Nhà hát, tại sao không?

Cũng phải hiểu nhiệt huyết của Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, khi thuyết phục các đại biểu đại diện cho hơn 10 triệu người dân thành phố biểu quyết thông qua dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng - Nhạc và Vũ kịch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm vào ngày 8-10. 

Vì dù gì thì trong một thời điểm nhạy cảm, tại một địa điểm nhạy cảm, việc đưa ra quyết định nhạy cảm này đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng các điều kiện thuộc về “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, và từ đó có thể khẳng định đó là một quyết định khó khăn, táo bạo nhưng đầy trách nhiệm.  

Bản thân người viết cách đây 2 năm trong dịp dự hội chợ sách quốc tế Mátxcơva từng tần ngần đứng trước quầy bán vé của Nhà hát Bolshoi, một trong những nhà hát đẹp nhất và chuẩn âm nhất thế giới, mong kiếm một cặp vé xem vở diễn cổ điển “Hồ thiên nga”. Nhưng dù giá vé khá đắt (rẻ nhất cũng 150 USD/vé) thì cô bán vé xinh đẹp cũng lắc đầu không thể đáp ứng nguyện vọng nho nhỏ của các vị khách Việt xa xôi. Bởi lẽ vé đã bán hết từ… 6 tháng trước và mua vé bấy giờ chỉ có thể… xem vào năm sau. Nhà hát Bolshoi, cùng với Điện Kremlin có thể nói - là tấm các-vi-dít của thủ đô LB Nga, và nếu bạn chưa tới thì coi như chưa tới Mátxcơva. Cần biết rằng nhà hát Bolshoi được xây dựng từ cách đây 3 thế kỷ theo chỉ dụ đặc biệt từ đích thân Nữ hoàng Ekaterina Đệ nhị. Nên có thể nói không có sự quan tâm từ cấp lãnh đạo cao nhất thì hẳn bây giờ thế giới đã không có một kiệt tác như nhà hát Bolshoi. Đáng nói về sau này, Bolshoi liên tục được trùng tu theo tiêu chuẩn ngặt nghèo nhất, lần cuối được tu bổ là vào đầu những năm 2000, kéo dài trong 6 năm và đội vốn tới hơn 10 lần, cán mốc trùng tu với kinh phí vẻn vẹn… 1 tỷ USD. Nhưng đắt xắt ra miếng khi Bolshoi luôn là niềm kiêu hãnh của nước Nga cùng trường phái ba lê Nga cổ điển lẫy lừng mà muốn được xem lưu diễn phải chờ đợi nhiều năm ròng.

Như đã thành thông lệ, đô thị nào cũng muốn có một nhà hát riêng, giống như biểu tượng hay điểm nhấn tạo sự khác biệt. Nhưng cái “riêng” thường phải đụng chạm gay gắt với cái “chung” đôi khi quá khắt khe. Nhà hát “con sò” - nhà hát Opera Sydney - là một điển hình của “cuộc cãi vã về kiến trúc tồi tệ nhất trong lịch sử” (theo như một tờ báo Anh), phải thay kiến trúc sư giữa chừng và mất 16 năm mới hoàn tất công trình. Và những người phản đối gay gắt nhất rốt cuộc đã phải xin lỗi vì “cái đầu quá nóng” khi ngắm kiệt tác bên bờ cảng, đem lại cho nước Úc khoản thu nhập mỗi năm 775 triệu USD. Hay một trường hợp khác - xảy ra tại Đức - là việc xây nhà hát giao hưởng ở thành phố Hamburg - khán phòng có sức chứa 2.150 người - phải chậm tiến độ 6 năm- đến khi hoàn thành vào năm 2016 đã đội kinh phí lên tới 789 triệu euro (22.000 tỷ VNĐ). Phải biết rằng người Đức đã phải thuê thiết kế của 1 công ty Thụy Sĩ nổi tiếng, ngoài ra còn mời riêng ông Yasuhisa Toyota, người Nhật, người giỏi nhất thế giới về tạo âm và thẩm âm để thiết kế (lắp 10 ngàn tấm thạch cao, mỗi tấm nặng 70 - 80kg) nhằm tạo âm thanh tốt nhất khi biểu diễn. Kết cục, nhà hát này được coi là 1 trong 10 nhà hát có chất lượng âm thanh tốt nhất thế giới (tất nhiên là đắt đỏ nhất thế giới) và ngay trong năm đầu tiên đi vào hoạt động đã đón 4 triệu du khách, nghĩa là tương đương với lượng hành khách của một sân bay tầm trung. Điều đáng nói là muốn vào xem biểu diễn tại đây thì bạn phải đặt mua vé từ trước… 2 năm…

Nhìn rộng ra để thấy dự án xây nhà hát ở Thủ Thiêm là điều bình thường trong hoàn cảnh bình thường nếu biết rằng nó đã nằm trong quy hoạch từ 20 năm trước. Ở đây, chúng ta cần phải rạch ròi và tách bạch: Những sai phạm về quản lý đất đai sẽ được thành phố giải quyết thỏa đáng vì quyền lợi người dân, còn dự án xây nhà hát đã được bố trí vốn, đất sạch (không vướng tranh chấp) là chuyện phải làm trong tầm nhìn đến năm 2030, nghĩa là không có gì “bất thường” và “khuất tất” trong quyết định của HĐND thành phố. Một vấn đề nữa cũng cần phải nói rõ là thành phố đã và đang làm nhiều công trình an sinh phục vụ người dân trong ngắn hạn và dài hạn. Có nhiều người không hiểu đã thảng thốt: sao không dùng tiền ấy để xây trường học, xây bệnh viện, làm đường, làm cầu, chống ngập…? Và xin nói thật những phản ứng này đều xuất phát từ cảm tính, thiếu số liệu, thiếu bức tranh tổng thể để phân tích. Xin dẫn ra vài số liệu qua các hạng mục chi thường xuyên cấp thành phố năm 2018, có thể đơn cử như chi cho giáo dục đào tạo, dạy nghề 2.859 tỷ đồng, cho y tế 758 tỷ đồng, chống ngập 917 tỷ đồng... Ngoài TPHCM, chính phủ cũng đồng ý xây 3 bệnh viện ở các cửa ngõ TP trị giá gần 6.000 tỷ đồng, xây bệnh viện Chợ Rẫy 2 và Việt - Nhật (7.000 tỷ đồng), Đại học Quốc gia (3.500 tỷ đồng)…, đấy là chưa kể hơn 100.000 tỷ đồng làm các tuyến metro. 

Các con số trên nói lên điều gì? Nó cho thấy xây Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch chỉ chiếm có 0,58% tổng chi ngân sách của TPHCM (tổng chi 86.865 tỷ đồng), một con số rất nhỏ so với xây đường - trường - trạm - bệnh viện. Mặt khác, năm 2018 thành phố chi cho văn hóa vẻn vẹn… 317 tỷ đồng, chiếm 0,36% tổng chi ngân sách, một con số quá ít ỏi so với tầm vóc một thành phố lớn nhất nước. Các bạn cứ tưởng tượng một gia đình có thu nhập 20 triệu đồng/tháng chỉ chi cho nhu cầu giải trí có 56.000 đồng (0,36%) thì mới thấy cuộc sống đơn điệu và nghèo nàn làm sao!

Xây nhà hát tại Thủ Thiêm - tất nhiên không thể hoàn thành trong 4 năm như dự tính - nếu muốn có một công trình thế kỷ, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế ngặt nghèo nhất. Cái chính là đã có chủ trương, có vốn, có đất thì quan trọng nhất vẫn là công tác đào tạo nhân lực, như ta nói có “vỏ” rồi thì điều then chốt quyết định là phần “ruột” hay phần “lõi”. Ở đây có thể nói phần “lõi” của dàn giao hưởng TPHCM vẫn quá mỏng nếu không nói là vừa thiếu và vừa yếu. Đơn cử một nhạc cụ trong biên chế nhạc khí bổ sung là đàn harp thì cả thành phố chỉ có 1 người biết chơi nhạc cụ này. Tương tự ở bộ đồng, thành phố gần như không còn người thổi trombone, tuba và rất ít người biết chơi tromplette. 

Nhưng hy vọng có mái nhà mới khang trang, nguồn tuyển sinh sẽ phong phú hơn, sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn. Trong những năm chiến tranh khốc liệt nhất, chúng ta vẫn duy trì hoạt động của dàn nhạc giao hưởng Hà Nội - dàn nhạc duy nhất ở Đông Nam Á thời điểm đó với quân số tới 100 nhạc công. Đến nay, thế nước, vận nước đã khác thì càng không thể không có một nhà hát và dàn giao hưởng xứng tầm thế giới. Phải đi mới thành đường, vừa đi vừa dò đường và có đi mới có đến… 

Tin cùng chuyên mục