Một cán bộ trẻ của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM vừa có thời gian đi công tác tại Mỹ, theo lời mời của Ngân hàng Thế giới.
Theo lời người cán bộ này, một trong những điều thú vị là ở Mỹ người ta làm quy hoạch rất khác Việt Nam. Thay vì làm xong quy hoạch, công bố và mời các nhà đầu tư tham gia thực hiện quy hoạch thì ở đấy người ta mời nhà đầu tư tham gia làm quy hoạch cùng chính quyền và người dân. Hội đồng xây dựng quy hoạch sẽ gồm 3 thành phần chủ yếu: chính quyền (bao gồm các chuyên gia trong ngành cũng như các sở ngành chức năng), đại diện cộng đồng - nơi quy hoạch được thực hiện và đại diện các nhà đầu tư lớn, có uy tín.
Trước hết, chính quyền sẽ thông báo ý định phát triển khu vực (được chọn làm quy hoạch). Sau đó đại diện cộng đồng và các nhà đầu tư sẽ có ý kiến. Ba bên sẽ thương thảo với nhau cho đến khi đạt được kết quả cuối cùng: ý tưởng phát triển của chính quyền, sự đồng thuận của cộng đồng và cam kết đầu tư của nhà đầu tư.
Cách làm quy hoạch như thế có thể mất rất nhiều thời gian và thậm chí không đạt được sự đồng thuận như mong muốn và ý định làm quy hoạch phải gác lại. Thế nhưng, quy hoạch được xây dựng theo cách này rất khả thi từ khâu giải phóng mặt bằng (do cộng đồng đã đồng thuận) đến khâu xây dựng (vì nhà đầu tư đã chấp thuận phương án phát triển của chính quyền).
Cách làm quy hoạch xây dựng đô thị ở Việt Nam chủ yếu lấy ý kiến từ các nhà khoa học, các kiến trúc sư, chính quyền địa phương… Cách này cũng có cái hay. Đó là không bị chi phối quá mạnh mẽ bởi ý kiến, lợi ích của các nhà đầu tư, đồ án quy hoạch sẽ hướng tới phục vụ cộng đồng nhiều hơn. Tuy nhiên, làm như thế lại không hấp dẫn được nhà đầu tư. Không có nhà đầu tư thì đồ án quy hoạch đẹp và hoàn hảo tới mấy cũng chỉ là những đồ án nằm trên giấy, trừ khi ngân sách có khả năng đầu tư.
Song hành với cách làm quy hoạch nêu trên, ở một vài quận, huyện trên địa bàn TPHCM lại có cách làm quy hoạch dựa vào đề xuất của doanh nghiệp. Nhà đầu tư sẽ chủ động “chọn đất” và đề xuất với chính quyền được làm quy hoạch trên khu đất đó. Ý kiến người dân trong các trường hợp này gần như không có. Cách làm này đã phát sinh nhiều hệ lụy. Người dân phản ứng với dự án, công tác giải phóng mặt bằng vì thế triển khai rất khó khăn. Chính quyền bị chi phối bởi nhà đầu tư nên quy hoạch được lập ra chủ yếu phục vụ lợi ích của doanh nghiệp.
Như vậy nên làm quy hoạch theo cách nào? Theo nhiều kiến trúc sư, nên làm quy hoạch trên cơ sở đạt được sự đồng thuận từ 3 phía: chính quyền, cộng đồng và nhà đầu tư. Việc phối hợp “3 nhà” phải được thực hiện công khai, minh bạch trên tinh thần tôn trọng lợi ích người dân, nhà nước và doanh nghiệp.
Dẫu biết rằng điều chỉnh quy hoạch cho khả thi hơn với thực tế là một việc hết sức bình thường và được luật pháp cho phép. Thế nhưng, điều đó sẽ làm mất thời gian và cơ hội đầu tư không những của doanh nghiệp mà còn của cả nhà nước. Các cán bộ nhà nước sẽ phải dành thời gian thẩm định, xem xét đề xuất điều chỉnh quy hoạch của doanh nghiệp… đó là chưa kể nhiều khả năng sẽ có tiêu cực xảy ra.
Vậy tại sao không thể mời các nhà đầu tư lớn, có uy tín tham gia góp ý trong quá trình làm quy hoạch? Nhất là đối với TPHCM, nguồn vốn ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển đô thị chỉ đáp ứng hơn 10%. Phần còn lại phụ thuộc chủ yếu vào sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp.
KHOA NGUYỄN