Rừng U Minh

Nguy cơ cháy lớn

Nguy cơ cháy lớn

Nguy cơ cháy lớn ảnh 1

Canh gác trên chòi cao phát hiện cháy rừng.

Chưa bao giờ dải rừng tràm U Minh rộng lớn lại đối mặt với khô hạn khốc liệt như hiện nay. Tuần trước, 36.000 ha rừng thuộc các lâm phần U Minh Hạ (Cà Mau) báo động cháy cấp 4, nay đã tăng lên cấp 5 – cấp cực kỳ nguy hiểm. Nguy cơ cháy và cháy lớn đang treo lơ lửng trên những vạt tràm.

  • Thấp thỏm Vồ Dơi 

Tôi về U Minh ngay thời điểm nóng bỏng phòng chống cháy rừng (PCCR). Lúc ghé Chi cục Kiểm lâm Cà Mau hỏi thăm tình hình khô hạn, anh Lê Văn Hải, Chi cục phó thở dài: “Không giống những nơi khác, rừng Cà Mau mới sau tết đã khô queo, dưới chân rừng không còn một giọt nước. Các tuyến kênh xung quanh rừng đang cạn, trong khi bên ngoài toàn là nước mặn không thể bơm vào rừng giữ độ ẩm.

Hiện tại, ngành kiểm lâm tăng cường phối hợp cùng chính quyền địa phương, công an, chủ rừng và người dân… giữ rừng 24/24. Tuy nhiên, tình hình hết sức nguy cấp, khi nắng hạn gay gắt và còn kéo dài”. Trong 2 năm liên tiếp (2001 –2002), rừng U Minh Hạ xảy ra cháy lớn, đặc biệt năm 2002 có đến 66 vụ cháy, thiêu rụi gần 4.400 ha rừng. Từ đó đến nay, U Minh Hạ thường không có mưa trái mùa và liên tục bị hạn sớm. Do đó nếu xảy ra cháy lớn như các năm trước, sẽ là một thảm họa khôn lường.

Theo hướng dẫn của vị chi cục phó Chi cục kiểm lâm, chúng tôi vào rừng đặc dụng Vồ Dơi – một trong những điểm nóng nhất của rừng tràm U Minh Hạ. Trưởng ban quản lý rừng đặc dụng Vồ Dơi Nguyễn Văn Thế lo lắng nói: “Toàn lâm phần 3.688 ha, trong đó 3.185 ha có rừng cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Ngay đầu mùa khô chúng tôi đã thực hiện đóng cửa rừng và bơm nước trữ lại.

Nhưng cố gắng mấy cũng vô vọng, rừng đã cạn kiệt nước vì nắng quá cao”. Đưa chúng tôi vào rừng theo con đường ranh giới giữa tiểu khu 1 và tiểu khu 2, nắng hừng hực như đổ lửa. Rừng tràm bạt ngàn đứng trơ rũ lá, những dây leo bám trên thân tràm đã khô héo, chết rũ. Anh Thế lắc đầu: “Mực nước xuống quá thấp làm cho mặt đất khô xám hết, nên dây leo không sống được. Nơi dây leo chết càng nhiều, chứng tỏ rừng báo động cháy càng cao”.

Tại Trạm kiểm lâm Kênh Đứng, chúng tôi chứng kiến người leo tuốt lên chòi cao quan sát bốn hướng, người đi xung quanh rừng tuần tra, một tốp hì hục thổi lửa nấu cơm trưa mặt mũi đầy khói bụi. Cạnh đó, chiếc máy bộ đàm khò khè liên tục nhận thông tin từ ban chỉ huy… Dưới kênh là 2 chiếc vỏ lãi chất đầy những máy bơm, ống dẫn nước, len, cuốc… sẵn sàng ứng chiến khi có tình huống xảy ra.

Anh Lê Hoàng Sĩ, Phó trạm Kênh Đứng, vừa kiểm tra rừng về thở dài: “Mấy ngày gần đây, chẳng hiểu sao gió thổi mạnh liên tục, cộng thêm nắng 38 – 39 độ C; nắng và gió kiểu này nước bốc hơi nhanh lắm. Hiện tại, mực nước dưới kênh thấp hơn chân rừng khoảng 5 tấc, vài ngày nữa nước bỏ rừng cả mét như chơi. Nguy mất…”.

