
Đặc điểm nổi bật của tiểu thuyết những năm gần đây là cảm hứng phân tích xã hội, bám sát hiện thực đời sống, trong đó tình huống hấp dẫn nhà văn là sự xung đột thiện - ác, tưởng như là vấn đề muôn thuở của “cõi người” nhưng lại trở nên rất quyết liệt trong bối cảnh đời sống đã có nhiều phát triển, cải thiện.
Cuộc sống dù dễ chịu bao nhiêu nhưng trong quá trình sống, trong kiếp người, quá trình làm người của mỗi con người, sự hoàn thiện còn lâu mới có thể đạt đến, nếu không muốn nói là khó đạt tới. Nghĩa là, cuộc đời còn chất chứa biết bao khập khểnh, lẫn khuất, con người còn chịu bao số phận buồn đau, vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả... như một định mệnh, không thể tránh khỏi. Mô tả cuộc xung đột thiện - ác ấy là để thêm một tiếng nói góp phần thức tỉnh lương tri của con người.

Người trong cõi người của Nguyễn Quốc Trung (NXB Hội Nhà văn) nằm trong dòng tiểu thuyết hiện thực ấy. Với gần 500 trang miêu tả cuộc xung đột giữa những con người trong xã hội hiện tại, tác giả cho thấy, cuộc sống chúng ta đang sống, những con người chúng ta đang cùng sống, nếu nhìn thoáng qua, trong cái dòng ồ ạt, cái vẻ hào nhoáng kia sẽ không bao giờ thấy những khuất tất muôn thuở của nó.
Nguyễn Quốc Trung với chiếc “kính lúp” của mình, đã soi vào những ngõ ngách của đời sống, những hành vi đạo đức của con người, giúp người đọc xâu chuỗi những dữ liệu, những sự kiện, biểu hiện... từ quá khứ đến hiện tại để nắm bắt hiện thực một cách bản chất nhất. Con người không hoàn thiện, con người bị tha hóa, con người là nguyên nhân của tội ác, con người là nạn nhân của tội ác được nhà văn chú ý quan sát và đưa người đọc vào “trường thẩm mỹ” xác định, tức thái độ đạo đức, thái độ xã hội và thái độ nhân văn... mà tác giả đã đứng ra bênh vực và bảo vệ.
Cuộc đấu tranh để hoàn thiện con người trong Người trong cõi người là hiện thực của chính cuộc sống mà chúng ta đang sống. Nhà văn đã lặng lẽ xâm nhập vào chiều sâu đạo đức, triết lý của cõi người và đã phát hiện ra nhiều góc khuất, thật nhiều phi lý trong cái dòng đời, dòng người đang chuyển động tưởng như rất hợp lý kia.
Một khi cái ác đã lẩn khuất trong dáng vẻ không có gì đặc biệt của cuộc đời, thậm chí trong hành vi có vẻ hào nhoáng, của một số kẻ có chức, có quyền như nhân vật Thoản; của những kẻ đơn giản chỉ vì tiền như mụ Bông, Cảnh, Loan; của những kẻ bất nhân như Nhân, Quách... được đưa ra ánh sáng, thì nhận thức về khoảng cách thực tại mà ta đang sống trở nên không đơn giản. Nó chất chứa những nghịch lý, những bí ẩn của một dòng chảy lớn ào ạt đổ về phía trước, mang theo biết bao số phận bất hạnh, mang theo cả cái ác tàn nhẫn và phi nhân của cõi người mênh mông.
Nhiệt tình của nhà văn là khẳng định niềm tin vào cuộc đời, sự đi lên tất yếu của nó, cho dù mỗi con người hôm nay phải chứng kiến, phải đồng hành, đôi lúc phải bị khuất phục với cái ác tạm thời thắng thế. Niềm tin như vậy không dễ dãi, không một chiều mà là một quá trình tự nhận thức, qua rất nhiều sự phân tích xã hội.
Bài học về sự hoàn thiện nhân cách, về niềm tin trong sáng vào cuộc đời, cũng như sự thức tỉnh để lánh xa những cám dỗ tầm thường, những cạm bẫy độc địa do chính con người tạo ra, với tác giả hình như không bao giờ cũ. Ý tưởng này xuyên suốt thiên truyện tạo nên dòng chảy ngầm bền bỉ trong câu chữ làm nên hồn vía của tiểu thuyết khác xa với những giáo huấn khô khan mà ta từng gặp đâu đó trong không ít tác phẩm khác.
Người trong cõi người là một bước tiến trong sự nghiệp sáng tạo của Nguyễn Quốc Trung, cho thấy bút lực dồi dào cũng như hy vọng về chặng đường sáng tác mới của tác giả.
LÊ THÀNH NGHỊ