Nhằm ghi nhận đóng góp quý báu của các nhà tài trợ đã đồng hành cùng chương trình suốt hơn 10 năm qua, phóng viên Báo SGGP đã có buổi tiếp xúc với đại diện các đơn vị doanh nghiệp, bệnh viện và mạnh thường quân để trao đổi, lắng nghe ý kiến đánh giá về hiệu quả cũng như đề xuất cho sự phát triển của quỹ học bổng trong thời gian tới…
Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, Huỳnh Thị Thanh Thủy: Tôi rất vui mừng trước thành quả mà quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng đã mang lại. Hơn 10 năm qua, nhờ có nguồn quỹ này mà rất nhiều bác sĩ trẻ tình nguyện ở các vùng sâu, vùng xa; hàng trăm sinh viên y dược và các nữ hộ sinh thôn bản có hoàn cảnh khó khăn được tiếp sức để có đủ điều kiện công tác, học tập phát huy khả năng của mình sau khi ra trường giúp ích cho cộng đồng.
Bệnh viện Từ Dũ tự hào vì đã gắn bó với chương trình đậm tính nhân văn và ý nghĩa xã hội này ngay từ buổi đầu hình thành cho đến hôm nay. Trước khi thực hiện việc quản lý tự thu tự chi theo Nghị định 43 (của Chính phủ về tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập) để có nguồn kinh phí xây dựng quỹ học bổng, ban lãnh đạo bệnh viện đã vận động cán bộ, nhân viên tự nguyện đóng góp mỗi người một ngày lương. Sau khi áp dụng cơ chế mới, bệnh viện đã tạo quỹ phúc lợi xã hội dành riêng cho chương trình này với mức đóng góp tăng dần theo từng năm. Chúng tôi không mong muốn gì hơn là các sinh viên ngành y được nhận học bổng cao quý này sau khi tốt nghiệp sẽ trở thành những thầy thuốc đầy đủ tài đức, hết lòng phục vụ cho người bệnh và xem đó như một sự tri ân đối với những người đã giúp đỡ mình.
Bà quả phụ Tạ Trung Quấc - Mạnh thường quân của chương trình :Ngay từ đầu khi tham gia ủng hộ cho quỹ học bổng, gia đình tôi đã xác định rằng giúp các cháu sinh viên chính là giúp một phần công sức cho việc vun bồi nhân tài của đất nước. Sau khi bác sĩ Tạ Trung Quấc qua đời, tôi và các con, cháu đã cố gắng hết sức để thực hiện tâm nguyện lớn lao của ông và cũng là để thể hiện sự kính trọng trước tài năng, đạo đức của cố bác sĩ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Văn Hưởng. Ngoài việc đỡ đầu cho 20 cháu là sinh viên thuộc diện được nhận học bổng tại TPHCM theo thỏa thuận với Báo SGGP và ban quản lý quỹ, hiện tại gia đình đang hỗ trợ cho hơn 40 cháu sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi tại 14 tỉnh thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hàng năm, tùy theo điều kiện thực tế, chúng tôi đều tổ chức họp mặt các cháu sinh viên ngay tại nhà mình để nghe các cháu báo cáo kết quả, thành tích học tập, công tác; bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đồng thời tạo mối quan hệ tình cảm gắn bó giữa gia đình với các bạn trẻ. Tôi chỉ có lời nhắn nhủ dành cho các cháu sinh viên nhận học bổng là phải luôn cố gắng hết sức trong học tập để sau này giúp ích cho xã hội, cho đất nước.
Bà Nguyễn Kim Sâm – Thành viên Hội đồng quản lý quỹ học bổng: Lúc sinh thời, chồng tôi, giáo sư Nguyễn Viết Tựu, rất khâm phục trước ý tưởng và hành động của cố bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng trong việc xây dựng quỹ học bổng ý nghĩa này. Sau khi nhà tôi tạ thế, thực hiện mong muốn của ông, ngoài 20 triệu đồng đóng góp ban đầu, mỗi năm tôi đều trích lương hưu và các khoản thu nhập khác ủng hộ quỹ. Là thành viên Hội đồng quản lý quỹ học bổng, tôi rất phấn khởi trước những kết quả mà học bổng đã mang lại. Sự tồn tại và phát triển suốt mười mấy năm của quỹ đã cho thấy tấm lòng, trách nhiệm và sự cố gắng rất lớn của Báo SGGP cùng các nhà tài trợ. Ngoài việc mong muốn các cháu sinh viên nhận học bổng học tập tốt, ra trường có việc làm ổn định, tôi cũng rất mong quỹ học bổng ngày càng phát triển. Để làm được điều này, Báo SGGP cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền với nhiều hình thức sinh động, phong phú nhằm thu hút nhiều hơn nữa sự tham gia góp sức của các đơn vị, cá nhân, nhà hảo tâm khắp mọi nơi. Khi nguồn ngân sách của quỹ tăng thêm, sẽ có thêm nhiều sinh viên y dược khó khăn được giúp đỡ.
MAI NGUYỄN
>> Học bổng Nguyễn Văn Hưởng 2011: Gặp gỡ những sinh viên vượt khó