
Trại sáng tác 2005 của Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức tại Bình Dương (từ ngày10 đến ngày 30-10-2005) là trại sáng tác sau 10 năm mới mở lại ở miền Nam, có gần 30 nhà văn, cây bút tham gia. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà văn – nhà báo quân đội Sương Nguyệt Minh, người phụ trách trại sáng tác này.
- Hầu hết các trại sáng tác đang rơi vào tình trạng “đến hẹn lại lên” và ít có tác phẩm để lại dấu ấn?

- Không thể đòi hỏi có tác phẩm để lại dấu ấn ngay khi các trại sáng tác chỉ tổ chức trong mươi, mười lăm ngày. Chúng tôi không đặt ra chỉ tiêu tác phẩm sau những chuyến đi thực tế mà quan trọng là các tác giả vỡ vạc được những gì sau chuyến đi ấy. Đó có thể là tư liệu ẩn hay những kỷ niệm để tác giả khai thác sau này khi nhìn lại. Sáng tác là công việc riêng của mỗi người, không ai giống ai.
Trong số họ, có người đã nuôi dưỡng đề tài, có người chưa. 20 ngày trên đất Bình Dương chỉ là thời gian để các tác giả sống với tác phẩm trong bầu không khí giao lưu, trao đổi giữa bè bạn văn chương và là điều kiện tốt để sáng tác. Số lượng tác phẩm không phải là tiêu chí của trại sáng tác, quan trọng là phát hiện các tác giả mới, sáng tác mới. Thực tế, những trại sáng tác trước đây đều có những tác giả đạt giải thưởng và trưởng thành từ môi trường này như Đỗ Bích Thúy, Trần Đình Tú, Trần Thanh Hà…
- Trại sáng tác lần này có những tên tuổi đã có tác phẩm, đã quen thuộc trên mặt báo nhưng cũng có những tác giả chưa nghe tên. Tiêu chí lựa chọn trại viên như thế nào, thưa ông?
- Chúng tôi chọn những người có khả năng viết, những người còn theo văn chương lâu dài. Có những nhà văn, những tác giả quen thuộc nhưng cũng có những tác giả mới chập chững đến với văn chương bằng 1-2 tác phẩm đầu tay hoặc thậm chí chưa được in truyện nào, có những người đã hàng chục năm tuổi nghề, có người chưa. Nói chung, chúng tôi ưu tiên nhiều cho giới trẻ, nhất là những người mới đến với văn chương.
- Là trại viết của Tạp chí Văn nghệ quân đội, đề tài chiến tranh có là sự lựa chọn “sáng giá”?
- Dĩ nhiên, trên một tạp chí văn nghệ của quân đội, đề tài chiến tranh, người lính luôn được ưu tiên nhưng không có nghĩa là không chú ý các đề tài khác. Thực tế, viết về chiến tranh suốt bốn mươi năm nay vẫn vậy. Bản thân tôi chẳng hạn, viết nhiều rồi nhưng vẫn mãi loay hoay, mò mẫm, muốn tìm một cách thể hiện khác đi mà chưa được.
- Tác phẩm về chiến tranh chưa thực sự đi vào lòng công chúng hiện nay, nhất là giới trẻ. Phải chăng do “người lớn” viết về chiến tranh thì cách thể hiện không phù hợp giới trẻ, còn giới trẻ muốn viết về chiến tranh thì không có tư liệu?
- Đó không phải là lý do. Trước đây, Lep Tonstoi viết Chiến tranh và hòa bình sau khi cuộc chiến diễn ra 50 năm. Tư liệu của nhà văn là vạn cuốn sách trong thư viện và chuyện kể của những người từng tham gia cuộc chiến. Mỗi người lính đều có những câu chuyện, tư liệu hay để khai thác. Có khi, nếu phát hiện được, họ còn có thể là nhân vật của cuốn tiểu thuyết cũng nên. Vì vậy, những người trẻ sinh sau chiến tranh viết về chiến tranh chưa chắc đã kém hay hơn.
- Cảm ơn ông.
Võ Thu Hương