(Trích tham luận của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười gửi tới hội thảo quốc gia với chủ đề “Đồng chí Nguyễn Văn Linh - Người cộng sản mẫu mực, sáng tạo” nhân dịp kỷ niệm 95 năm ngày sinh của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1-7-1915 – 1-7-2010))
Nhớ về anh Nguyễn Văn Linh - Mười Cúc, chúng ta nhớ về một con người đã dành hầu hết cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH của nhân dân ta.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh là chiến sĩ cách mạng kiên cường, một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, nhân dân và quân đội ta, người bạn tin cậy của bạn bè quốc tế.
Giữa những năm 80, lúc còn là Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, đồng chí cùng với Thành ủy tiến hành thí điểm những đổi thay trong cơ chế quản lý kinh tế ở một số doanh nghiệp nhà nước tại TP đông dân nhất cả nước này. Đó là những bước đột phá đầu tiên mặc dù chưa hoàn thiện nhằm xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp tồn tại ở nước ta đã nhiều năm. Cùng với những thử nghiệm cải cách ở các địa phương khác trong cả nước, đó là những tín hiệu nói lên yêu cầu bức xúc từ cuộc sống đòi hỏi phải thay đổi. Lúc này, Đảng ta đang tích cực chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI với nội dung đổi mới toàn diện. Sự sáng tạo, năng động của địa phương và ngành đã giúp TƯ hoạch định đường lối, chính sách cho thời kỳ đổi mới.
Tháng 12-1986, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI tiến hành, đại hội đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư của Đảng. Đó là sự lựa chọn sáng suốt và đúng đắn vì đồng chí Nguyễn Văn Linh tiêu biểu cho ý chí và nguyện vọng đổi mới của toàn Đảng và toàn dân ta. Đường lối đổi mới do Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI vạch ra là chính xác, rõ ràng, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Nhưng thực hiện trong cuộc sống và đạt tới thành công không dễ dàng. Lúc này, nước ta đang lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội sâu sắc, tình hình quốc phòng - an ninh rất phức tạp, chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu đứng trước nguy cơ tan rã.
Trước tình hình hiểm nghèo đó, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng Bộ Chính trị và Ban Chấp hành TƯ kiên trì chấp hành đường lối Đại hội VI, cụ thể hóa vào các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự và các lĩnh vực khác, đối nội và đối ngoại. Nhờ đó tình hình đất nước qua từng năm được cải thiện dần, lương thực từ chỗ không đủ ăn đã tiến tới xuất khẩu được, hàng tiêu dùng trong nước bớt khan hiếm hơn, giá cả phi mã được kiềm chế. Cái lớn nhất là sản xuất lưu thông hàng hóa được cởi trói, hoạt động theo cơ chế thị trường với vai trò quản lý của nhà nước, quyền tự chủ, sáng tạo năng động trong sản xuất, kinh doanh của cơ sở từng bước được xác lập. Quan hệ giữa nước ta và các nước láng giềng được cải thiện đáng kể, tạo điều kiện hòa bình để phát triển đất nước...
Điều đáng ghi nhận là trong lãnh đạo và chỉ đạo, đồng chí luôn nhấn mạnh đổi mới phải có nguyên tắc. Đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa mà là thay đổi hình thức, cách làm để có chủ nghĩa xã hội đích thực, vừa giữ vững nguyên tắc cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, vừa năng động, sáng tạo phù hợp với tình hình đất nước về sự thay đổi của thời đại. Đồng chí kịch liệt phê phán sự hoài nghi dao động xuất hiện trong một số người. Đồng chí sắc sảo và nhạy bén khi sớm nhận định rằng: Hiện nay trên thế giới còn có một số người cao giọng cổ vũ cho đa nguyên ý kiến trong Đảng và trong xã hội, chúng ta kiên quyết bác bỏ vì sớm muộn điều đó cũng dẫn tới đa đảng, đảng đối lập.
Nói về dân chủ, đồng chí nói dân chủ là bản chất của chế độ ta, chúng ta phải từng bước mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội, nhưng dân chủ phải có lãnh đạo, không phải tự phát muốn làm gì thì làm dẫn đến hỗn loạn xã hội. Trong tình hình công cuộc đổi mới vừa mới tiến hành lúc bấy giờ, những ý kiến chỉ đạo nói trên của đồng chí thật có giá trị và kịp thời.
Nay đọc lại những bài phát biểu của đồng chí tại Hội nghị TƯ 6, 7, 8 khóa VI, đọc Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội... chúng ta thấy tính nguyên tắc cách mạng ở đồng chí Nguyễn Văn Linh là một hệ thống quan điểm nhất quán, rõ ràng. Ở những bước ngoặt của thời cuộc trong nước và quốc tế, tính nguyên tắc cách mạng của người lãnh đạo cao nhất của Đảng có giá trị định hướng tư duy và hành động cho toàn xã hội, giữ vững sự thống nhất về tư tưởng trong Đảng. Điều này là bài học lớn và có giá trị lâu dài đối với Đảng ta...
Tuấn Sơn