Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường Đô thị TPHCM cho biết, hiện nhà máy xử lý chất thải nguy hại của công ty chỉ mới chạy khoảng 1/3 công suất, khoảng 19 tấn/ngày do không có nguồn chất thải nguy hại.
Trước đó, việc đầu tư nhà máy này xuất phát từ nhu cầu xử lý chất thải nguy hại tại thành phố tăng cao. Trung bình mỗi ngày thành phố tiếp nhận khoảng 600 tấn chất thải nguy hại/ngày. Trong đó, có 300 tấn chất thải phát sinh từ hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, 300 tấn còn lại được vận chuyển về từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An…
Trong khi công suất xử lý chất thải nguy hại tại thành phố chỉ khoảng 30 tấn/ngày và chủ yếu do các cơ sở tư nhân với quy mô nhỏ lẻ thực hiện. Cũng chính vì thế mà giá thành xử lý chất thải nguy hại bị đẩy lên cao từ 12 - 40 triệu đồng/tấn chất thải. Tuy nhiên, sau khi đầu tư nhà máy đi vào hoạt động được hơn 6 tháng nay, mỗi ngày chỉ tiếp nhận và xử lý 18 tấn chất thải nguy hại y tế và 1 tấn chất thải từ các doanh nghiệp.
Công ty đã ký hàng trăm hợp đồng với các doanh nghiệp để nhận chuyển giao chất thải nguy hại nhưng rất ít doanh nghiệp chuyển giao thực sự. Lý do mà các doanh nghiệp đưa ra là do sản xuất không nhiều nên kéo theo lượng chất thải phát sinh ít. Tuy nhiên, cũng không ngoại trừ là hiện đang có một lượng chất thải nguy hại đang bị đổ tràn ra môi trường, Những khu vực phát hiện có nhiều bãi chất thải tập kết tự phát là quận 9, huyện Hóc Môn và Bình Chánh.
M.X.