
- Gọi số: 9.55.77.55 và 9.351.351 để ứng cứu khi cây xanh gãy đổ
Chỉ vài cơn mưa đầu mùa nhưng TPHCM đã xảy ra nhiều vụ cây xanh ngã đổ, khiến không ít người dân hoang mang khi lưu thông trên đường lúc trời mưa dông. Trong khi đó theo dự báo, sắp tới thời tiết sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng phức tạp hơn với nhiều cơn bão xuất hiện.
Ngành cây xanh sẽ thực hiện những giải pháp gì để khống chế nguy cơ cây xanh ngã đổ trong mùa mưa này? Ông Trần Thiện Hà (ảnh), Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh TPHCM, cho biết:
Hiện Công ty Công viên Cây xanh TPHCM đang chăm sóc, duy tu bảo dưỡng khoảng 60.000 cây xanh. Ngay từ tháng 3, công ty đã bắt đầu kiểm tra tình trạng cây xanh trên toàn địa bàn TP, đặc biệt là những khu vực thường xuyên có cây ngã đổ, cắt thấp 110 cây, lấy nhánh khô 642 cây, đốn hạ 1.035 cây chết, cây sâu bệnh, cây tạp.
- PV: Ông có thể nói rõ những khu vực nào cây xanh thường hay ngã đổ và nguyên nhân vì sao?
Ông TRẦN THIỆN HÀ: Những khu vực cây xanh thường ngã đổ là: bến Bạch Đằng, bến Bình Đông, sân Phú Thọ, đường Trần Văn Kiểu, Trần Xuân Soạn…
Nguyên nhân do ở khu vực các bến sông, bến cảng, khu vực ven sông, rạch, ngã tư, ngã 5, vòng xoay… cường độ gió rất mạnh.
Ngoài ra, do đặc tính sinh thái nên một số loài cây như: sao, dầu thường bị rụng cành; các loài cây có rễ ăn ngang như: sọ khỉ, lim xẹt, sò đo cam… dễ bị bật gốc khi mùa mưa bão. Chưa kể, những năm gần đây việc chỉnh trang bê tông hóa vỉa hè đã làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây (rễ bên của cây bị xén cụt nên thế đứng của cây không vững), khiến cây dễ ngã đổ hơn.
Tình trạng ngập úng kéo dài làm nền đất mềm cũng giảm khả năng bám chặt của rễ, làm thối rễ như trường hợp ở Công viên Gia Định và một số tuyến đường khác trong TP.
Quá trình đô thị hóa xuất hiện nhiều nhà cao tầng làm thay đổi hướng gió tạo nên những cơn lốc xoáy cục bộ.
Tác hại của lốc xoáy là làm tăng dao động của cành nhánh và hướng gió thường thay đổi đột ngột nên làm thay đổi hướng dao động của cành nhánh, cũng rất dễ xảy ra tình trạng ngã cây, gãy, tét nhánh.
- Theo như ông nói lúc nãy thì trước mùa mưa, đơn vị ông đã kiểm tra rất kỹ và thường xuyên tình trạng của cây xanh để xử lý trước nhằm ngăn chặn cây gãy đổ. Thực tế, chỉ vài cơn mưa đầu mùa đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngã đổ cây xanh. Vì sao, thưa ông?
Từ đầu mùa mưa đến nay, trên địa bàn TPHCM đã xảy ra 5 vụ cây ngã, hơn 10 vụ gãy cành, làm bị thương nhẹ 1 người đi đường. Trong tất cả vụ gãy nhánh cây này chưa có vụ nào do nhánh cây bị khô. T
rong quá trình kiểm tra, chúng tôi chỉ phát hiện được cây bọng, khô, sâu bệnh… nằm phía trên mặt đất. Còn cây có rễ bị mục nằm sâu dưới đất khó phát hiện được; trong khi các trường hợp cây bị ngã là do mục gốc. Cũng có trường hợp gió lớn quá làm cây tét nhánh.
- Nói như ông có nghĩa là, dù kiểm tra thường xuyên tình trạng cây xanh nhưng chưa chắc đã tuyệt đối an toàn đối với người dân khi lưu thông trên đường lúc trời mưa dông?
Đúng rồi. Theo tôi, khi trời mưa dông lớn người dân nên hạn chế ra đường hoặc tránh đi những tuyến đường, khu vực cây xanh dễ ngã đổ như tôi đã nói lúc đầu.
Khi xảy ra sự cố cây xanh ngã đổ, bà con hãy gọi cho chúng tôi số 9.351.351 hoặc 9.55.77.55 để các lực lượng của chúng tôi đến ứng cứu kịp thời. Các lực lượng này trực 24/24 giờ để ứng cứu khi có sự cố.
- Có ý kiến cho rằng, mức hỗ trợ thiệt hại về người và tài sản do sự cố cây xanh gãy đổ của công ty còn thấp. Ông nghĩ sao về điều này?
Tôi xin nói rõ, Công ty Công viên Cây xanh TPHCM hiện nay chỉ là đơn vị làm thuê cho các Khu Quản lý giao thông đô thị. Chức năng của chúng tôi là kiểm tra, bảo dưỡng, chăm sóc cây…
Thời gian qua, chúng tôi hỗ trợ những trường hợp bị thiệt hại do cây xanh ngã đổ bằng nguồn tiền của công ty. Vì sự cố xảy ra do thiên tai nên công ty chỉ thực hiện hỗ trợ và không có mức quy định chung. Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, công ty sẽ có mức hỗ trợ khác nhau.
Công ty cũng đang đề nghị các Khu Quản lý giao thông cấp kinh phí để hỗ trợ các trường hợp bị thiệt hại do cây xanh ngã đổ.
Vân Anh