Nhiều du khách đến Singapore có cùng nhận xét: dù mới qua “tuổi lên hai” chưa lâu, nhưng khu Vườn bên Vịnh (Garden by the Bay - nằm bên cạnh Vịnh Marina) trông thật um tùm xanh tốt, với rất nhiều cây xanh đẹp đẽ. Tờ nhật báo lớn nhất nước này, The Straits Times cho biết, trong số đó có 2.000 cây lớn được đưa về đây từ những khu vực khác nhau của Singapore - những “di dân” bất đắc dĩ để nhường chỗ cho các công trình hạ tầng cơ sở.
Đáng nói là những cây này đã được bảo tồn cẩn thận từ nhiều năm trước khi được tái định cư ở “nhà” mới. Chẳng hạn, có đến 10 cây lớn 80 năm tuổi, cao 5m được lưu giữ từ năm 2008 khi giải tỏa nghĩa trang Bidadari. Giờ đây, các “cụ cây” này đang tiếp tục tỏa bóng tại khu vườn đang là điểm đến hấp dẫn mới của khách du lịch khi đến Singapore. Chỉ 2 tháng trước đây, Garden by the Bay còn tiếp nhận những công dân khổng lồ hơn: những cây angsana 20 năm tuổi, cao tới 20m, vốn cư ngụ ở đường Serangoon. Chúng được trồng lại tại khu ẩm thực Satay by the Bay.
Không chỉ đem lại cho khu vườn sự xanh tươi được hình thành từ hàng thập kỷ, những cây cối này còn là “chứng nhân” lịch sử về chặng đường hình thành, phát triển của đảo quốc Sư tử. Những cây sala (cannonball, còn gọi là cây ngọc kỳ lân) thường là ví dụ sinh động của các giáo viên và hướng dẫn viên tại khu vực Vườn Thế giới trong khuôn viên Garden by the Bay. Tất nhiên, Garden by the Bay không chỉ trông chờ vào cây cối từ những nơi khác. Nhà đầu tư cũng chủ động tìm kiếm, chuẩn bị những cây cối lâu năm quý hiếm khác từ khắp nơi trên thế giới để đa dạng hóa bộ sưu tập cây cối của mình. Những công dân cao tuổi nhất của vườn là những cây ôliu ngàn tuổi được đem về từ Tây Ban Nha, cũng từ một khu vực cần giải tỏa.
Garden by the Bay còn nổi tiếng với những “siêu cây” nhân tạo (super tree) mà mỗi cây là một “hệ sinh thái” thu nhỏ - thành tựu của khoa học công nghệ. Nhưng đó lại là một câu chuyện khác, chứa đựng một triết lý sâu xa khác. Cơ quan bảo tồn thiên nhiên Singapore ý thức rất rõ việc bảo tồn cây xanh nguyên trạng trong môi trường sống quen thuộc của chúng. Không phải vì đã có vườn để đưa cây về mà các nhà phát triển đô thị được phép chặt hạ cây xanh tùy tiện, hay không nỗ lực hết sức để bảo tồn cây cối tại chính khu vực sinh trưởng nguyên thủy của chúng.
Cần nói thêm rằng dù là quốc gia - thành phố “tấc đất tấc vàng”, nhưng Singapore không hề tiết kiệm diện tích trồng cây. Khung cảnh xanh tươi um tùm hôm nay của Singapore không phải tự nhiên có được. Đó là kết quả của một nửa thế kỷ quyết tâm và nỗ lực thực hiện những công việc đầy khó khăn, vất vả. Sự phát triển của Singapore để trở thành một thành phố vườn khởi nguồn từ chương trình phủ xanh được nguyên Thủ tướng Lý Quang Diệu khởi xướng và hậu thuẫn mạnh mẽ. Ông cho rằng, một Singapore xanh chính là nhân tố cạnh tranh quan trọng để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Ông Lý Quang Diệu phát động cuộc vận động trồng cây xanh vào năm 1963 và đến nay, Chính phủ Singapore vẫn kiên trì, bền bỉ thực hiện chương trình đó.
Chợt nghĩ, nếu các đô thị lớn của chúng ta cũng có cách nghĩ, cách làm tương tự thì tốt biết mấy!
ANH THƯ