Không thể chịu nổi tiếng ồn, khói bụi, ô nhiễm nguồn nước do các nhà máy thép gây ra, hàng trăm người dân nhiều đêm phải thức trắng, kéo đến nhà máy yêu cầu ngừng sản xuất để được yên giấc một đêm nhưng vẫn không được. Đó là những gì đang diễn ra tại Cụm công nghiệp (CN) Thương Tín 1 (Điện Nam Đông, Điện Bàn, Quảng Nam) trong nhiều năm qua.
Khủng khiếp!
Đó là cụm từ mà người dân ở thôn 7A, xã Điện Nam Đông liên tục thốt ra khi tiếp xúc với chúng tôi để nói về mức độ ô nhiễm của 3 nhà máy thép nằm sát khu dân cư họ đang sống. Ông Trần Văn Tuấn, trú thôn 7A, bức xúc: “Dân ở đây hầu hết làm nông. Cả ngày quần quật ngồi đồng, tối về ăn miếng cơm mong ngủ yên giấc để lấy sức mà tiếp tục công việc ngày mai.
Thế nhưng, cứ đến tầm 7 giờ tối thì cả 3 nhà máy thép: Huỳnh Nguyên, Vina – Nhật và Việt Pháp đồng loạt mở máy hoạt động cho đến tận sáng hôm sau. Tiếng ồn vang cả một góc trời thì làm sao ngủ yên cho được. Nhiều đứa nhỏ mới sinh cứ giật mình khóc thét. Không những thế, lượng khói từ các lò nấu thép khét lẹt bay khắp xóm, len lỏi vào từng gia đình. Thậm chí khói nhiều đến mức dày đặc như sương mù, nhiều hôm không thấy đường để đi”.
Năm 2007, tại Cụm CN Thương Tín 1 chỉ có Nhà máy thép Huỳnh Nguyên nên mức độ ô nhiễm chưa lớn, nhưng đến năm 2010, Nhà máy thép Vina – Nhật hoạt động và đến tháng 9-2011 thêm Nhà máy thép Việt Pháp thì mức độ ô nhiễm đến mức báo động. Bao nhiêu đơn thư phản ánh, bao nhiêu nỗi ấm ức của người dân đều bị lãng quên hoặc chỉ được chính quyền giải quyết hời hợt.
Ông Trần Văn Long (tổ 2), tiếp lời: “Mấy trăm hộ dân với hàng ngàn nhân khẩu, trong đó có không ít người già và trẻ nhỏ chịu không thấu tiếng ồn, khói bụi nên nhiều đêm phải thức trắng kéo đến nhà máy khẩn cầu cho ngừng sản xuất để yên giấc một đêm nhưng vẫn không được chấp thuận. Chúng tôi gọi điện cho công an huyện xuống nhờ can thiệp nhưng xem ra những nhà máy này cũng không xem ra gì và cho đứng bên ngoài nhà máy. Bên trong họ vẫn tiếp tục hoạt động như chẳng có việc gì. Thử hỏi pháp luật ở đâu?”.
Ông Long dẫn chúng tôi ra phía sau nhà, bật chiếc máy bơm thì từ dưới lòng đất phun lên một dòng nước vàng khè. “Khi chưa có nhà máy thép, nước ở đây trong veo, ngọt xợt. Giờ đây vàng đục, buộc chúng tôi phải mua nước bình. Ai không có tiền mua nước đành chịu dùng nước ô nhiễm. Kiểu này chắc đổ bệnh hết thôi” – ông Long lo lắng.
Thủ phạm gây ô nhiễm nguồn nước ngầm ở đây là do việc thải phế liệu của 3 nhà máy thép gây ra. Hàng ngàn tấn phế liệu được các nhà máy cho thải ngay cạnh khu dân cư, sau đó dùng máy ủi lấp cát lại để “che mắt” thiên hạ. Cứ thế, rỉ sắt theo thời gian thẩm thấu vào lòng đất và đầu độc nguồn nước của người dân ở đây.
Vì thành tích, bất chấp hậu quả
Ông Thân Cầu, Chủ tịch UBND xã Điện Nam Đông, cho biết: “Đã nhiều lần tôi cùng người dân xuống thị sát tình hình, quả thật đứng chưa đầy 30 phút đã nghẹt thở vì khói bụi, nhức óc vì tiếng ồn”. Ông Cầu nói thẳng, nếu có quyền, tôi không bao giờ đồng ý cho các nhà máy thép hoạt động ở đây. Bởi theo ông: “Ngay từ đầu, tôi đã thấy nguy hiểm rồi, nhưng cái này huyện, tỉnh quyết định đưa về đây nên chúng tôi phải nghe theo thôi. Nói thật, họ (các DN – PV) chỉ giải quyết việc làm cho vài chục lao động ở địa phương, nhưng lại làm điêu đứng hàng trăm hộ khác”.
Vì sao có tới 3 nhà máy thép được cấp phép hoạt động ngay trong khu dân cư và trong khu vực chỉ ưu tiên phát triển du lịch? Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại QĐ số 130/QĐ-UB của UBND huyện Điện Bàn (ngày 1-1-2004) về việc phê duyệt quy hoạch và điều lệ xây dựng Cụm CN Thương Tín 1, ở mục 4 ghi rõ: Khu công nghiệp nhẹ, mang tính sạch, không bụi bẩn, không tiếng ồn, không chấn động, không ô nhiễm lây lan. Tuy nhiên, đến 12-5-2010, lại có QĐ 1336/QĐ-UBND của huyện Điện Bàn về việc điều chỉnh quy hoạch Cụm CN – Dịch vụ Thương Tín 1, mục chức năng: KCN nhẹ, sạch, không bẩn, không tiếng ồn… đã biến mất, thay vào đó là những câu từ mang tính lập lòe: Sản xuất công nghiệp…
Ông Nguyễn Đức Chơi, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Điện Bàn thừa nhận, để 3 nhà máy thép trong khu dân cư là có vấn đề, ít nhất đến thời điểm này đã lộ rõ bất cập vì ô nhiễm nặng. Tuy nhiên, theo ông Chơi, hồi quy hoạch Cụm CN Thương Tín 1, vì huyện sốt ruột, muốn nhanh chóng lấp đầy cụm CN này nên ai đầu tư cũng được đồng ý, bất kể là thép hay gì khác. “Dự định ban đầu là cụm CN sạch, phê duyệt lần 2 nói rõ các nhà máy thép phải nằm phía Tây tuyến QL1A. Không hiểu sao, 3 nhà máy thép này lại được cấp phép ở phía Đông, mà lại nằm gần khu vực ven biển, nơi có nhiều dự án du lịch đang triển khai” – ông Chơi nói.
Theo ông Chơi, thế hệ lãnh đạo huyện quyết định cho các nhà máy thép vào hoạt động ở Cụm CN Thương Tín 1 đã nghỉ hưu, giờ để lại hậu quả ô nhiễm cho dân, và những người đương chức bây giờ phải gánh vác trách nhiệm giải quyết.
NGUYỄN HÙNG – HỒNG THÚY