
Di chuyển bằng đôi nạng nhưng Huỳnh Công Sơn luôn sôi nổi trong các phong trào thanh niên khuyết tật (TNKT), khác với vẻ ngoài trầm lặng. Gắn bó với Hội Thanh niên Khuyết tật TPHCM suốt 11 năm nay, dường như trong anh chưa bao giờ tắt “lửa” nhiệt huyết.
Lỗ tiền nhưng lãi nhiều thứ

Anh Huỳnh Công Sơn tại Liên hoan Thanh niên khuyết tật TPHCM năm 2006.
Cơn sốt bại liệt hồi 4 tuổi khiến đôi chân Sơn gắn với đôi nạng từ đó. Song, Sơn không bao giờ mặc cảm, vẫn vui chơi với bạn bè dù thường ngồi xem họ chơi là chính.
Sơn tự hào nhất là học vấn của mình nhưng dù học không tồi song khi đăng ký thi vào ngành Điện-ĐH Bách khoa TPHCM, trường chỉ cho phép học dự thính nên Sơn đành từ bỏ giấc mơ kỹ sư điện để chuyển sang học nghề mài đá quý.
Học thạo nghề, anh tự mua nguyên vật liệu về chế tác các món trang sức bằng đá quý rồi đem chào bán hoặc ký gửi ở các tiệm vàng, đủ để sống qua ngày.
Tình cờ biết và tham gia sinh hoạt với nhóm “Anh em tương trợ”, nơi các TNKT gặp gỡ vào ngày cuối tuần để trò chuyện, chia sẻ và vui chơi, Sơn trở thành thành viên tích cực nhất. Năm 1993, bức xúc trước tình trạng TNKT không có việc làm do thành phố chưa có nơi đào tạo nghề cho họ, Sơn bày tỏ ý định mở lớp dạy nghề mài đá quý cho TNKT và được Hội Phụ nữ TPHCM ủng hộ cơ sở vật chất.
Sơn đầu tư mua sắm trang thiết bị lấy học phí rẻ lại bao cả ăn trưa cho học viên để họ không vất vả đi - về. Mở lớp được 2 năm thì Sơn lỗ 10 triệu đồng, một khoản tiền không nhỏ ở thời điểm đó nhưng Sơn vẫn vui vì “tôi lãi được nhiều thứ khác, trong đó thích nhất là thực hiện được điều mình mong muốn, tạo dựng nghề nghiệp cho nhiều TNKT như tôi”.
Thủ lĩnh “dễ thương”
Năm 1994, Sơn được chọn tham gia “Giải Thể thao Người khuyết tật mở rộng” tại Singapore và có dịp chứng kiến TNKT nước bạn vui chơi, làm việc trong một tổ chức hẳn hoi. Năm 1995, Chi hội TNKT thuộc Hội Du khảo trẻ TPHCM thành lập và Sơn được tín nhiệm giao đảm nhiệm vị trí thủ lĩnh.
Để thu hút TNKT đến chi hội, anh thiết kế những chuyến du khảo bằng xe lăn từ TPHCM đi Vũng Tàu, Phan Thiết nhằm khơi gợi tinh thần tự tin ở người khuyết tật. Các chuyến đi trên đã nối kết TNKT đến gần nhau, thu hút hơn 100 TNKT gia nhập chi hội.
Năm 2000, Hội TNKT TPHCM ra đời với số lượng thành viên đông hơn và anh Sơn giữ chức Chủ tịch. Năm 2002, Sơn bắt đầu thực hiện kế hoạch táo bạo với chương trình xuyên Việt bằng xe gắn máy kết hợp công tác xã hội. Chuyến đi này đã đem lại nhiều hào hứng cho TNKT. Cứ thế, chuyến xuyên Việt hàng năm được mở ra. Cũng nhờ đó, mô hình Hội TNKT của Sơn được nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành khác như: Nam Định, Thái Bình, Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn, Cần Thơ.
Duy trì hoạt động của Hội suốt 11 năm với khoảng 200 thành viên trong hoàn cảnh không có kinh phí hoạt động, “thủ lĩnh” Sơn khiến nhiều người khâm phục. Để có tiền tổ chức đi xuyên Việt nhiều lần, Sơn cạy cục xin tài trợ.
Để kiếm tiền nuôi các hoạt động của Hội, Sơn viết nhiều dự án dành riêng cho TNKT đi dự thi, trong đó có 2 dự án đoạt giải “Ngày sáng tạo Việt Nam” năm 2003 và 2004, một dự án nhỏ khác đoạt giải của Ngân hàng Thế giới năm 2005. Anh em trong Hội TNKT TPHCM thường nói về anh Sơn bằng nhận xét chân tình: “Đó là một thủ lĩnh dễ thương!”.
Biết TNKT nào nghèo, nhà xa, không có phương tiện đi lại, anh Sơn tặng xe máy 3 bánh; nhiều thành viên của Hội được anh trợ giúp mua xe; người gặp hoàn cảnh khó khăn cần vốn làm ăn thì anh cho vay tiền trả chậm… Đó là chưa kể hàng trăm chiếc xe lắc tay được anh Sơn gửi đến người khuyết tật khó khăn ở các địa phương trong những chuyến xuyên Việt.
Công ty Sức Sống chuyên về dịch vụ in ấn của Sơn đã giúp nuôi sống 20 nhân viên khuyết tật lẫn người bình thường. Làm Chủ tịch Hội TNKT TPHCM nhiều năm không hưởng lương nhưng Sơn nói điều đó không quan trọng vì anh đã làm những gì mình thích với tinh thần cống hiến thực sự cho cộng đồng người khuyết tật.
HỒNG LOAN