Sở KH-CN vừa công bố một nghiên cứu mới nhất về diễn biến chất lượng không khí tại TPHCM trong suốt 5 năm qua cho thấy, không khí không ngừng gia tăng ô nhiễm. Ngưỡng ô nhiễm này đã và đang hủy hoại sức khỏe người dân TP. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Đình Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường TPHCM, trưởng nhóm nghiên cứu dự án này.
- PV: Qua quá trình nghiên cứu chất lượng không khí trong suốt 5 năm qua, ông đánh giá như thế nào về diễn biến chất lượng không khí của TP hiện nay?
- PGS-TS NGUYỄN ĐÌNH TUẤN: Khu vực bị ô nhiễm nhất hiện nay là ven các trục đường giao thông. Cụ thể, nồng độ bụi vượt quy chuẩn cho phép 1,26 - 2,55 lần, có những tháng vượt 5 lần. Thống kê toàn bộ số liệu quan trắc trong vòng 5 năm qua có 98% số liệu không đạt quy chuẩn, trong đó có 3 trạm 100% số liệu quan trắc không đạt; nồng độ NO2 vượt từ 5 - 10 lần và 45% giá trị quan trắc vượt quy chuẩn; nồng độ Pb trung bình dao động từ 0,24 - 2,21µg/m3. Cao nhất vào 2006 và năm 2007, sau giảm mạnh từ năm 2008 nhưng lại tăng cao vào năm 2009. Trong đó, đặc biệt nồng độ benzen đo được luôn luôn cao hơn quy chuẩn cho phép.
- Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến môi trường thành phố ngày càng bị ô nhiễm?
- Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại TPHCM chủ yếu từ hai hoạt động chính là hoạt động giao thông vận tải và sản xuất công nghiệp. Trong đó đối với khu vực nội thành, hoạt động giao thông vận tải là nguyên nhân chủ yếu. Lượng xe lưu thông ngày một tăng, lượng nhiên liệu tiêu thụ ngày một nhiều, tình trạng ùn tắc ngày càng trầm trọng dẫn tới thời gian lưu thông trên đường nhiều hơn… Còn đối với quận huyện ngoại thành, ô nhiễm không khí chủ yếu do sản xuất công nghiệp. Hiện phần lớn khí thải phát sinh từ sản xuất công nghiệp chưa được kiểm soát chặt chẽ. Hơn nữa, các quận huyện ngoại thành còn hứng chịu một phần khí thải ô nhiễm do hoạt động giao thông từ nội thành theo hướng gió khuếch tán.
- TPHCM bị xếp vào 10 TP ô nhiễm không khí nhất thế giới. Nguyên nhân chính nào khiến TPHCM bị xếp như vậy?
- Đó là xếp hạng trong một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới. Không chỉ vậy, một nghiên cứu khác của Tổ chức Không khí sạch châu Á cũng đã xếp hạng TPHCM tương đương các TP Manila và Jakarta. Việc xếp hạng này một mặt dựa trên thực trạng chất lượng không khí của thành phố. Mặt khác dựa trên năng lực quản lý chất lượng không khí (viết tắc AQM). Theo đó, TPHCM được xếp ở mức tương đối 1.
- Việc không khí ô nhiễm trên đã và đang ảnh hưởng đến sức khỏe người dân như thế nào?
- Hiện TP chưa có những nghiên cứu bài bản về vấn đề này nên không thể định lượng được. Tuy nhiên, với mức độ ô nhiễm không khí như hiện nay, người dân sống những vùng bị ô nhiễm không khí nặng, khu vực ven các trục đường giao thông chính, gần các khu chế xuất, khu công nghiệp hoặc khu dân cư hứng chịu lượng khí thải ô nhiễm bị khuếch tán theo hướng gió từ nội thành ra… sẽ mắc các bệnh về đường hô hấp và phổi, cũng như nguy cơ bị ung thư cao hơn những nhóm cư dân khác là điều chắc chắn.
- Được biết, ông và Sở Y tế đã có nghiên cứu về tác động ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng, nhất là người dân nghèo. Hiện nghiên cứu đó đã có những kết quả như thế nào?
- Nghiên cứu này ngoài chúng tôi và Sở Y tế còn có nhiều nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực y và môi trường không khí của một số trường đại học của Mỹ, Canada và Hồng Công (Trung Quốc). Hiện chưa có kết quả nghiên cứu chính thức nhưng bước đầu cho thấy có những mối liên hệ (dù còn mang tính định tính) giữa ô nhiễm không khí với sức khỏe người dân. Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng cho thấy có sự khác nhau khi chịu tác động của ô nhiễm không khí giữa người nghèo và người không nghèo. Bản thân Bệnh viện Nhi đồng 1, 2 đã có những thống kê sơ bộ về tình trạng gia tăng bệnh về hô hấp trong 5 năm qua. Những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của ô nhiễm không khí chính là nơi có số lượng bệnh nhân bị bệnh liên quan đến hô hấp nhiều nhất.
- Để thoát khỏi top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, theo ông, TPHCM cần thực hiện những giải pháp cấp bách cũng như lâu dài nào?
- Trước hết, cần xem xét lại vấn đề quy hoạch để cải tiến được tình trạng ùn tắc giao thông. Trên thực tế, hiện vẫn còn bất cập trong quy hoạch giao thông giữa các quận huyện. Có những quận huyện quy hoạch tuyến đường này chính. Theo đó, chiều rộng lòng đường rộng nhưng sang đến quận huyện khác thì tuyến đường này chỉ là đường phụ nên chiều rộng lòng đường bị thu hẹp, tạo thành thắt nút cổ chai, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng.
Không dừng lại đó, các cơ quan chức năng liên quan cần hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, tăng cường phương tiện giao thông công cộng; xây dựng chính sách khuyến khích phát triển sản xuất cũng như tiêu thụ nhiên liệu sạch, giảm thiểu sử dụng nhiên liệu hóa thạch nhất là xăng pha chì hoặc xăng có nồng độ lưu huỳnh cao; nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc sử dụng hợp lý phương tiện tham gia giao thông.
Nếu được nên sử dụng trong nội thành những phương tiện giao thông không quá 50 phân khối. Và cuối cùng, quan trọng hơn hết, TP cần xây dựng được chương trình cải thiện ô nhiễm không khí. Phải thấy rằng, nếu chương trình này chưa được xây dựng thì cũng rất khó để các cơ quan chức năng thực hiện cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí vì không biết phải bắt đầu từ đâu và thực hiện trên chương trình như thế nào.
ÁI VÂN