Thời gian qua, các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) TPHCM đã triển khai xây dựng nhà lưu trú công nhân, tuy nhiên thực tế công nhân ở rất ít.
Khu nhà lưu trú công nhân tại KCN Vĩnh Lộc rất ít người ở và đang chờ chuyển công năng.
Những “điểm sáng” ít ỏi
Ban quản lý các KCX-KCN TPHCM (HEPZA) cho biết, từ năm 2006 đến nay, TPHCM đã có 14 dự án nhà lưu trú công nhân được đưa vào sử dụng tại 8 KCX- KCN, đáp ứng 17.970 chỗ ở cho công nhân.
Một trong những công ty có số lượng nhà lưu trú công nhân lớn nhất hiện nay là Công ty Nissei Electric VN (thuộc KCX Linh Trung 1, quận Thủ Đức) với 2.280 công nhân đang sinh sống, được trang bị đầy đủ các thiết bị tiện nghi như quạt máy, máy giặt, máy sấy, máy nước nóng - lạnh, phòng vi tính, phòng karaoke, phòng tập thể dục nhịp điệu, sân cầu lông, bóng chuyền... Công nhân của công ty được miễn phí tiền trọ, mỗi tháng chỉ đóng 20.000 đồng tiền điện, nước/người. Mỗi phòng rộng 24m2 ở tối đa 8 công nhân. Chiếu, chăn, mùng... do công ty trang bị sẵn.
Kế đó là khu nhà lưu trú công nhân KCX Linh Trung II gồm 352 căn hộ, được thiết kế thành 2 dạng: căn hộ tập thể và căn hộ dành cho gia đình, 35m2/căn hộ, không gian kiến trúc đẹp, các căn hộ đều có ban công. Tất cả các căn hộ đều được trang bị Internet, truyền hình cáp phục vụ nhu cầu học tập, giải trí của công nhân. Tùy vào điều kiện cụ thể, người lao động có thể lựa chọn phòng ở dành cho căn hộ gia đình (35m2/căn hộ) hay căn hộ tập thể dành cho công nhân độc thân (khoảng 6 người/căn hộ). Tại đây, công nhân làm việc trong KCX Linh Trung II được cho thuê với mức giá ưu đãi. Với nhiều dịch vụ tiện ích như nhà trẻ đạt chuẩn quốc gia dành cho trẻ 1 - 4 tuổi (tại tầng trệt block A2) có khả năng tiếp nhận trung bình 150 - 200 trẻ; khu thương mại (tại tầng trệt của block A1) gồm siêu thị mini, khu sinh hoạt chung, sân khấu ngoài trời, rạp chiếu phim, căn tin… góp phần tạo nên cuộc sống tiện nghi cho công nhân tại khu lưu trú. Tương tự, KCX Tân Thuận có nhiều dự án khu nhà lưu trú công nhân là KCX Tân Thuận với 3 khu nhà do 3 công ty đầu tư xây dựng, đó là Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco), Công ty TNHH Hung Way, Công ty TNHH Đức Bổn. Mặc dù nhiều dự án nhưng chỉ đáp ứng hơn 1.500 chỗ cho công nhân KCX Tân Thuận cư ngụ.
Dường như đó là tất cả những “điểm sáng” về chỗ ở cho công nhân trên địa bàn TPHCM. Nếu so với tổng số lao động đang làm việc ở TPHCM rất cần nhà ở, thì những “điểm sáng” nêu trên, rõ ràng quá ít, nếu không nói là chẳng thấm vào đâu.
Nhà bỏ không do thiếu hướng dẫn
Hiện nay, TPHCM có hơn 1 triệu công nhân đang làm việc trong các doanh nghiệp và KCX-KCN, trong đó 70% là lao động nhập cư. Do đó nhu cầu về nhà ở rất lớn. Theo Ban quản lý HEPZA, dự tính trong năm 2015 số lượng công nhân ở các KCX-KCN sẽ tăng khoảng 500.000 công nhân. Trong đó, số công nhân có nhu cầu về nhà ở chiếm khoảng 40% (tương đương 200.000 người) và sẽ có khoảng 50% số công nhân trên được giải quyết chỗ ở.
Điều đáng nói, số công nhân cần nhà ở còn nhiều nhưng một số dự án khu nhà lưu trú công nhân đã hoàn thành từ lâu, nhưng công nhân vẫn chưa thể ở được vì nhiều nguyên nhân. Đơn cử như khu nhà lưu trú công nhân Công ty Thiên Phát tại KCX Linh Trung II, KCN Lê Minh Xuân, Vĩnh Lộc… hiện công nhân ở rất ít, thậm chí có nơi bỏ không vì chờ duyệt giá (thẩm định giá đầu tư xây dựng mới đưa ra giá cho thuê). Về vấn đề này, HEPZA cho rằng, việc thẩm định giá là chức năng của Sở Xây dựng nhưng khi các đơn vị đầu tư hỏi, sở này yêu cầu HEPZA hướng dẫn, trong khi HEPZA không thể thẩm định duyệt giá được. Vì thế, chủ đầu không biết dựa vào đâu để đưa ra giá cho thuê. Hiện nay nhiều khu nhà lưu trú công nhân xin chuyển công năng do những đơn vị này đầu tư bằng nguồn vốn vay kích cầu, tức là được hỗ trợ 100% lãi vay trong 7 năm.
Một nghịch lý nữa là nhiều dự án sau khi xây xong khá hoành tráng nhưng công nhân ở lưa thưa. Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Vĩnh, Trưởng phòng Xây dựng HEPZA, cho rằng, đây là vấn đề nan giải hiện nay, sở dĩ nhiều khu nhà lưu trú công nhân không chịu ở là do giá cho thuê cao hơn so với khu vực nhà trọ lân cận, công nhân thích sinh hoạt thoải mái, không bị gò bó. Trong khi đó, nếu vào khu nhà lưu trú công nhân phải tuân theo nội quy chặt chẽ với nhiều điều kiện ràng buộc. Ông Vĩnh dẫn chứng, nhiều nơi đưa ra quy định 10 giờ tối phải về. Trong khi đó, phần lớn công nhân đều tăng ca, họ cũng có nhu cầu tình cảm riêng tư nhưng một số nhà lưu trú công nhân lại quy định không cho nam công nhân ở, không cho cặp gia đình cư ngụ, không cho nấu ăn trong phòng… Qua khảo sát do Sở Xây dựng TPHCM tiến hành mới đây cho thấy, có tới 97% công nhân được hỏi không thích thuê trọ, sinh sống ở các khu nhà lưu trú công nhân vì không được đưa người thân vào ở cùng. Thêm nữa, nguyên nhân phòng đông người ở, phức tạp, không thuận tiện trong sinh hoạt cũng chiếm tới 79% ý kiến được khảo sát.
QUỐC HÙNG