Cho đến lúc này, hàng ngàn đơn của nông dân tỉnh Đồng Nai kiện Công ty cổ phần Hữu hạn Vedan Việt Nam (Vedan) vẫn chưa được cơ quan nào thụ lý.
Đẩy qua đẩy lại
Theo Hội Nông dân (HND) tỉnh Đồng Nai, gần 3 tháng qua, vấn đề nông dân kiện Vedan đòi bồi thường thiệt hại vẫn trong tình trạng bế tắc vì thủ tục, quy trình khởi kiện không rõ.
Ngày 10-10-2008, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản số 8792/UBND-CNN giao UBND các huyện Long Thành, Nhơn Trạch kiểm tra mức độ thiệt hại của các hộ dân có đơn phản ánh yêu cầu Vedan bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường.
Nhưng đến ngày 28-10-2008, UBND tỉnh Đồng Nai lại ban hành văn bản số 9076/UBND-CNN hủy bỏ văn bản 8792/UBND-CNN, đồng thời đề nghị người dân viết đơn riêng gởi trực tiếp đến Tổng giám đốc Vedan để yêu cầu bồi thường. UBND tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng trường hợp không thỏa thuận được bồi thường, các hộ dân có thể gởi đơn đến tòa án để khởi kiện.
Điều nghịch lý mà nông dân ở xã Phước Thái phản ánh là khi họ mang đơn kiện đòi bồi thường đến Vedan thì đơn vị này không nhận, đem đơn kiện đến tòa án thì tòa yêu cầu phải có bằng chứng, chứng minh Vedan gây thiệt hại thì mới nhận đơn. Việc chứng minh thiệt hại này lại nằm ngoài khả năng của người nông dân.
HND xã Phước Thái cũng xác nhận tình trạng này: “Những lá đơn của người dân kiện Vedan gây ô nhiễm, làm thiệt hại đến sản xuất và đời sống đang ở trong tình thế “đẩy qua, đẩy lại”. Đơn gửi về xã thì xã không nhận (nếu có nhận cũng chỉ bỏ vào tủ cất), gửi về Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh thì được hướng dẫn gửi cho tòa án, trong khi đem đơn đến tòa án thì tòa bảo không có cơ sở giải quyết...
Theo HND huyện Long Thành, Nhơn Trạch thì tình trạng tại đây cũng tương tự. Sau khi có hướng dẫn của HND tỉnh Đồng Nai, người dân đã trực tiếp gửi đơn kiện đến Vedan hoặc gửi đơn đến tòa nhưng cả hai nơi này đều từ chối nhận. Trong khi đó, đơn kiện Vedan của hơn 2.600 hộ nông dân gửi đến UBND các xã Long Thọ (Nhơn Trạch), Long Phước (Long Thành)... trước khi có hướng dẫn của HND tỉnh hiện vẫn đang nằm trong ngăn kéo.
Nông dân “bó tay”
Theo Trưởng ban Tuyên truyền Hội Luật gia TPHCM Nguyễn Văn Hậu, để tính được mức thiệt hại do Vedan gây ra thì phải xác định được sản lượng, diện tích nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản bị thiệt hại từ việc ô nhiễm sông Thị Vải do Vedan gây ra. Tất cả điều này, một mình người dân không thể nào thực hiện được trừ khi có sự giúp đỡ, hỗ trợ từ nhiều cơ quan, tổ chức như Sở NN-PTNT, Sở TN-MT, Sở Y tế… Cũng theo ông, về mặt pháp lý, HND hay các tổ chức đoàn thể khác có thể thay mặt nông dân đứng ra nhận ủy quyền để khởi kiện tại tòa.
Ý kiến một số luật sư khác cũng cho rằng, việc UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị nông dân tự gởi đơn trực tiếp đến Vedan đòi bồi thường thiệt hại trong khi người dân khó chứng minh được thiệt hại là đã đẩy người dân vào một tình huống quá khó. Sự việc Vedan gây ô nhiễm và gây thiệt hại cho người dân sống dọc theo sông Thị Vải đã quá rõ ràng. Nhưng để tìm bằng chứng chứng minh thiệt hại của người dân thì chỉ có ngành chức năng ở địa phương và Bộ TN-MT mới có và thực hiện được.
Với việc đùn đẩy trách nhiệm của cơ quan chức năng kéo dài trong thời gian qua, không biết đến bao giờ những người dân mới có thể đòi lại quyền lợi chính đáng cho mình. Điều nguy hiểm là nếu việc này không được giải quyết thỏa đáng, rốt ráo thì đây sẽ là một tiền lệ xấu trong việc yêu cầu các doanh nghiệp bồi thường khi gây ô nhiễm. Qua tổng hợp của HND các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM, hiện có khoảng 5.000 hộ nông, ngư dân bị thiệt hại nghiêm trọng về cây trồng, vật nuôi do chất thải độc hại của Vedan xả ra sông Thị Vải.
Đồng Nai yêu cầu Vedan khắc phục ô nhiễm môi trường (SGGP). - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Một vừa ký văn bản yêu cầu Công ty cổ phần Hữu hạn Vedan Việt Nam thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường sông Thị Vải theo quyết định xử phạt của Chánh Thanh tra Bộ TN-MT trước đó. Theo đó, Vedan phải lập báo cáo tình hình khắc phục hậu quả vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, trong đó ghi rõ thời gian, kinh phí và tiến độ thực hiện các công trình khắc phục môi trường sông Thị Vải. Vedan cũng phải lập kế hoạch xây dựng 2 hệ thống xử lý nước thải mới thu gom nước thải từ nhà máy xút, axít và báo cáo tiến độ thực hiện lên UBND tỉnh Đồng Nai và Bộ TN-MT. |
L.Long – L.Nguyễn