Nguy cơ thiếu nước sạch

Khoảng 5 - 10 năm nữa, Việt Nam sẽ thiếu nước ngọt sạch sử dụng. Đó là cảnh báo vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra.

Khoảng 5 - 10 năm nữa, Việt Nam sẽ thiếu nước ngọt sạch sử dụng. Đó là cảnh báo vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra.

Cụ thể, tại khu vực phía Bắc, nhiều hệ thống sông ngòi như lưu vực sông Cầu, Nhuệ, Đáy đều bị ô nhiễm hóa chất nghiêm trọng, không thể sử dụng làm nước cấp sinh hoạt. Tại khu vực phía Nam, lưu vực sông Đồng Nai vẫn đang gồng gánh vai trò cấp nước cho 16 triệu dân, nhưng cũng đang có dấu hiệu gia tăng ô nhiễm chất thải công nghiệp. Không chỉ vậy, sông Đồng Nai còn bị đe dọa ô nhiễm nước mặn do tình trạng thủy triều dâng cao vượt kỷ lục trong 50 năm qua, đẩy nước biển xâm nhập sâu vào hệ thống kênh rạch, sông ngòi. Còn tại khu vực miền Trung, nguồn nước đang bị cạn kiệt bởi khô hạn và đầu độc bởi các hoạt động khai thác khoáng sản.

Trước thực tế trên, Chính phủ đã quyết định thành lập hai Ủy ban Bảo vệ lưu vực sông Nhuệ - Đáy và sông Đồng Nai. Thế nhưng, đến nay, hiệu quả hoạt động của hai ủy ban trên vẫn chưa thể đem lại hiệu quả. Nguyên nhân là lưu vực sông chảy qua nhiều tỉnh thành, đòi hỏi phải có sự chung tay phối hợp nhưng rất khó để làm được điều này.

Đơn cử như tại lưu vực sông Đồng Nai, chảy qua 12 tỉnh thành phía Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường có yêu cầu các tỉnh phải thành lập ủy ban bảo vệ sông cho riêng từng tỉnh, nhưng đến nay vẫn còn tỉnh làm tỉnh không. Đó là chưa kể, giữa các tỉnh đã triển khai giải pháp bảo vệ sông - đoạn chảy qua địa phận của tỉnh cũng khó tìm được tiếng nói chung. Có tỉnh cho rằng mình xả thải ít nên theo đó kinh phí ngân sách dành cho việc bảo vệ sông phải ít thôi. Còn tỉnh nào có nhiều khu công nghiệp đầu tư thì phải chi nhiều hơn. Nhưng nhiều tỉnh lại lập luận ngược lại, họ có nhiều khu công nghiệp nhưng lại đảm bảo rất tốt công tác xử lý chất thải trước khi thải ra sông. Vậy đâu có cớ gì để bắt họ phải chi kinh phí nhiều. Quan điểm của bảo vệ môi trường là ai làm phát sinh chất thải nhiều thì phải trả tiền.

Bộ Tài nguyên và Môi trường từng nhiều lần đề nghị các tỉnh thành phải xử lý triệt để hơn những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Trong đó phải kiên quyết đóng cửa doanh nghiệp đen. Thế nhưng nhiều tỉnh vẫn phớt lờ đề nghị trên vì cho rằng nếu làm thế sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế… Kết quả là “cha chung không ai khóc”. Các khu công nghiệp, doanh nghiệp ô nhiễm vẫn mọc lên như nấm và hệ thống sông ngòi, kênh rạch vẫn ngày đêm oằn mình chịu ô nhiễm.

Thống kê cả nước hiện nay cho thấy, trong tổng số 134 khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động ở nước ta, mới chỉ có 1/3 khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải. Điều này dẫn đến thực trạng là 80% trường hợp bệnh tật là do nguồn nước bị ô nhiễm gây ra. Đáng lo ngại hơn, nhiều chuyên gia môi trường cho biết, trong thời gian không xa, khi chất lượng nguồn nước suy giảm nhanh hơn thì khó tránh khỏi nguy cơ xảy ra cuộc chiến tranh giành nguồn nước ngọt, sạch giữa các địa phương. Đặc biệt là những tỉnh thành khu vực hạ nguồn vì nhiệm vụ phải đảm bảo nguồn nước cấp phục vụ hoạt động kinh tế - xã hội. Do đó, để chủ động ngăn ngừa cuộc chiến này từ xa thì các tỉnh thành, cơ quan chức năng cần sớm bắt tay trong hoạt động quản, khai thác, sử dụng nguồn nước. Trong đó không ngoại trừ trường hợp phải hy sinh một phần lợi ích kinh tế để bảo vệ môi trường.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục