Nhà đầu tư “Pờ rồ”

Nhà đầu tư “Pờ rồ”

Hiện nay, trên thị trường chứng khoán có nhiều nhà đầu tư (NĐT) chơi chứng khoán được xếp vào hàng cao thủ, “đánh” đâu thắng đó, có không ít người đạt đẳng cấp mà dân trong ngành gọi là “pờ rồ” (professional – chuyên nghiệp) chuyên “lướt sóng”, thu nhập chẳng tiết lộ bao nhiêu nhưng mỗi tháng nộp cho công ty chứng khoán hàng trăm triệu đồng phí môi giới chứng khoán.

“Đánh” đâu, thắng đó

Nhà đầu tư “Pờ rồ” ảnh 1

Dân đầu tư chứng khoán “pro” bây giờ không cần ra sàn mà giao dịch từ xa. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ông Trương Hồng là một “cao thủ” trên sàn không cần nhân viên tư vấn. Các nhân viên môi giới mới vào nghề, nếu ăn nói không khéo hay tư vấn “yếu cơ” là bị ông “chỉnh” liền. Ông thường canh các mã mới lên sàn để mua và trước đó bỏ công tìm hiểu kỹ những thông tin về mã cổ phiếu ấy. Nhiều người thấy ông hay, “đánh” đâu thắng đó, hỏi ông có “chiêu” gì không? Ông cười “bật mí”: Có những mã cổ phiếu diễn biến theo quy luật bất thường, trong một phiên có thể tăng giảm từ 4.000đ - 5.000đ/cổ phiếu tại đợt giao dịch liên tục.

Thí dụ như cổ phiếu ALT của Công ty cổ phần văn hóa Tân Bình đầu phiên tăng trần, cuối phiên xuống sàn hoặc ngược lại. Đó là điều kiện tốt để cho những “cao thủ” được dịp “lướt sóng”. Ông còn tiết lộ, nếu theo dõi kỹ từng phiên thì trong vòng một tháng nay, cổ phiếu KDC (của Kinh Đô) có tăng có giảm, nhưng mức giảm đến 240.000đ/cổ phiếu rồi lại tăng lên. Do đó ông kết luận, mức đáy của KDC khoảng giá này (tức 240.000đ/cổ phiếu), nếu khi thấy mã KDC dưới 237.000đ/cổ phiếu thì không cần biết kết quả kinh doanh của Kinh Đô như thế nào cũng nên mua vô (!).

Còn anh Công Quý, NĐT có mặt trên vài sàn thì liên kết với 3 “chiến hữu” cùng là NĐT đều có danh mục đầu tư chừng 8 mã cổ phiếu. Mỗi người có nhiệm vụ ghi sổ theo dõi sát sao từ 2 đến 3 mã. Trong sổ ghi từ phiên có giá khớp lệnh, có khối lượng khớp lệnh của mỗi mã cần theo dõi và nhất là thống kê được lượng giao dịch của NĐT nước ngoài. Anh Quý đưa ra đánh giá: “Các cổ phiếu đang “hot” gần đây dường như tăng giảm theo một quy luật: tăng liên tục 4 - 5 phiên, lại giảm 1 - 2 phiên, do đó cứ canh đến phiên giảm theo chu kỳ thì mua vào, sau đó nếu nghiên cứu thấy giá lên cao thì lập tức “tống ra”.

Cái khó là làm thế nào để đặt lệnh sớm, mua được khi muốn mua, bán được khi muốn bán. Thú thật là phải quan hệ tốt với nhân viên môi giới để lệnh giao dịch có khả năng khớp lệnh cao”. Một chiến hữu của anh Quý cho biết, mỗi tháng anh Quý nộp phí môi giới cho các công ty chứng khoán chừng 200 triệu đồng - một khách hàng lớn thì làm sao mà không chiếu cố!

Giao dịch không sàn

“Chơi chứng khoán đâu nhất thiết phải ra sàn vì đông đúc không thể tập trung suy nghĩ được và đôi khi viết lệnh mua bán dễ bị lộ. Không ra sàn, ở nhà tĩnh tâm để nghiên cứu thị trường chứng khoán hay hơn”, một dân chơi chứng khoán “pro” nói như vậy. Hiện nay, nhiều công ty chứng khoán ra đời, cạnh tranh nhau khá quyết liệt để thu hút khách hàng và nhiều sàn giao dịch đã mở dịch vụ giao dịch trực tuyến, nhận lệnh từ xa.

Đây là điều kiện để dân chuyên nghiệp không cần ra sàn. Anh Khánh – một NĐT tôi quen ở sàn Tân Việt cho biết, anh thường ở nhà hoặc ra quán cà phê có wifi và khi quyết định mua hay bán một mã cổ phiếu nào đó thì gọi điện thoại cho nhân viên môi giới của sàn giao dịch nhờ viết – đặt lệnh giúp. “Giao dịch không sàn sẽ là mốt của dân chơi chuyên nghiệp bởi hiện nay không cần lên sàn, ngồi ở một nơi nào đó vẫn kiểm tra được mọi thứ như số dư tài khoản, số lượng chứng khoán… Vì nhiều sàn có phần mềm chuyên dụng mà NĐT chỉ cần vài thao tác trên máy tính là biết tất cả”, anh Khánh, nói.

Theo điều tra riêng của chúng tôi, có không ít NĐT “pro” xem việc đầu tư chứng khoán như một kênh hay nghề kinh doanh hẳn hoi. Hằng ngày, họ ngồi tại tổng hành dinh (ở nhà, quán cà phê, công ty…) nghiên cứu, phân tích từng mã cổ phiếu, giao cho nhân viên, đại diện ra sàn chơi (Vì trong mỗi tài khoản của NĐT được ủy quyền người chơi thế) và những “lính” này được trả lương, thưởng như một nhân viên làm việc trong công ty. Những người này thường am hiểu về lý thuyết, phân tích kỹ thuật khá giỏi.

Họ là dân “có nghề”, dân kinh tế ra trường không đi làm. Một thông tin “mới toanh” mà chúng tôi vừa nắm được, có một số người được một số đại gia đầu tư chứng khoán thuê lân la ở nhiều sàn, nay ở sàn này, mai ở sàn kia, mốt ở sàn nọ để gia nhập vào các nhóm, kết bạn trên sàn để nắm tình hình, tâm lý và cả thông tin dự định mua – bán (nhiều hay ít) của những người trong nhóm, sau đó về tập hợp lại, phân tích và báo cáo lại kết quả này cho chủ nhân của mình để có cơ sở quyết định đầu tư: bán ra hay mua vào.

LƯƠNG MINH – TUẤN ANH

Săn tin “đẳng cấp”

Ngồi ở một quán cà phê chứng khoán, tôi cứ thắc mắc không hiểu vì sao ông Khải bên nhóm NĐT kia biết được Công ty N (ở Đồng Nai) sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng trước khi công ty này có cuộc họp báo chính thức công bố đấu giá và ngày đấu giá. Chính tôi điện thoại đến công ty này hỏi thông tin khi nào đấu giá thì được trả lời còn lâu lắm, chưa xác định được thời gian. Anh Thiện – NĐT ở sàn Phương Đông (cũng là bạn của người viết bài này), cười: “Chú làm trong ngành thông tin mà hơi bị thơ ngây đấy. Cái hay là ở chỗ đó. NĐT này hơn NĐT kia ở chỗ biết trước thông tin”.

Anh Thiện bảo rằng, thật ra “cha” Khải là một đại gia, mà đại gia thì phải chơi và thường có móc xích với đại gia, nên những thông tin như vậy họ biết trước là chuyện bình thường. Anh Thiện cho biết thêm, những thông tin mang tính nội bộ như vậy nhiều NĐT thông thường “không có cửa” để biết, còn giới làm ăn thì kết “bè”, có thông tin gì thì “xì” với nhau để biết đường định đoạt làm ăn. Nhiều trường hợp giữa đại gia với đại gia cung cấp thông tin cho nhau, đôi bên cùng có lợi (dĩ nhiên là bí mật), sòng phẳng thì cũng chẳng cần đến những thông tin được gọi là “nội gián” cho mang tiếng tiêu cực.

Nhiều nhà đầu tư (NĐT) bất ngờ vì không hiểu sao có một số người cùng chơi chung sàn với mình thỉnh thoảng trúng quả đậm, rồi NĐT A, B, C biết trước những sự kiện sắp diễn ra của một công ty phát hành cổ phiếu để rồi “gom hàng” sau đó bán ra, lời bộn?... Thị trường chứng khoán đã hình thành nên những đường dây săn tin ngày càng “đẳng cấp”.

Được biết, vì nắm trước thông tin là Công ty N sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, ông Khải đã tìm mua được kha khá số lượng cổ phiếu mà trước đây công ty này đã bán cho cán bộ công nhân viên. Sau khi Công ty N đấu giá thành công, ông Khải “mừng húm” vì lúc này giá cổ phiếu Công ty N trên thị trường lên hơn 3 chấm so với lúc ông mua.

Một “sự kiện” mà gần đây ở sàn giao dịch B, nhiều NĐT râm ran về việc có một nhóm NĐT vừa trúng cổ phiếu công Công ty X quá lớn. Các NĐT này mua cổ phiếu của Công ty X với số lượng khá lớn trong mấy ngày liền, rồi “ém hàng”. Một thời gian không lâu sau đó, báo chí đưa tin Công ty X vừa được một tổ chức tài chính nước ngoài “bắt tay”, trở thành cổ đông chiến lược thì lập tức mã cổ phiếu này tăng trần liên tục mấy phiên liền. Những NĐT này bán ra và lời “khẳm đạn”. Theo một số người trên sàn thì những người trúng đậm là nhờ biết trước thông tin. Vậy thông tin từ đâu ra và vì sao chỉ có một số ít người biết?

Theo giới thạo tin thì hiện nay, trong thế giới kinh doanh chứng khoán đã hình thành những người chuyên đi săn tin “đẳng cấp” – tức thông tin mà độ chính xác cực cao. Những người săn tin này được các đại gia chứng khoán thuê chuyên đi ngoại giao, bắt mối với những người có khả năng cung cấp thông tin đáng tin cậy trong đơn vị phát hành cổ phiếu. Người ta đồn rằng, một nhóm nhà đầu tư trúng quả cổ phiếu X ở trên là do có thông tin từ tay kế toán trưởng của công ty này và họ đã thỏa thuận tỷ lệ ăn chia với nhau khi cổ phiếu lên, bán giá đạt lợi nhuận trong khung họ đặt ra.

MẠC KỲ

Tin cùng chuyên mục