Nắng tứa trên ngọn dưa. Mấy công đất rẫy mùa này hạn quá. Đất quánh lại, khô khốc, chân đi cũng phải nhón. Nóng và đau. Phải chi là cái thứ đất thịt mềm mềm mùa tháng chín thì cánh nông dân cũng khỏe. Rễ mía và sắn chông chênh lồ lộ lên mặt đất, xót cả chân. Cái bóng ông Năm lụi hụi trên ruộng dưa từ mờ sáng đến tối mịt.
* * *
- Tưởng mấy hạt dưa này như hạt dưa người ta bán ngoài chợ cho tụi bây cắn hở con?
- Sao hở ba?, con Tí ngồi cặm cụi đếm từng hạt dưa trong cái bịch giống dưới sự chỉ đạo của ba nó.
- 500 đồng một hạt đó nghe con, một hạt gieo xuống là cơm áo, sách vở cho chị em bây ăn học đó nghe.
Mỗi bận làm dưa là mỗi bận ông Năm cực nhọc. Ông đếm từng hạt dưa, mỗi hạt nảy mầm ươm xuống thành cây, nó sẽ cho lắm trái. Ông gói mớ hạt giống trong miếng vải thật sạch, đem ủ cho nó nảy mầm. Đôi tay khô cằn của người đàn ông nâng niu những hạt giống, tỉ mỉ và cẩn thận, chẳng giống cái tính hay đoảng hay quên của ông tí nào. Ông nâng hạt mầm tựa hồ như đôi tay vụng về của người cha lần đầu tiên ẵm trên tay đứa con đầu lòng vậy. Mấy cái hạt mầm vừa nhú lên, có khi không đều. Những lúc ấy ông Năm lại thở dài, chậc một tiếng: “Chết, chết...”. Con mắt nhíu lại, tay run run.
Bà Năm mắc mùng đi ngủ sớm, lấy sức sáng mai còn lên rẫy, cứ 8 giờ tối là bà ngủ, 3-4 giờ sáng lại lụi hụi đi làm. Chẳng bao giờ ông Năm nói mình lo cái gì, sợ cái gì. Nhìn mặt ông thì đoán. Lúc nào ông cũng bảo: “Bận tối mắt tối mũi, chạy không xong tâm trí đâu mà lo vớ vẩn”. Cây dưa lớn mỗi ngày, ông bà cũng gầy đi mỗi ngày.
* * *
Con Tí lớn hơn con Tủn 5 tuổi. Nó cứ hằn học với em nó mãi. Bà Năm bảo chị em tụi nó không hợp nhau. Con Tí học lớp tám, chuyện trong nhà nó quán xuyến hết. Đi học về nó lo cơm nước. Con Tí mê xương rồng. Nó có cả một bộ xương rồng đủ loại. Đi đâu làm gì nó cũng để ý nhà ai có giống xương rồng lạ là xin về gây giống. Nó tự gây dựng cho mình một giang sơn xương rồng. Nó sưu tầm từng cái vỏ chai nước ngọt, chậu kiểng ba nó vứt đi… Tất cả những gì có thể bỏ đất vào trồng xương rồng đều lọt vào tầm mắt của nó.
Con Tủn mới học lớp ba, thấy chị hí hoáy thì cũng bắt chước. Nhưng lon lọ gì chị cũng dành hết, nó lén đem trồng xương rồng ngoài đất. Con Tí phát hiện, “tiêu diệt” sạch. Nó “tuyên bố”: “Không thấy người ta trồng rồi hay sao mà còn bắt chước, trồng cây khác đi.” Nó “độc tài” trong cái vụ này quá. Ông Năm cũng lắc đầu bởi cái tính này. Thường thì ông hay mỉm cười với cái thú chơi cây của con gái, nó giống ông ở điểm mê kiểng. Ông có cả bộ sưu tập hoành tráng hơn cô con gái 14 tuổi rất nhiều. Nhưng ông tôn trọng nó, cái hoành tráng của người lớn tất nhiên không thể đem ra so bì với con nít.
Lại nói về chuyện con Tí với con Tủn, hai đứa đều chăm học hết. Con Tủn tính tình vui vẻ, cái miệng lúc nào cũng lúng liếng. Nó nói với bà Năm: “Ngày nào chị Tí cũng la con, không la ít thì la nhiều, ngày nào chỉ không la là lạ lắm đó”, “chắc chị Tí ghét con”.
Cái bữa sinh nhật con bé Tủn, con Tí cho nó hai cái kẹp tóc thiệt xinh. Con Tủn kể với bà Năm:
- Hồi tối con đi ngủ thấy chị Tí bỏ cái gì vô cặp con đó. Sáng con thấy chỉ nhắc hai cái kẹp tóc ở trong cái vỏ hộp đựng kem đánh răng, bên trong có tờ giấy “Chúc mừng sinh nhật” đó má. Bà Năm hỏi: “Thế kẹp đẹp không? Con thích không?”. Con Tủn bảo: “Có”. Khỏi phải hỏi bà Năm cũng biết cô gái út của mình mê tít hai cái kẹp tóc, bằng chứng là nó đang lắc lư trên cái đầu bé nhỏ mấy cọng tóc non của con bé sáng giờ. Bà mỉm cười nhìn con bé bảo: “Vậy là chị Tí đâu có ghét bé Tủn đâu”.
Con Tí vẽ đẹp, có hình khối lắm, ông Năm bảo: “Sau này cho con bé đi kiến trúc”. Còn con Tủn thì tinh nghịch, nó còn nhỏ, ông cho nó tự nhiên “tung hoành”. Mấy bức tường nhà ông, nó lấy màu pha, phấn, tất cả những gì có thể sưu tập được, nó “phác thảo” hết. Từ cây, lá, hoa, cỏ... không chỗ nào không có dấu tích vẽ vời của nó.
Nhìn các con lớn khôn, ông bà Năm cũng mừng. Tụi nó ngủ trông ngây thơ quá. Chợt ông nghĩ về cái khoản vay mấy chục triệu trong ngân hàng cho cô con gái đang học đại học, rồi gần hai chục triệu tiền đầu tư phân bón mấy sào dưa. Cái dáng nhỏ bé của ông lẩn khuất trong đêm, tiếng ho sù sụ một góc vườn.
* * *
- Ba hở ba?
- Ừ, có gì không con?
- Quê mình nắng không ba?
- Nắng chứ, nắng mới làm dưa được chứ?
Rõ ràng con gái thấy dự báo thời tiết có áp thấp nhiệt đới mà ba cứ giấu.
- Má hở má?
- Ừ, có gì không con?
- Dưa bán được chứ má?
- Sao lại không hở con, đừng có lo, nhớ ăn uống vô à nghen, không có lỗ đâu mà sợ, má tính rồi cũng còn ngày công của ba má mà, không có sao đâu. Mai mốt bán con ạ.
Con gái đọc báo thấy dưa chất đống ngoài cửa khẩu không tiêu thụ được, lo quá.
- Ba hở ba?
- Sao con?
- Em ngủ rồi hở ba?
- Ừ
- Dưa bán được không ba?
- Mai mốt con ạ.
* * *
Những đôi lưng cằn trong sương sớm, trong nắng cháy và trong chiều muộn. Khói chiều tỏa góc bếp. Rẫy dưa vẫn chộn rộn bóng người. Tóc ông Năm bạc hẳn. Cô con gái gọi cho ba xong, móc điện thoại gọi cho thằng em ngoài quê: “Chạy sang nhà chị xem tình hình rồi báo cáo, cấm không được che giấu nghe chưa?”.
Biết rằng dẫu có lo lắng, ba má vẫn cứ cười, qua điện thoại, qua hàng trăm cây số làm sao biết ba má thế nào.
- Giọng má làm sao thế?
- Có sao đâu con, điện thoại nhà mình nó hư nên vậy...
Thẩm Trinh