Từ sáng sớm 25 Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, khoảng sân trước nhà 38/31/7 Chế Lan Viên, tổ dân phố 64 khu phố 3 phường Tây Thạnh quận Tân Phú đã rộn rã tiếng cười nói. Tốp này lau lá dong, tốp khác đãi gạo nếp, tốp kia xắt hành ướp thịt... Các công đoạn chuẩn bị cho việc gói bánh chưng để nồi bánh được nổi lửa vào chiều tối đều do người dân trong tổ quây quần bên nhau cùng làm.
Nối liền tình thân
Mấy năm rồi, đã thành lệ, cứ sau ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp âm lịch) là xóm nhỏ trong con hẻm trên đường Chế Lan Viên lại vang tiếng í ới rủ nhau tham gia làm bánh chưng. Nguyên liệu làm bánh do các hộ dân trong tổ dân phố 64 góp, rồi những người có thời gian rảnh tập trung lại gói bánh. Khi bánh luộc xong, mỗi hộ trong tổ được nhận một cặp bánh, những chiếc bánh còn lại được dọn ra trong buổi liên hoan tất niên của tổ.
Thời buổi hiện đại, mua cặp bánh chưng bày lên bàn thờ cúng ông bà, tổ tiên không khó; nhưng những lúc cùng nhau gói bánh, canh nồi bánh đã gắn kết các gia đình với nhau hơn và cũng giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về truyền thống dân tộc qua chiếc bánh chưng cổ truyền ngày tết.
Người dân tổ dân phố 64 khu phố 3 phường Tây Thạnh quận Tân Phú cùng nhau gói bánh chưng.
Chính vì ý nghĩa nối kết tình thân xóm giềng nên những buổi làm bánh, nấu bánh đều có đông người tham gia. Tay thoăn thoắt bằm nhuyễn đậu xanh nấu làm nhân bánh, bạn Vũ Đức Tuyền (22 tuổi) cho biết những năm trước, bạn cũng giúp gói bánh, năm nay do chưa được nghỉ tết nên bạn xin công ty cho nghỉ phép để ở nhà phụ các cô chú. Riêng anh Phan Văn Khoa vừa bán nhà, tết này chuyển đi nơi khác sống, nhưng anh nói mỗi cuối năm chỉ cần được báo một tiếng là sẽ về cùng mọi người sum vầy gói bánh.
Khu phố nghĩa tình
Chiều cuối năm, khi chúng tôi ghé nhà, bà Nguyễn Thị Sa (74 tuổi) đang lui cui trong căn nhà vắng vẻ. Không gia đình, bà Sa sống một mình trong căn nhà số 38/89 Chế Lan Viên, tổ dân phố 65 khu phố 3 phường Tây Thạnh. Mang trong người bệnh suyễn và bệnh tiểu đường, tiền sinh hoạt và tiền thuốc của bà chỉ trông chờ vào cái tủ kiếng bán đồ tạp hóa lặt vặt tại nhà. Thương cảnh bà Sa neo đơn, ngoài việc thường xuyên thăm nom hỏi han, những lúc bà ốm nặng, bà con chòm xóm lại sang lo cơm cháo cho bà.
Nhờ sự vận động của Ban điều hành khu phố, từ tháng 3-2014 đến nay, mỗi tháng bà được một mạnh thường quân hỗ trợ 300.000 đồng và từ tháng 6-2014 đến tháng 6-2015, một mạnh thường quân khác hỗ trợ bà 500.000 đồng/tháng. Từ khi được khu phố vận động kinh phí mua thẻ BHYT cho bà, chuyện khám chữa bệnh đỡ lo phần nào. Bữa giờ, nhận phần quà gồm gạo, bánh, đường, nước mắm, dầu ăn, bột ngọt, bột nêm... từ khu phố, bà Sa vui lắm. Bà tâm sự: Vậy là trong nhà có đầy đủ hết rồi, tôi không phải mua sắm gì mà cũng có thể đón tết như nhà khác. Mỗi lần chú Phết (ông Phan Văn Phết, Phó Trưởng khu phố 3, tổ trưởng tổ dân phố 65 - PV) gọi là tôi mừng lắm vì biết chuẩn bị nhận “lộc”.
Cũng hoàn cảnh neo đơn, thu nhập của cô Đỗ Thị Hoa (55 tuổi, ngụ 168/57 Chế Lan Viên tổ dân phố 60 khu phố 3 phường Tây Thạnh) chỉ từ tiền may gia công khẩu trang. Nếu không có số tiền 500.000 đồng/tháng do Ban điều hành khu phố vận động mạnh thường quân hỗ trợ và hàng xóm láng giềng cho thêm gạo, đường, mắm, muối, quả thật cuộc sống của cô rất khó khăn. Hơn một năm trước, tấm ván gác trong nhà bị mục làm cô té từ trên cao xuống, phải đi bệnh viện chữa trị.
Ngay sau đó, khu phố cùng các ban ngành, đoàn thể, người dân trong tổ dân phố 60 đóng góp 27,5 triệu đồng sửa nhà, chống dột để cô không gặp nguy hiểm và có nơi ở khang trang hơn. Đưa tay rờ vào bức tường nhà được sơn mới, cô Hoa cảm động nói: “Khu phố 3 này tình nghĩa lắm!”. Và cũng như vậy, phần quà tết do khu phố tặng, với cô tuy không nhiều nhưng là tình cảm, là sự quan tâm, sẻ chia đầy ngọt ngào trong cuộc đời.
|
ÁI CHÂN