Nguyễn Quang Sáng với quê hương văn học

Nguyễn Quang Sáng với quê hương văn học

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng (ảnh) còn có bút danh Nguyễn Sáng, sinh ngày 12-1-1932, tại xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, là tác giả gần 30 tác phẩm gồm tiểu thuyết, tập truyện ngắn và kịch bản phim, đã được Chủ tịch nước trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2001. Nghĩa là năm nay ông đã tròn 80 tuổi. Vậy mà mới đây, ông còn hoàn thành 30 tập kịch bản phim truyện Khoảnh khắc Võ Văn Kiệt, khiến nhiều bạn văn trẻ phải giật mình. Tình yêu nghề lớn lao và con đường cầm bút bền bỉ của ông khó ai bì kịp…

Tính cách rặt Nam bộ

Từ đầu thập niên 1980, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã được đọc một số truyện của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Ngay những truyện ngắn đầu tiên của ông mà tôi đọc như Chiếc lược ngà, Con chim vàng, Bông cẩm thạch… đã có sức mê hoặc một thằng học trò nhà quê như tôi. Rồi sau đó tôi tiếp tục tìm đọc những truyện dài hơi hơn của ông như Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang, Dòng sông thơ ấu… Không những đọc mà tôi còn được xem những bộ phim do chính nhà văn Nguyễn Quang Sáng chuyển thể kịch bản từ truyện của mình. Những tác phẩm văn học và điện ảnh đầy không khí lịch sử của vùng đất mới phương Nam, khốc liệt và lãng mạn giữa khói lửa chiến tranh.
 
Thời điểm bấy giờ, tiểu sử nhà văn rất ít được sách báo nhắc đến. Hình ảnh nhà văn lại càng hiếm xuất hiện. Vì yêu mến tác phẩm của ông, tôi thường hình dung nhà văn Nguyễn Quang Sáng là một con người cao to vạm vỡ hiên ngang như anh lính giữa chiến trường, có gương mặt đẹp trai đầy suy tư như triết gia, với điếu thuốc luôn ngút khói trên môi, và thường có khoảng cách nhất định với người thường…

Đến đầu thập niên 1990, khi vào TPHCM học tập và làm việc, được dịp gặp gỡ rồi thường xuyên gần gũi với nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tôi mới biết sự hình dung của mình trước đây có nhiều sai biệt. Thân hình ông không cao to vạm vỡ mà thấp lùn rắn chắc. Gương mặt ông không đẹp trai lắm và cũng không đầy suy tư mà rất tươi vui. Tính tình ông cởi mở, dễ hòa đồng, thích giao du bạn bè đủ mọi giới, mọi lứa tuổi, chứ không luôn giữ khoảng cách với mọi người. Chỉ có điều đúng là ông hút thuốc nhiều, uống rượu cũng nhiều, đặc biệt mê rượu Tây.

Ông cũng rất đa tình… Những năm tháng sống ở miền Bắc có lẽ đã mang lại cho ông thêm đôi nét cẩn trọng, kín đáo, tinh tường nhưng về cơ bản ông vẫn mang tính cách một người Nam bộ bộc trực và huỵch toẹt, lăn xả và phóng khoáng, thông minh và dí dỏm… Một tính cách vừa tiêu biểu vừa đặc biệt của đất phương Nam!

Gắn chặt với vùng quê
 
Gia đình ông vốn làm nghề thợ bạc, không có gien văn học. Ông sớm tham gia bộ đội, chỉ học hết trung học trong điều kiện kháng chiến thiếu thốn trăm bề, lại học không giỏi môn văn, và từ nhỏ tới tuổi trưởng thành ông chưa bao giờ mơ tưởng mình sẽ trở thành nhà văn. Đến năm 20 tuổi, trên đường ông đi chiến dịch, do gặp một nữ tín đồ Hòa Hảo yêu nước ở Bảy Núi có cuộc đời nhiều trắc ẩn mà ông mới thử cầm bút viết văn. Đó chính là bản thảo đầu tiên của tiểu thuyết Đất lửa.

Tuy nhiên, 2 năm sau khi tập kết ra Bắc, ông được tiếp cận tác phẩm của các nhà văn trong lẫn ngoài nước, chợt nhận ra 300 trang viết đầu tay ấy chưa phải là tác phẩm văn học mà chỉ mới là tư liệu nên đã quyết định sửa chữa, viết lại. Có thể nói con đường viết văn của Nguyễn Quang Sáng là con đường hoàn toàn tự học, học ở sách vở, học ở đời sống, học ở các nhà văn đi trước và vừa đi vừa viết vừa học ngay cả ở những kinh nghiệm của chính bản thân mình.
 
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đi nhiều, viết nhiều về những vùng đất, thân phận khác nhau, nhưng sự thành công chủ yếu gắn liền với “quê hương văn học” của ông, cũng chính là cái làng Mỹ Luông nơi sinh ra ông. Hầu hết các nhân vật dường như đều được ông “đưa” về sống ở cái làng này, hít thở không khí mát mẻ của làng, đi trên con đường giữa những vườn xoài, tắm nước sông, ăn lẩu cá linh nấu bông điên điển, ngồi xuồng mùa lũ sông Cửu Long…
 
Tiểu sử của nhà văn, đời sống thực của nhà văn cũng là thông tin hết sức cần thiết cho bạn đọc khi tiếp cận với tác phẩm văn học, giúp họ hiểu tác phẩm trung thực hơn, xúc cảm hơn, sâu sắc hơn, thăng hoa hơn. Cuộc đời của nhà văn là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp của nhà văn.

Với nhà văn Nguyễn Quang Sáng cũng vậy: gia đình, quê hương, tính cách, mạch nguồn cảm hứng và những bước ngoặt trong cuộc đời ông gắn liền với lịch sử thăng trầm của dân tộc cũng chính là những dấu ấn trong sự nghiệp văn chương đồ sộ của người con quê hương làng Mỹ Luông, Nam bộ này.

PHAN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục