Nguồn nước sạch TPHCM bị đe dọa nghiêm trọng

Tại cuộc họp bảo vệ nguồn nước trong điều kiện biến đổi khí hậu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội diễn ra ngày 22-3 do Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM chủ trì, nhiều đại biểu tham dự cho rằng, chưa bao giờ nguồn nước sạch bị đe dọa nghiêm trọng như hiện nay.
Nguồn nước sạch TPHCM bị đe dọa nghiêm trọng

Tại cuộc họp bảo vệ nguồn nước trong điều kiện biến đổi khí hậu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội diễn ra ngày 22-3 do Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM chủ trì, nhiều đại biểu tham dự cho rằng, chưa bao giờ nguồn nước sạch bị đe dọa nghiêm trọng như hiện nay.

Một tuần, 3 lần ngưng lấy nước thô vì nhiễm mặn

Chỉ tính trong tuần qua, Nhà máy nước Tân Hiệp đã phải 3 lần ngưng lấy nước thô vì độ mặn vượt tiêu chuẩn cho phép. Điều này phù hợp với kết quả quan trắc chất lượng nguồn nước của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đưa ra tại hội nghị. Từ đầu tháng 2 đến nay, mức độ ô nhiễm mặn đo được tại khu vực hạ nguồn sông Sài Gòn đã tăng gấp 53 lần so với cùng kỳ năm trước. Mức độ mặn xâm nhập rất sâu vào khu vực thượng nguồn, ảnh hưởng nghiêm trọng chất lượng nguồn nước phục vụ xử lý cấp nước sinh hoạt của Nhà máy nước Tân Hiệp cũng như ảnh hưởng đến khả năng thoát nước của thành phố.

Kiểm tra độ mặn tại Nhà máy nước Tân Hiệp (Ảnh: CAO THĂNG)

Không chỉ ô nhiễm mặn, nguồn nước cấp sông Sài Gòn còn đang bị ô nhiễm hóa chất phát sinh từ hoạt động sản xuất công nghiệp và sinh hoạt. Chất lượng nước có lượng oxy hòa tan trong nước thấp, bị ô nhiễm hữu cơ, nhiễm vi sinh.

Ông Bùi Xuân Thành, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, cho biết, chỉ mới tính lượng nước thải sinh hoạt cũng đủ thấy nguồn nước sông bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trung bình mỗi ngày các nhà máy nước cung cấp cho thành phố 1,8 triệu m³ nước sạch. Vậy lượng nước thải sẽ tương đương khoảng 80%. Thế nhưng, tính cho đến nay, thành phố chỉ mới đưa vào vận hành và xử lý gần 150.000m³ nước thải/ngày tại Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng. Lượng nước thải ô nhiễm còn lại tiếp tục đổ theo kênh rạch ra lại sông. Kết quả khảo sát chất lượng nước 5 tuyến kênh đổ ra sông Sài Gòn bao gồm kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ, Tân Hóa - Lò Gốm và Tham Lương - Vàm Thuật cho thấy, các chỉ tiêu pH, BOD5, COD và Coliform tại hầu hết các điểm quan trắc đều không đạt quy chuẩn cho phép đối với nguồn nước mặt loại B2.

Điều đáng lo ngại là tình trạng gia tăng ô nhiễm mặn và hóa chất trong nguồn nước sông Sài Gòn, Đồng Nai trong khi công nghệ xử lý nước cấp chưa thay đổi tương ứng, đã đe dọa trực tiếp đến chất lượng nước cấp sinh hoạt cho người dân.

Ông Bùi Xuân Thành nhấn mạnh, công nghệ xử lý nước cấp hiện nay của Việt Nam chỉ là công nghệ truyền thống bằng cách lắng lọc, tạo bông và khử trùng. Công nghệ này chỉ phù hợp khi chất lượng nguồn nước sông đạt tiêu chuẩn A1. Còn với chất lượng nguồn nước sông đang bị ô nhiễm như hiện nay thì công nghệ này khó có thể xử lý đạt yêu cầu. Thực tế nghiên cứu diễn biến chất lượng nguồn nước từ năm 2011 cho đến nay của nhóm tác giả Trường Đại học Bách khoa cho thấy, những chất vi lượng làm biến đổi giới tính, hóa chất bảo vệ thực vật có thể gây ung thư đã xuất hiện trong nguồn nước cấp thô. Mức độ ô nhiễm những chất này tại sông Sài Gòn cao hơn sông Đồng Nai và cao hơn gấp 10 lần so với các nước phát triển. Và với công nghệ xử lý nước như hiện nay thì không thể nào xử lý được những hóa chất này. Chưa hết, việc sử dụng chất flo khử trùng nguồn nước thô bị nhiễm vi sinh cũng làm phát sinh chất THMs - một chất gây ung thư nếu được tích lũy lâu dài ở người sử dụng.

Cần giải pháp căn cơ

Để giải quyết tình trạng chất lượng nguồn nước cấp bị đe dọa vì nhiễm mặn và hóa chất, đại diện Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn cho biết, công ty đã lên nhiều phương án ứng phó. Cụ thể như điều chỉnh lịch lấy nước, tăng thêm hệ thống bể trữ nước thô, phân tán hệ thống nhà máy cung ứng nước để giảm rủi ro. Riêng phương án dời họng lấy nước thô gần hơn về phía thượng nguồn đã có tính toán nhưng do liên quan đến chi phí đầu tư nên phương án này đang được bàn bạc và xem xét.

Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho rằng cần phải tính thêm yếu tố chất lượng nguồn nước của các hồ thủy điện khu vực thượng nguồn sông Sài Gòn và Đồng Nai. Bởi các hồ chứa nước chính là nơi tích trữ chất thải công nghiệp và sinh hoạt từ các khu công nghiệp, khu dân cư thượng nguồn. Trong quá trình tích trữ, hóa chất sẽ tác động lẫn nhau và khả năng phát sinh nhiều chất thải nguy hại đến sức khỏe cộng đồng là khó tránh khỏi. Còn về phía nhà máy xử lý nước thô thành nước cấp sinh hoạt, cần sớm có phương án đầu tư cải thiện hiện trạng công nghệ xử lý nước cấp sinh hoạt. Theo đó, để thích ứng với sự suy giảm chất lượng nguồn nước hiện nay, cần phải đầu tư dây chuyền công nghệ lọc màng. Có như vậy mới ngăn chặn những hóa chất tồn tại trong nước cũng như ngăn ngừa hóa chất phát sinh trong quá trình xử lý nước.

Về giải pháp căn cơ hơn, cần thiết phải xử lý nước thải công nghiệp và sinh hoạt ô nhiễm đang thải ra hệ thống sông Sài Gòn và Đồng Nai. Theo đó, nhanh chóng đầu tư và đưa vào vận hành nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát (lưu vực 8), Nhà máy Nhiêu Lộc và Thị Nghè (lưu vực 9), Nhà máy Bình Tân (lưu vực 10), Nhà máy Tây Sài Gòn (lưu vực 2); nhà máy quản lý việc thu gom, vận chuyển, xử lý phân bùn bể tự hoại trên địa bàn TPHCM kết hợp kiểm soát xả lén bùn tự hoại qua kênh rạch, cống thoát nước, bãi trống… Cần nạo vét kênh rạch, dòng chảy; lắp đặt các lưới chắn rác tại các họng xả ra kênh; ứng dụng công nghệ tăng cường khả năng tự làm sạch dòng chảy, kênh, hồ…

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục