
Là thành phố đặc thù miền sông nước với hệ thống sông ngòi chằng chịt, từ xa xưa TPHCM đã nổi tiếng là trung tâm mua bán sầm uất với quang cảnh “trên bến dưới thuyền”. Thế nhưng, liệu còn ai có thể hình dung ra một Sài Gòn đặc trưng kênh rạch với những nhà phố mới đã và đang được xây dựng bên các dòng kênh? Làm sao để có những tour du lịch tham quan kênh bằng thuyền? Làm sao để gìn giữ và tôn tạo một bản sắc riêng, cái phần hồn của đô thị?
- Nhiêu Lộc -Thị Nghè: Trục cảnh quan mới lộn xộn

Bao giờ có những tour du lịch tham quan bằng thuyền trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè?
Khi tuyến đường dọc theo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè được hình thành, ai cũng mong đó là một chương trình chỉnh trang đô thị thành công, song thực tế, bộ mặt hai bờ kênh hiện nay rất tạp nham, nói theo một kiến trúc sư là “xây mới rất nhiều nhưng không hề có… kiến trúc”. Đi một mạch từ đầu đường Hoàng Văn Thụ (Tân Bình) đến cầu Thị Nghè mới thấy hết sự muôn màu, muôn vẻ của nhà cửa hai bên đủ loại hình thù kỳ lạ nhất, từ tam giác cho đến hình thang, hình đa giác.
Nhiều căn nhà ở khu vực đường Lê Văn Sỹ, P13 Q3 và Trần Văn Đang P9 – P11 Q3 mỏng như một tấm ván, “mặt tiền” trông có vẻ rộng rãi nhưng sâu chỉ 2m - 3m. Thậm chí có một loạt “căn hộ” ở gần đường ray xe lửa mỗi căn bề ngang chỉ khoảng 2m và chiều sâu chỉ hơn 1m, nhiều căn diện tích không đầy 4m2.
Ở đoạn kênh thuộc đường Trần Quang Diệu, P14, Q3 có căn nhà mà “mặt tiền” cố gắng len lỏi ra đến mặt đường với duy nhất một cánh cửa chui ra chui vào, hẹp không đầy 1m… Mạnh nhà nào nấy xây, đủ loại kiến trúc từ ta, tây đến cả những kiểu dáng không ai hiểu nổi. Phổ biến nhất vẫn là tình trạng tìm mọi cách để cơi nới, lấn chiếm không gian phía trên với những ngôi nhà “đầu to, đít teo” mà “đế” là một góc nhọn mỏng tanh, lên tầng một, tầng hai thì biến thành một góc hình thang, thậm chí kèm thêm cả ban công cố với ra mặt đường càng nhiều càng tốt.
Toàn TP có trên 100 tuyến sông rạch với chiều dài gần 700km. Nhiêu Lộc – Thị Nghè là một trong ba tuyến sông nước tự nhiên cổ nhất (cùng với sông Sài Gòn và kênh Bến Nghé), ăn sâu vào lòng TP với nhiều chi lưu… và đi qua nhiều quận: 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, 10, Tân Bình. Toàn tuyến kênh chính có chiều dài 9.470m. |
Theo nhà cửa mới đủ kiểu là đủ loại hàng quán mọc lên hai bên đường mà nhiều nơi chỉ xây cất, che chắn tạm bợ, nhếch nhác với đủ kiểu kinh doanh tận dụng cho bằng hết phần mặt tiền đường quý giá. Kèm theo đó, theo “tập quán cũ”, người dân vẫn vô tư mang rác thải xuống kênh, nhiều đoạn kênh sớm sớm chiều chiều vẫn lềnh bềnh đầy các loại rác. Và không chỉ tư nhân, Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn (quận 3) cũng “tranh thủ” mở tường rào xây một loạt 36 kiốt cấp 4 để cho thuê mặt bằng với không thiếu một loại hình kinh doanh nào từ bán cà phê, tạp hóa cho đến gara sửa xe, máy móc các loại…
Trong báo cáo nghiên cứu về bảo tồn cảnh quan sông rạch TPHCM (nằm trong Chương trình Nghiên cứu bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị TPHCM thực hiện từ năm 1994 - 1998), các nhà nghiên cứu khẳng định: Việc tồn tại một dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè trong lòng TP là “rất đáng quý”. Các nhà làm công tác bảo tồn cũng lưu ý đến việc xây dựng nhà ở cao cấp và có thẩm mỹ kiến trúc để thu hút đầu tư và nâng cao giá trị của dòng kênh, tạo cảnh quan đẹp tại các cửa ngõ ra vào TP.

