các tỉnh vùng ven TPHCM như Đức Hòa, Tân Trụ, Cần Đước (Long An) để “săn” nhà, đất vì giá rẻ, phù hợp túi tiền, như những mảnh đất vườn 100-300m2 gần nhà dân, giá 500-700 triệu đồng. Với các mảnh đất ở, thuận tiện đi lại (gần chợ, trường học…), giá dao động từ 900 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, tùy vị trí. Cũng có người hùn tiền mua chung, tính chuyện lâu dài kiểu “nước lên bèo lên”, giá đất TPHCM lên, thì đất các tỉnh cũng “nóng” dần. Nếu nhờ may mắn, vừa hùn hạp tốt, vừa tích lũy thêm có thể bán xa - mua gần, dần dần việc mua đất thành thị sẽ có nhiều cơ hội hơn.

Nỗ lực không ngừng cộng thêm chút may mắn, thành công sẽ đến. “Bài toán” an cư luôn “nóng” nhưng không hẳn xa tầm với nếu người trẻ biết tiến, biết lùi, liệu cơm gắp mắm. Tuy vậy, các chuyên gia cũng khuyến cáo, không nên mua nhà bằng mọi giá để đánh đổi sức khỏe bản thân, bởi nhà là “tổ ấm” để trở về và cần nhiều thời gian tích lũy, dựng xây.

Tin cùng chuyên mục