  • Dốc toàn lực giữ rừng
Nguy cơ cháy lớn ảnh 2

Lực lượng kiểm lâm Cà Mau bàn phương án PCCR.  Ảnh: H.P.L

Rừng đặc dụng Vồ Dơi là khu rừng nguyên sinh quý hiếm duy nhất còn lại ở U Minh Hạ. Tại đây, hiện có nhiều loài thú quý như kỳ đà, chồn, tê tê, heo rừng, nai, rái cá, hàng trăm loài rắn và chim… Để giữ khu rừng rộng này, ban quản lý bố trí 18 chốt, bình quân mỗi chốt có từ 4- 5 người. Phối hợp cùng 120 thành viên lực lượng cơ động huyện Trần Văn Thời là 200 người dân sống xung quanh rừng. Riêng những lúc cao điểm, công an huyện đưa lực lượng vào tuần tra vòng ngoài, kiểm soát dân cư ra vào rừng.

Trưởng ban quản lý Nguyễn Văn Thế cho biết: “Hơn tháng nay, 85 người ở Vồ Dơi bám rừng chặt như sam. Nhiều anh em nhà xa ở lại đón tết giữa rừng, không ai về nhà. Nói thiệt nghe, mấy năm trước xảy ra cháy lớn thiệt hại vô kể, giờ trở thành ám ảnh. Cứ đến mùa khô là ai cũng sợ cháy xảy ra, ăn không ngon, ngủ không yên. Cố gắng trực xuyên suốt, không dám rời vị trí”.

Theo Chi cục Kiểm lâm Cà Mau, cùng với rừng đặc dụng Vồ Dơi thì các lâm ngư trường U Minh 1, U Minh 3, Trần Văn Thời, Sông Trẹm, 30-4… huy động cả ngàn người, tất cả đều đặt trong tình trạng khẩn cấp đối phó với “ bà hỏa”. Mọi phương tiện đều sẵn sàng, các tiểu khu và các chốt “đóng quân” không rời nữa bước. Sinh hoạt, ăn uống tại chỗ. Gạo, nước uống… hàng ngày có người mang vào tiếp ứng.

  • Còn nhiều nỗi lo
Nguy cơ cháy lớn ảnh 3

Kiểm lâm tuần tra phòng chống cháy rừng

Mặc dù đã cố gắng đến mức tối đa, nhưng nguy cơ cháy ở rừng U Minh Hạ là rất cao. Nguyên nhân thiếu nước đe dọa thường xuyên đến nay Ban chỉ huy PCCR Cà Mau chưa tìm được giải pháp khắc phục. Anh Lê Văn Hải, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Cà Mau thừa nhận: “Mấy năm nay, chúng tôi triển khai giữ nước rất sớm, nhưng đến tháng 2 là rừng đã cạn. Bởi kênh rạch xung quanh đều khô và mặn tấn công nên mọi việc đành chịu. Ngay cả tận dụng nguồn nước mặt để bơm vào rừng cũng rất khó khăn. Về lâu dài cần phải đợi khi âu thuyền Tắc Thủ ở sông Cái Tàu thi công xong, giữ lại nguồn nước ngọt từ sông Hậu đưa xuống, đồng thời, ngăn nước mặn từ biển tràn vào, khi đó rừng U Minh Hạ mới mong chủ động được nguồn nước. Dự kiến phải hết năm nay âu thuyền mới hoàn thành”.

Giải pháp trước mắt lúc này ở rừng U Minh Hạ là “chờ mưa” để giảm nguy cơ cháy, nhưng theo dự báo của các ngành chức năng đến tháng 5 vùng này mới có mưa. Nghĩa là cuộc chiến giữa rừng và lửa sẽ còn thử thách nhau hơn 2 tháng nữa.

Ngày 23- 2, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Quang Sinh, Phó Giám đốc Trung tâm kỹ thuật bảo vệ rừng số 3 (Cục Kiểm lâm) cho rằng: “PCCR ở vùng ĐBSCL rất phức tạp và bất cập. Nhiều nơi đào vô số kênh mương giữa rừng không phù hợp, điều này làm cho nước rút nhanh dễ xảy ra cháy. Hệ thống thủy lợi không đồng bộ, khó giữ được nước. Vấn đề dân cư sống giữa rừng quá đông cũng nên tính lại”.

Nhiều nhà chuyên môn thừa nhận cần nhanh chóng làm thủy lợi giữ nước cho rừng ở ĐBSCL. Hạn chế cháy rừng “phòng” là chính, nhất là phòng từ dân mà ra. Điều này không thể xem nhẹ… Thêm một mùa khô rừng U Minh đối mặt cùng giặc lửa

HUỲNH PHƯỚC LỢI

Tin cùng chuyên mục