Nguyên nhân hủy Lễ hội hoa anh đào

Lễ hội hoa anh đào (tên gọi ở địa phương là mai anh đào) ở Đà Lạt dự kiến tổ chức vào ngày 11 đến 13-2 buộc phải hủy, vì hoa không nở. Ban tổ chức lễ hội đã giải thích nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu (BĐKH) tác động đến sinh trưởng của loài cây này.
Nguyên nhân hủy Lễ hội hoa anh đào

Lễ hội hoa anh đào (tên gọi ở địa phương là mai anh đào) ở Đà Lạt dự kiến tổ chức vào ngày 11 đến 13-2 buộc phải hủy, vì hoa không nở. Ban tổ chức lễ hội đã giải thích nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu (BĐKH) tác động đến sinh trưởng của loài cây này.

Nguyên nhân hủy Lễ hội hoa anh đào ảnh 1

Mai anh đào trên đường phố Đà Lạt năm 2016. Ảnh:.T.L

Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với GS-TS Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng - thủy văn và Biến đổi khí hậu về những tác động lâu dài và toàn diện của biến đổi khí hậu đến kinh tế - xã hội của đất nước.

- Phóng viên: Theo ông, giải thích của Ban tổ chức lễ hội hoa anh đào về việc hủy lễ hội hoa có thỏa đáng?

>> GS-TS TRẦN THỤC: Ở Việt Nam, mùa đông năm nay ấm nhiều so với mọi năm. BĐKH có tác động ở quy mô toàn cầu và dài hạn, vì thế cũng khó có thể kết luận đối với một trường hợp cụ thể.

Việc hoa đào ở Hà Nội nở sớm và hoa mai anh đào ở Đà Lạt không nở đúng thời điểm như những năm trước là hậu quả của mùa đông ấm năm nay.

- Trên cơ sở các kịch bản về BĐKH đã được xây dựng, xin ông phác họa những ảnh hưởng của BĐKH đến tình hình kinh tế - xã hội nước ta trong năm 2017 và thời gian tới?

Hiện cơ quan chức năng đã quan trắc được các biểu hiện của BĐKH ở Việt Nam như: nhiệt độ trung bình tăng 0,62˚C trong giai đoạn 1958-2014; nhiệt độ cực trị tăng ở hầu hết các vùng; lượng mưa năm giảm ở phía Bắc, tăng ở phía Nam; hạn hán trong mùa khô xảy ra thường xuyên hơn; mưa cực đoan xảy ra thường xuyên hơn; số ngày rét đậm, rét hại giảm nhưng xuất hiện những đợt rét dị thường…

Theo kịch bản cao, đến cuối thế kỷ nhiệt độ tăng 3 - 4˚C; lượng mưa năm tăng khoảng 5% - 20%, mưa cực đoan tăng. Đáng lưu ý là số lượng bão mạnh đến rất mạnh tăng; số ngày rét đậm, rét hại giảm, số ngày nắng nóng tăng. Hạn hán sẽ khắc nghiệt hơn do nhiệt độ tăng và lượng mưa giảm trong mùa khô; mực nước biển có thể dâng 73cm (49 - 103cm).

Dù rất khó lượng hóa để đưa ra con số cụ thể, nhưng chắc chắn là BĐKH có nhiều tác động đến nước ta, đặc biệt là đối với tài nguyên nước, hệ sinh thái tự nhiên, hệ thống lương thực và an ninh lương thực, sức khỏe con người, an toàn tính mạng và phúc lợi xã hội.

- Việt Nam là một quốc gia có đường bờ biển dài hơn 3.000km, đặc điểm này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh BĐKH đang diễn ra trên toàn cầu như hiện nay?

Do là một quốc gia biển như vậy nên vùng đồng bằng và ven biển là khu vực dễ bị tổn thương nhất do BĐKH và nước biển dâng. Nếu mực nước biển dâng 1m, khoảng 16,8% diện tích đồng bằng sông Hồng, 1,47% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, 17,8% diện tích TPHCM, 38,9% diện tích ĐBSCL có nguy cơ bị ngập.

- Ông có khuyến nghị gì đối với các nhà hoạch định chính sách cũng như các doanh nghiệp và người dân để ứng phó hiệu quả hơn với BĐKH, đồng thời khai thác được khía cạnh tích cực của BĐKH?

Chiến lược quốc gia về BĐKH đã xác định ứng phó với BĐKH là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Vì thế, cần sử dụng kịch bản BĐKH do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng để đánh giá tác động và xây dựng các giải pháp ứng phó dài hạn cũng như trong việc lồng ghép vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trong một chừng mực nào đó, BĐKH cũng có thể mang lại cơ hội mà chúng ta cần đánh giá, xác định và tận dụng.

Điều tôi muốn nhấn mạnh là BĐKH sẽ làm trầm trọng thêm các tác động của thiên tai, ảnh hưởng đến việc phòng ngừa và đối phó và thích ứng dài hạn với thiên tai. Công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai thường tập trung nhiều hơn vào các ứng phó ngắn hạn, trong khi đó thích ứng với BĐKH chủ yếu tập trung vào các chương trình dài hạn. Vì thế cần gắn kết việc ứng phó ngắn hạn với thích ứng trong dài hạn, nói một cách khác là gắn kết thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

ANH THƯ (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục