Nhân chuyến kinh lý Hoa Kỳ từ 19 đến 25-6-2005 của Thủ tướng Phan Văn Khải

Nguồn lực Việt kiều

Nguồn lực Việt kiều

Không hiểu lý do gì mà nhiều bài viết về cộng đồng kiều bào Việt Nam tại Mỹ thường tập trung khai thác đề tài… Việt kiều bán phở! thực tế, những người kinh doanh hàng ăn uống (hoặc làm móng tay mà ở Mỹ gọi là làm “nails”) chỉ là số ít trong cộng đồng kiều bào Việt Nam, trong khi có 60% Việt kiều tại Mỹ là thành phần trí thức – như thống kê mới nhất của Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài (dẫn lại từ TTXVN). Huy động nguồn lực Việt kiều rõ ràng là một chính sách quan trọng trong tổng thể chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

  • Khởi đầu từ "Sài Gòn nhỏ"
Nguồn lực Việt kiều ảnh 1

Khu mua sắm - ăn uống khổng lồ Asian Garden Mall tại Little Saigon (California)

Hãy nhìn Little Saigon (tạm dịch “Sài Gòn nhỏ”) để có thể thấy thành công của cộng đồng kiều bào Việt Nam như thế nào. Đến Mỹ vào thời điểm lịch sử tháng 4-1975 với hai bàn tay trắng và sống tại trại tỵ nạn Pendleton (California), những người Việt đầu tiên của khu Little Saigon tương lai đã “khai phá” một vùng đất mới tại Mỹ. Trước khi có mặt người Việt (thời điểm 1975), Westminster (gần Pendleton) – trong đó có hạt Orange (quen gọi là “quận Cam”) – chỉ là thành phố nhỏ còn bỏ hoang nhiều đất trống. Chính người Việt đã tạo ra sức sống mới cho Westminster với quán xá, cửa tiệm và nhiều hoạt động kinh doanh.

Bây giờ, nơi này đã trở thành khu thị tứ sầm uất với tên gọi (được Hội đồng thành phố Westminster chính thức chấp nhận năm 1988) là Little Saigon. Nằm cách Disneyland về phía Tây, Little Saigon thậm chí trở thành khu du lịch của nhiều người Mỹ, với trung tâm mua sắm khổng lồ tại Đại lộ Bolsa. Không chỉ tại Westminster, cộng đồng Việt kiều còn “lấn” sang Sacramento (California) với một Little Saigon nữa (bán chính thức).

Ngoài ra, còn có một Little Saigon không chính thức tại San Francisco (California) nằm ở quận Tenderloin. Bên ngoài địa phận California, Việt kiều còn tập trung ở Houston (Texas) và Seattle (bang Washington) – nơi có “khu công nghiệp” thuộc quản lý người Việt ở Đại lộ 12 và đường Jackson. Cuối cùng, một trong những khu đông kiều bào Việt Nam nữa là Oklahoma City thuộc bang Oklahoma.

Đây là nơi định cư của người Việt đến Mỹ thập niên 1980. Tuy nhiên, Little Saigon-quận Cam (hạt đông dân thứ hai tại California với hơn 2,8 triệu dân, trong đó cộng đồng Việt kiều chiếm khoảng 15%) vẫn là nơi Việt kiều đóng góp nhiều nhất cho kinh tế địa phương cũng như có sức ảnh hưởng chính trị đáng kể. Nếu từng xem truyền hình CNN chiến dịch tranh cử thống đốc California của Arnold Schwarzenegger, người ta hẳn còn nhớ cảnh Schwarzenegger đến tận Little Saigon để tranh thủ từng lá phiếu cộng đồng Việt kiều (trong đó có màn xoa bụng Phật Cười tại cổng Asian Garden Mall để cầu may và để làm vui lòng cử tri gốc Việt!).

Thành công của người Việt trên đất Mỹ là một chặng đường dài đáng ngưỡng mộ, đối với những người từng đến xứ lạ quê người với bàn tay trắng và không ít người trong số đó thậm chí không biết một chữ tiếng Anh và khởi dựng sự nghiệp như ngày nay chỉ bằng nghề cắt cỏ hoặc rửa chén.