Nhà cửa xây dựng cao thấp lộn xộn dọc theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Điển hình là các khu đất gần cầu Điện Biên Phủ, cầu Nguyễn Hữu Cảnh và Nguyễn Văn Trỗi, cửa ngõ ra vào trung tâm TP từ sân bay Tân Sơn Nhất. Trên thực tế, ngoài khu chung cư Nguyễn Đình Chiểu (Q1), khu chung cư Phan Xích Long (Bình Thạnh) và khu chung cư Miếu Nổi (Phú Nhuận) đã được xây dựng thì tình trạng nhà ở tự phát, nhà phân lô chiếm toàn bộ con đường mà chưa có sự can thiệp đúng mức của Nhà nước.
Việc xây nhiều cầu qua kênh cũng được cảnh báo cần phải nghiên cứu để đảm bảo điều kiện tốt về giao thông và phải có khoảng thông cầu lớn để tàu du lịch có thể qua được. Thế nhưng, 9 cây cầu mới được xây dựng nằm phía hạ lưu dòng kênh lại có khoảng thông thủy thấp đến nỗi những lúc nước lên cả chiếc thuyền con bé tẹo của đội vớt rác trên kênh chui qua cũng rất khó khăn!
- Chịu thua?
Trước đây, theo chủ trương của TP, sau khi giải tỏa biên kỹ thuật mỗi bên 20m sẽ giải tỏa tiếp để chỉnh trang toàn bộ tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Về việc xử lý các căn hộ sau khi giải tỏa có diện tích khuôn viên còn lại nhỏ hơn quy chuẩn xây dựng (tại TP là dưới 40m2), TP cũng đã chỉ đạo khuyến khích các hộ còn diện tích quá nhỏ chuyển quyền sử dụng phần đất còn lại cho các hộ tiếp giáp hoặc thỏa thuận với chính quyền để thực hiện giúp việc chuyển quyền sử dụng đất còn lại cho các hộ tiếp giáp lân cận; hoặc áp dụng chính sách giải tỏa trắng để tính kinh phí bồi hoàn giải tỏa, tái định cư…
Trong hướng dẫn về kiến trúc công trình khi thực hiện mở rộng các trục đường lớn cho các quận huyện, Văn phòng Kiến trúc sư trưởng trước đây cũng đã lưu ý các nhà có bề ngang mặt tiền nhỏ hơn 4m và nhà có diện tích còn lại sau khi giải tỏa nhỏ hơn 40m2 phải hợp khối về kiến trúc (với nhà kế cận) khi xây dựng lại công trình. Đối với trường hợp diện tích còn lại quá nhỏ (dưới 25m2) không còn khả năng để hợp khối xây dựng lại thì phải giải tỏa toàn bộ, tránh tình trạng chiếm dụng xây dựng trái phép các công trình tạm bợ làm mất mỹ quan đô thị.
Tuy nhiên, sau khi giải tỏa, người dân ào ạt “kiên cố hóa” những phần còn lại của căn nhà, có hộ thậm chí chỉ làm mất vài đêm… Một cán bộ ở Công ty Tư vấn kiến trúc TP cho rằng, vấn đề cơ bản là TP không có một biện pháp nào cụ thể để xử lý những trường hợp vi phạm và cuối cùng là… buông xuôi.
Theo một cán bộ của Sở Quy hoạch – Kiến trúc, sở dĩ gặp nhiều rối rắm trong vấn đề giải tỏa là do một thời gian dài TP không có những quy định cụ thể về việc xây dựng các công trình kiến trúc dọc bờ sông, kênh rạch mặc dù TPHCM là một thành phố đặc thù có nhiều kênh rạch! Điều khó khăn nữa là do vấn đề phân cấp, những người làm quy hoạch thì ở một nơi, chỉ cố gắng “khuyến khích”, “kêu gọi” còn việc thực hiện tùy thuộc vào chính quyền địa phương các quận, huyện. Một hộ dân có căn nhà “siêu mỏng” thú thực với chúng tôi: “Đúng là trên quận cũng có thông báo, có xuống kiểm tra không cho xây nhưng tụi tôi thấy ai cũng ùn ùn xây lên nên cũng… xây đại”.
- Bài học nào cho một TP đặc thù nhiều kênh rạch?

Những ngôi nhà cao, thấp làm mất vẻ mỹ quan đô thị đang tồn tại bên dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Không chỉ có Nhiêu Lộc – Thị Nghè và đại lộ Đông Tây, hiện ở TPHCM còn rất nhiều dự án cải tạo, chỉnh trang kênh rạch đang thực hiện như dự án kênh Hàng Bàng, Tân Hóa – Lò Gốm, Tàu Hủ – Bến Nghé… Thế nhưng, điều nan giải cho những nhà làm dự án là tình trạng lấn chiếm kênh rạch làm nhà ở đã tồn tại ngang nhiên nhiều năm qua theo một “kịch bản” có sẵn: từ chống ghe làm nhà cao cẳng, nhà sàn đến đổ nền làm nhà đất và cuối cùng là đổ bê tông kiên cố – hợp thức hóa bằng được căn nhà.
Một KTS nói: “Cảnh quan sông rạch đặc trưng của một TP sông nước nằm ngay ở khu trung tâm TP, song mấy ai ở TP được chiêm ngưỡng cảnh quan này vì hàng loạt các loại nhà ở tự phát mọc lên ở ven kênh đã ngăn cản hết mọi tầm nhìn”. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến công việc quy hoạch tổng thể mỹ quan kiến trúc đô thị sau khi giải tỏa vì không thể di dời hoặc giải quyết những trường hợp tìm mọi cách “kiên cố hóa” phần nhà ở còn sót lại. Vấn đề đặt ra là trong nhiều năm qua, các cơ quan quản lý chuyên ngành và chính quyền địa phương ở các quận, huyện đã để tình trạng lấn chiếm kênh rạch tràn lan, không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu, để đến khi làm các dự án phải bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng ngân sách cho việc đền bù giải tỏa và di dời.
Phải mất một thời gian dài, sau nhiều “trắc trở”, đầu tháng 6-2004, UBND TP mới có quyết định về Quy định quản lý hành lang bờ sông, kênh rạch của TPHCM, trong đó quy định cụ thể việc quy hoạch, cắm mốc để bảo vệ hành lang bảo vệ, ngăn chặn nạn lấn chiếm và đảm bảo quy hoạch cho đô thị. Theo quyết định này, quy định hành lang trên bờ sông, kênh rạch là: cấp 1 - 2: chiều rộng phạm vi hành lang là 50m mỗi bên; cấp 3 - 4: 30m mỗi bên; cấp 5 - 6: 20m mỗi bên và các kênh rạch chưa được phân cấp kỹ thuật là 10m mỗi bên. Vấn đề đặt ra là các cơ quan quản lý rồi sẽ làm được đến đâu để những tình trạng tương tự như ở Nhiêu Lộc – Thị Nghè sẽ không còn tái diễn?
HOÀI TRANG