Nguồn gốc hooligan

Nguồn gốc hooligan

2 phút sau khi khai cuộc trận bóng TMN.CSG - Thanh Hóa, cổ động viên đội khách Thanh Hóa bắt đầu ném đủ mọi thứ xuống sân. Sau đó, khi A Vỹ ghi bàn mở tỷ số, “cơn mưa” vật lạ tăng lên rõ rệt. Đến khi trung vệ Amurako bị thẻ đỏ phút 55 và đội chủ nhà TMN.CSG được hưởng quả phạt đền thì trên khán đài, biểu ngữ của đội chủ nhà bị fan đội khách đốt cháy và xô xát bắt đầu nổ ra. Trận đấu tạm dừng ở phút 67. Trọng tài Đặng Thanh Hạ quyết định ngừng luôn trận đấu và 400 cảnh sát cơ động cùng quân cảnh được điều đến giải tán đám người quá khích...

Thông tin vào buổi chiều cùng ngày, các hãng thông tấn nước ngoài gọi vụ việc trên là “hooligan Việt Nam”...

Hooligan là gì?

Nguồn gốc hooligan ảnh 1
Một cuộc xung đột giữa các hooligan.

Theo các tài liệu cũ, từ “hooligan” xuất hiện lần đầu vào cuối những năm 90 của thế kỷ 19 bởi những tay chơi lang thang trên đường phố. Rất ít người biết đến từ ngữ lạ tai này nhưng khi cảnh sát thành phố London (Anh) đề cập đến “hooligan” vào năm 1898 trong một bản báo cáo thì nó bắt đầu được biết đến một cách rộng rãi.

Một số ý kiến khác cho rằng tên gọi hooligan xuất xứ từ vùng Southwark, London có tên là Patrick Hooligan. Một ý kiến khác nữa thì đề cập đến những tay chơi trên đường phố Islington, thuộc London được gọi là “Hooley”. Từ này có gốc từ Ailen, nghĩa là hoang dại, vốn là tinh thần của những lễ hội tại đây.

Hooligan bóng đá

Theo giáo sư Geoff Pearson, làm việc tại Trường Đại học Liverpool, từ “hooligan bóng đá” được nói đến lần đầu vào cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, lan sang thập niên 70 và kéo dài đến giữa thập niên 80 cho đến khi xảy ra thảm cảnh Heysel (Bỉ) và Hillsborough (Anh).

Tuy nhiên, theo cuốn “Lịch sử bóng đá thế giới”, những xung đột giữa đám đông cổ động viên bóng đá trên khán đài đã xuất hiện từ rất sớm, vào khoảng thế kỷ 19. Cụ thể là trong những trận đấu vào năm 1846 ở Derby. Khi đó, cảnh sát được sự hỗ trợ của quân đội phải dùng biện pháp mạnh để trấn áp đám cổ động viên quá khích. Từ khoảng năm 1970 đến 1980, nạn hooligan lan rộng, ảnh hưởng và đe dọa hủy diệt môn bóng đá.

Vụ hooligan tồi tệ gần đây nhất diễn ra vào ngày 2-2-2007 tại Ý, khi các cổ động viên bên ngoài sân trận Catania-Palermo đã xung đột dữ dội với lực lượng cảnh sát, khiến sĩ quan cảnh sát Filippo Raciti bị chết và từ đó Chính phủ Ý đã ra lệnh cấm tổ chức các trận đấu bóng cho đến khi ổn định lại trật tự. Vụ đó được gọi là “bạo động bóng đá tại Catania 2007” (Catania football violence 2007).

“Toàn cầu hóa”... hooligan

Không chỉ dừng lại ở Anh, Ý, nạn hooligan lan nhanh sang Nga và nhiều nước Đông Âu. Tại Nga, những phần tử phát xít mới trà trộn vào bóng đá, tạo ra những vụ lộn xộn tại các sân bóng ở Moscow, St. Petesbourg và các thành phố khác. Các hooligan Ba Lan liên kết chặt với láng giềng Đức hình thành đường dây thông tin các vụ quậy phá trên đường phố.
 
Tại Iran cũng có nạn hooligan nhưng do chính phủ kiểm soát tốt tình hình nên tệ nạn này đã giảm thiểu rất nhiều.Trái lại, tại Thổ Nhĩ Kỳ, nạn hooligan bùng phát mạnh, rất khó kiểm soát. Hầu hết là hooligan bóng đá. Nhiều trận đấu diễn ra những vụ đụng độ máu lửa giữa cổ động viên hai đội bóng mà nổi tiếng nhất là những cuộc chạm trán giữa Fenerbahce – Galatasaray, Fenerbahce – Besiktas, Galatasaray – Besiktas, Fenerbahce – Trabzonspor, Goztepe – Karsiyaka...

Không những thế, hooligan Thổ Nhĩ Kỳ cũng không buông tha CĐV các đội châu Âu khác mỗi khi đến chơi tại nước họ.

Thảm kịch Heysel – vụ hooligan nổi tiếng nhất

Ngày 29-5-1985, hai đội Liverpool (Anh) và Juventus (Ý) tiến ra sân Heysel bắt đầu trận chung kết Cúp các đội vô địch quốc gia châu Âu (cúp C1). Sân bóng có sức chứa chỉ khoảng 50.000 người nhưng nhét đến 60.000 người.

Trận đấu bắt đầu chưa được bao lâu thì trên khu vực khán đài Z, nhóm cổ động viên Juventus ít ỏi bị đám cổ động viên Liverpool dữ tợn dồn vào sát hàng rào. Một số người bị giẫm đạp đến chết, số khác bị bức tường rào bất thình lình đổ sập đè nghiến. Tổng cộng có 39 người thiệt mạng, bao gồm 32 người Ý, 4 người Bỉ, 2 người Pháp và 1 người Ailen. Ngoài ra còn hơn 200 người khác bị thương. Một cảnh tượng kinh hoàng.

Sau vụ hooligan tồi tệ này, bóng đá Anh cấp câu lạc bộ bị UEFA cấm cửa 5 năm. Sân Heysel không còn tổ chức bóng đá mà chỉ dành cho môn điền kinh trong hơn 10 năm cho đến khi được chỉnh trang lại vào năm 1995 và được thay bằng cái tên mới: sân Vua Baudouin.

LINH GIAO

Một số vụ hooligan tiêu biểu

- Năm 1990, trong một cuộc ăn mừng chiến thắng sau khi đội bóng rổ Detroit, Michigan đoạt NBA, một vụ xô xát xảy ra khiến 7 người chết.
 
- Năm 1993, tại Chicago, Illinois, sau khi đội bóng rổ Chicago Bulls đoạt chức vô địch NBA, một vụ xô xát xảy ra khiến 3 người bị chết.

- Năm 1994, vụ bạo động tại Stanley Cup tại Vancouver, Canada dẫn đến 200 người bị thương, nhiều người bị bắt giữ sau đó.

- Năm 2001, cổ động viên của Cleveland Brown tràn xuống sân với các chai bia bằng plastic cùng nhiều vật cứng khác lao vào tấn công quan chức và cầu thủ đội khách Jacksonville Jaguar.

Cùng năm này, cổ động viên đội bóng rổ trường đại học Maryland bỗng chốc hóa khùng sau khi thua ACC Duke trên sân nhà và biến sân bóng thành bãi chiến trường.
 

Tin cùng chuyên mục