  • Tấm lòng và tiềm năng kiều bào

Kích thích tiềm năng Việt kiều là một chính sách cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục mở đường sâu vào thị trường Mỹ. Ai có thể nắm vững đường đi nước bước vào một thị trường khổng lồ trị giá 1.000 tỉ USD nhưng đầy rẫy luật lệ phức tạp, ngoài cộng đồng kiều bào Việt Nam? Có thể dẫn lại lời của ông Trần Quang Hoan - Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Phó chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài (trong hội thảo “Thiết lập hệ thống phân phối và tiêu thụ hàng Việt Nam tại Hoa Kỳ” tổ chức tại TP. HCM ngày 13-6-2005) để thấy thêm vị trí cầu nối của kiều bào Việt Nam: “Trong những năm qua, sự nghiệp đổi mới của Việt Nam tiếp tục đạt được những thành tựu hết sức to lớn trên mọi lĩnh vực. Nền kinh tế của nước ta liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh.

Các quan hệ kinh tế đối ngoại không ngừng mở rộng và phát triển, trong đó Hoa Kỳ trở thành một đối tác rất quan trọng. Tuy nhiên, do những hạn chế về nguồn tài chính, chất lượng sản phẩm, thiếu thông tin và hiểu biết về luật lệ, cách thức kinh doanh tại Hoa Kỳ, và nhiều yếu tố khác, các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường Hoa Kỳ.

Để góp phần khắc phục tình trạng nói trên, một nhân tố quan trọng mà chúng ta cần và có thể khai thác là sự phối hợp giữa các doanh nghiệp trong nước với cộng đồng kiều bào đang sống và làm việc tập trung ở nhiều thành phố lớn của nước Mỹ. Với lợi thế là những người am hiểu thị trường Hoa Kỳ, thông thạo ngôn ngữ, cộng đồng người Việt Nam tại nước này có thể đóng vai trò môi giới hữu hiệu đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ”.

Tại cuộc gặp cộng đồng Việt kiều (nhân dịp về quê ăn Tết) vào tháng 2-2005, Thủ tướng Phan Văn Khải cũng một lần nữa nhấn mạnh đóng góp của kiều bào Việt Nam. Theo bản tin điện tử của Bộ Tài chính Việt Nam (www.mof.gov.vn), năm 2004, Việt kiều đã đầu tư 630 tỉ đồng (40 triệu USD) vào các dự án ở TP. HCM và tổng số tiền Việt kiều gửi về cho thân nhân trong năm 2004 đã lên đến 3 tỉ USD.

Với gần 3 triệu kiều bào Việt Nam sống rải rác trên thế giới nói chung (hầu hết tại các quốc gia phát triển), tiềm lực tài chính lẫn chất xám của Việt kiều rất nhiều, đặc biệt là thành phần trí thức. Trong thực tế, Việt kiều trí thức đã bắt đầu nhìn về quê nhà bằng cặp mắt khác. Hẳn là không thừa nếu kể vài đóng góp gần đây nhất cho quê hương của Việt kiều trí thức. Giáo sư (Việt kiều) Phạm Chung đã và đang hỗ trợ công tác giảng dạy cũng như tặng sách vở cho Đại học Kinh tế TP. HCM.

Việt kiều Đức Phạm Đoàn Dương vận động Chính phủ Đức tài trợ các chương trình giáo dục cho Trung học kỹ thuật-dạy nghề TP. HCM. Bác sĩ Jean Chung Minh tiến hành loạt chương trình hợp tác giữa Sở Y tế TP. HCM với nhiều trường đại học Pháp… Sẽ chẳng có gì giá trị hơn là thu hút chất xám. Đó mới là căn cơ cho tương lai lâu dài và là điều cần đặc biệt nhấn mạnh trong chủ trương kêu gọi Việt kiều trở về góp sức phát triển tương lai đất nước.

MẠNH KIM

Tin cùng chuyên mục