Nhà thơ Nguyễn Phong Việt: Tác giả Việt yếu tiếp thị sách

Đi qua thương nhớ và Từ yêu đến thương của tác giả Nguyễn Phong Việt (ảnh) là hiện tượng thơ hiếm hoi mà văn đàn Việt Nam ghi nhận. Thơ anh không chỉ trở thành hiện tượng trên mạng xã hội mà còn là hiện tượng xuất bản vài năm gần đây với lượng in lên đến hàng vạn bản cho mỗi tập thơ.
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt: Tác giả Việt yếu tiếp thị sách

Đi qua thương nhớ và Từ yêu đến thương của tác giả Nguyễn Phong Việt (ảnh) là hiện tượng thơ hiếm hoi mà văn đàn Việt Nam ghi nhận. Thơ anh không chỉ trở thành hiện tượng trên mạng xã hội mà còn là hiện tượng xuất bản vài năm gần đây với lượng in lên đến hàng vạn bản cho mỗi tập thơ.

° PV: Giữa những bộn bề thơ in ra chỉ để tặng, thơ anh liên tiếp trở thành hiện tượng xuất bản, hẳn anh đã từng tự lý giải về sự thành công này của mình?

° Nhà thơ Nguyễn Phong Việt: Có thể do may mắn, những cảm xúc trên những trang viết ấy bằng cách này hay cách khác đã chạm đến cảm xúc của người đọc và họ yêu thích nó. Sự lan tỏa của mạng xã hội trong suốt nhiều năm qua cũng là chiếc cầu nối giúp cho thơ Nguyễn Phong Việt đến gần với mọi người hơn theo cách nhanh nhất có thể. Cách thể hiện cảm xúc của tôi qua câu chữ cũng theo kiểu tự sự, thủ thỉ khác với cách viết truyền thống trước đây. Và cũng có một phần tôi biết cách PR những cuốn sách của mình khi phát hành ra thị trường, giúp sách có số lượng bán ra nhiều hơn mức mình dự đoán.

° Theo anh, ở thời điểm hiện tại, yếu tố nào khiến độc giả móc túi ra mua một tập thơ?

° Tôi nghĩ, dù có PR giỏi đến  mấy mà sản phẩm đến tay người đọc không như họ mong muốn ở khía cạnh chất lượng thì sớm hay muộn cũng sẽ gây ra những thiệt hại rất lớn cho tác giả. Mọi thứ theo tôi là sự cộng hưởng. Ông bà mình vẫn nói “Có bột mới gột nên hồ”, và đó vẫn là thứ chân lý bao nhiêu năm qua. Đã qua rồi cái thời “hữu xạ tự nhiên hương”, bất kỳ sản phẩm nào dù tốt đến mấy mà không quảng bá tốt thì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến số lượng bán ra. Một cuốn sách, suy cho cùng cũng là một sản phẩm tiêu dùng, mặc dù giá trị về mặt tinh thần của nó thật sự rất lớn và đôi khi không thể mang ra so sánh được với các sản phẩm khác. Cuốn sách Đi qua thương nhớ của tôi được làm với tinh thần là niềm vui và một món quà dành cho những độc giả đã yêu quý những gì tôi viết ra trong suốt những năm qua. Còn Từ yêu đến thương, thì bên cạnh niềm vui còn là một thứ trách nhiệm với bản thân và độc giả. Có những điều nghĩ ra mà không viết tôi sẽ thấy rất khó chịu, viết xong nếu không chia sẻ với mọi người thì sẽ là cảm giác mình ích kỷ với cảm xúc của bản thân.

° Từ hiện tượng của Nguyễn Phong Việt với Đi qua thương nhớ, Từ yêu đến thương mà bảo người làm thơ đã có thể sống bằng thơ thì quả là hơi lạc quan. Điều gì đã trì níu và đưa thơ trở thành thứ để tặng là chủ yếu như hiện nay, theo quan điểm của một người viết trẻ như anh?

° Thật ra không chỉ thơ, tôi nghĩ tại Việt Nam, hiện nay số lượng người có thể sống bằng việc viết sách chắc chỉ đếm không quá 10 đầu ngón tay. Còn thơ trong tâm lý mọi người chỉ là một món quà tặng (như không ít tác giả in thơ chỉ để tặng bạn bè mà không bán ra thị trường hoặc bán nhưng không được với số lượng lớn), có thể xuất phát điểm ban đầu từ suy nghĩ của người viết. Có thể những người viết đã nâng niu và trân trọng những gì mình viết ra rất nhiều và với họ việc phải làm PR hay gì gì đó để quảng bá tên tuổi và tác phẩm của mình đến với mọi người dễ khiến cho người khác đánh giá mình là kiểu “con buôn”. Ngoài ra, từ góc độ một người làm báo và truyền thông tôi cũng thấy hầu hết các tác giả hiện nay ở Việt Nam rất yếu trong khâu tiếp thị sách của mình.

° Sự thành công ở mức hiện tượng của Đi qua thương nhớ, Từ yêu đến thương có tạo nên “gánh nặng” cho chặng đường sáng tác từ đây về sau của anh?

° Nói gánh nặng thì hơi quá nhưng tôi nghĩ mình càng lúc càng có trách nhiệm với trang viết của mình hơn. Sự so sánh của độc giả qua từng tác phẩm của cùng một tác giả là điều không thể tránh được. Hiện tại tôi đang bắt tay vào viết cuốn sách thứ 3 của mình có tựa Sinh ra để cô đơn, dự kiến phát hành vào dịp Giáng sinh 2014. Tôi không nghĩ mình viết về yêu thương đã đủ nhưng sau Đi qua thương nhớ và Từ yêu đến thương, tôi muốn độc giả của mình có thêm những góc nhìn khác về cuộc sống thông qua những trang viết của tôi. Và nỗi cô đơn của con người là thứ gần như hiện diện mỗi ngày trong tiềm thức. Chỉ hy vọng là tôi có thể nhìn thấy được những điều mà người khác cũng nhìn thấy nhưng chưa ai gọi tên ra được cảm xúc ấy.

° Không ít người từng “gục ngã” trong hào quang của chính mình. Anh có lo ngại điều đó?

° Tôi có may mắn xuất phát điểm của nghề mưu sinh là viết báo và bây giờ vẫn vậy. Trong hơn 10 năm làm nghề, tôi đã đi, đã gặp và chứng kiến không biết bao nhiêu người có tài năng nhưng cuối cùng lại “gục ngã” trong hào quang của bản thân, đó cũng là một thứ trải nghiệm không dễ gì có được. Tuy nhiên, tôi không nghĩ là mình đang thật sự có “hào quang” gì đó để rồi phải “gục ngã” trong đó. Sáng tác vẫn là thứ niềm vui hàng ngày của tôi, là một thứ duyên may trời cho và đến một lúc nào đó tôi không sáng tác được nữa thì đó là lẽ bình thường của cuộc sống. Sáng tác là thứ tôi không cầu mà được! Nên nếu nói điều tôi lo ngại nhất chắc chỉ là mình có đủ sức khỏe để mỗi ngày được nhìn thấy bình minh theo cách bình thường nhất.

KHẮC THI (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục