(SGGP). - Chính phủ vừa ban hành nghị định về việc hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, những doanh nghiệp nào tham gia hoạt động bảo vệ môi trường như đầu tư nhà máy xử lý chất thải; xây dựng nhà máy sản xuất năng lượng sạch; đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, phát sinh ít chất thải trong quá trình sản xuất; sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường… sẽ được hưởng hỗ trợ về vốn, thuế, đất… Thế nhưng, trên thực tế các địa phương vẫn đang loay hoay không biết tìm đâu ra quỹ đất để hỗ trợ nhà đầu tư.
Đơn cử tại TPHCM, nhiều nhà đầu tư tham gia lĩnh vực xử lý chất thải đang phải chôn chân, bó gối ngồi chờ… đất. Hiện ngoài một số khu vực chôn lấp chất thải do Công ty Môi trường Đô thị TPHCM quản lý thì chưa có khu đất nào được quy hoạch riêng dành cho doanh nghiệp đầu tư xử lý chất thải.
Hiện nay, trung bình mỗi ngày TPHCM tiếp nhận khoảng 6.000 tấn rác thải đô thị và 600 tấn chất thải nguy hại. Khối lượng rác sẽ tiếp tục tăng nhanh khoảng 20%/năm. Do vậy, ngoài việc hoàn thiện công nghệ xử lý chất thải theo hướng tăng tái chế, giảm chôn lấp thì rất cần phát triển mạnh hình thức xã hội hóa đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải.
Thế nhưng, trở ngại lớn nhất hiện nay là thiếu đất cho các nhà đầu tư.
Thành phố đã quy hoạch khu Tây Bắc Củ Chi làm khu liên hợp xử lý chất thải, nhưng chưa thể giao đất ngay vì chưa thực hiện xong phần đền bù, giải tỏa. Còn những khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động thì hiện quỹ đất cho thuê đã hết.
Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị TPHCM, cho biết Tập đoàn Remodi của Đức rất muốn đầu tư nhà máy tái chế toàn bộ chất thải tại TPHCM. Họ cần diện tích đất khoảng vài trăm đến vài ngàn ha, nhưng, quỹ đất lớn như thế thì mỏi mắt cũng tìm không ra. Hiện công ty đang làm việc với tập đoàn này để hợp tác, xây dựng những nhà máy xử lý độc lập có quy mô nhỏ khoảng vài chục ha tại những khu vực riêng lẻ.
Trước mắt, có thể tận dụng quỹ đất còn lại của bãi rác Phước Hiệp và Đông Thạnh để xây dựng nhà máy xử lý rác tươi thành phân compost và chất thải khác. Tuy nhiên, về lâu dài rất cần quỹ đất đủ để xây dựng nhà máy liên hiệp tái chế tất cả các loại chất thải. Có như vậy mới đảm bảo yêu cầu toàn bộ chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất phải được thu gom và xử lý triệt để.
M.Xuân