Nhà đầu tư chưa mặn mà với mô hình hợp tác công tư

Trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn hẹp, việc huy động nguồn vốn từ khu vực tư nhân thông qua mô hình hợp tác công tư - PPP được xem là một trong những giải pháp mang tính khả thi trong việc tạo vốn đầu tư cho hạ tầng xã hội. Tuy nhiên, do khuôn khổ pháp lý hiện hành thiếu rõ ràng nên nhiều nhà đầu tư tỏ ra chưa mấy mặn mà khi tham gia đầu tư theo mô hình này.
Nhà đầu tư chưa mặn mà với mô hình hợp tác công tư

Trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn hẹp, việc huy động nguồn vốn từ khu vực tư nhân thông qua mô hình hợp tác công tư - PPP được xem là một trong những giải pháp mang tính khả thi trong việc tạo vốn đầu tư cho hạ tầng xã hội. Tuy nhiên, do khuôn khổ pháp lý hiện hành thiếu rõ ràng nên nhiều nhà đầu tư tỏ ra chưa mấy mặn mà khi tham gia đầu tư theo mô hình này.

Nhà đầu tư chưa mặn mà với mô hình hợp tác công tư ảnh 1

Dự án tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành Đai Ngoài được thực hiện theo hình thức BT.

Doanh nghiệp lúng túng

Theo đại diện Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, hiện nay đơn vị được giao triển khai dự án giảm thất thoát nước trên địa bàn TP. Do dự án này mang tính dịch vụ nhiều hơn chứ tài sản thu nhập không nhiều nên phải tìm nhà đầu tư phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay công ty đang lúng túng khi thực hiện hình thức PPP. Bởi lẽ, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành như Nghị định 108 của Chính phủ về BT thì chưa đủ điều kiện. Còn nếu áp dụng theo mô hình PPP là rất khó vì đặc thù ngành nước, đầu ra là giá nước lại do UBND TP quyết định nên việc chia sẻ lợi ích cho nhà đầu tư là khó.

Ngoài ra, do quy định pháp luật hiện hành chưa đầy đủ. Cụ thể, theo quy định nếu một dự án có nhiều nhà đầu tư tham gia thì phải tổ chức đấu thầu, nhưng hiện nay Luật Đấu thầu chỉ cho phép đấu thầu trong lĩnh vực xây dựng, lĩnh vực mua sắm còn các lĩnh vực khác chưa có. Vì vậy, công ty băn khoăn không biết thực hiện như thế nào?

Còn đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TPHCM cho hay, hiện nay có tuyến đường sắt đô thị số 4 với tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD, có nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư theo mô hình PPP. Tuy nhiên, theo Quyết định 71/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì vốn nhà đầu tư phải bỏ ra là 70%, còn nhà nước là 30%. Nghĩa là họ phải bỏ ra 1,4 tỷ USD, đây là nguồn vốn không hề nhỏ và nhà đầu tư gặp khó khăn, họ mong muốn Chính phủ bảo lãnh và được thực hiện 50%. Ngoài ra, việc thu hồi vốn đối với dự án này sẽ rất lâu vì chỉ dựa vào nguồn thu từ phí, vé là rất khó. Vì vậy, nếu không có sự ưu đãi sẽ khó thu hút nhà đầu tư.

Đảm bảo lợi ích nhà nước và nhà đầu tư

Đề cập đến tính khả thi và khuôn khổ pháp lý của mô hình hợp tác công tư, ông Lương Văn Lý, chuyên gia pháp lý cho rằng, cố gắng hiện nay của Chính phủ để có cơ sở pháp lý cho PPP thì phải bảo đảm được lợi ích của nhà nước và nhà đầu tư tư nhân. Quyết định 71 quy định đóng góp của nhà nước không vượt quá 30% của dự án, nhưng trong quá trình thực hiện dự án và kinh doanh dự án thì quyết định không nói gì về việc tham gia của nhà nước. Vì vậy, phải là một nghị định chứ không phải là quyết định của Thủ tướng Chính phủ như hiện nay vì nó không bảo đảm tính ổn định cho nhà đầu tư.

Cũng theo ông Lý, việc quy định phần tham gia của nhà nước 30% là phù hợp với Việt Nam nhưng không nên hạn chế phần của nhà nước trong việc chuẩn bị dự án, vì trên thực tế nhà nước vẫn phải trả một phần dịch vụ cho nhà đầu tư. Đây chính là sự đồng hành của nhà nước trong quá trình đầu tư, quyền và lợi ích trong điều hành dự án. “Cần tuyển chọn nhà đầu tư; đấu thầu phải hết sức minh bạch nhưng cũng không nên cứng nhắc bởi nhà đầu tư có thể xin chỉ định thầu. Cần có quy định cụ thể chứ không thể chỉ với một quyết định mà có thể quy định tất cả các vấn đề thực hiện trong đó. Cần có một cơ quan chuyên trách về PPP. Bởi lẽ, PPP cần sự phối hợp giữa các sở, ngành với nhau cho nên không thể chỉ một sở thực hiện việc này” - ông Lý lưu ý.

Đồng quan điểm này, ông Vũ Ngọc Nam, Phó Trưởng phòng văn bản Sở Tư pháp TPHCM, cho hay đến nay chúng ta chưa có một dự án PPP nào được vận hành mà chỉ thấy sự ách tắc của Quyết định 71. Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất là minh bạch trong tất cả các doanh nghiệp. Bởi khi nhà đầu tư thấy được lợi ích từ dự án thì sẽ tham gia. Năng lực cán bộ nhà nước cần phải nâng lên để theo kịp sự vận hành dự án, quy định chính sách cần rõ ràng vì có những dự án kéo dài 20 - 30 năm nhưng chính sách liên tục thay đổi sẽ không tạo được niềm tin cho nhà đầu tư. Phải có những hướng dẫn cụ thể cho nhà đầu tư từ những dự thảo hợp đồng; có những điều khoản chung, điều khoản cụ thể, nhà đầu tư sẽ lường trước được những rủi ro ảnh hưởng đến dòng tiền của họ trong tương lai.

ĐÌNH LÝ

Tin cùng chuyên mục