Kết thúc năm 2012, nhà thơ Phan Hoàng (ảnh) nhận giải 3 cuộc thi “Đây biển Việt Nam” do Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và báo VietNamNet tổ chức. Cuối năm, anh được Hội Nhà văn TPHCM quyết định trao giải thưởng thường niên chính thức duy nhất cho tập thơ “Chất vấn thói quen” vốn được dư luận văn học chú ý trong năm qua. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Phan Hoàng…
CTV: Cảm nhận của anh về Giải thưởng VHNT TPHCM 5 năm vừa qua?
Phan Hoàng: Đây là việc làm cần thiết đối với một trung tâm văn hóa lớn như TPHCM. Không chỉ có tính tổng kết 5 năm, mà giải thưởng còn là nguồn động viên sáng tạo đối với văn nghệ sĩ. Điều quan trọng là làm sao duy trì thường xuyên và cần có sự công tâm cao nhất khi trao giải cho các tác phẩm xứng đáng. Không chỉ chờ tác giả gửi tác phẩm tham dự, mà ban tổ chức và các hội chuyên ngành nên chăng chủ động tìm kiếm và đề cử những tác phẩm thật sự xuất sắc của thành phố. Khi tác phẩm có tính chất đại diện cao, tiêu biểu ắt sẽ có tác dụng lớn thúc đẩy phong trào sáng tác.
* Đã ba năm rồi Hội Nhà văn TPHCM mới trao giải thưởng chính thức cho một tập thơ với sự đồng thuận cao. Vì lý do nào hồi đầu năm tập thơ “Chất vấn thói quen” của anh lại ra mắt ở Hà Nội mà không phải là tại TPHCM?
* Sau tròn 10 năm kể từ tập thơ thứ 2 là Hộp đen báo bão, tôi mới xuất bản tập Chất vấn thói quen nhờ hai bạn thơ Nguyễn Quang Thiều và Nguyễn Quyến mang về in ở Hà Nội. Nhân dịp tôi ra Bắc tham dự Liên hoan Thơ quốc tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất hồi đầu năm 2012, các anh ấy đã tổ chức ra mắt sách và tôi ngẫu nhiên trở thành người “xông đất” văn học thủ đô. Nghĩa cử của tình bạn thơ làm tôi xúc động.
* Hẳn anh đã có dự định về thơ trong năm mới 2013?
* Mỗi chuyến đi mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm bổ ích. Nhờ những chuyến đi ấy, đặc biệt là hành trình đầy ấn tượng ở Trường Sa vừa qua cùng các văn nghệ sĩ TPHCM đã giúp tôi sắp hoàn thành tập thơ mới Bước gió truyền kỳ nói về hành trình dựng và giữ nước của dòng giống Lạc Hồng.
Ở bất kỳ thời điểm nào, thành phố này cũng sản sinh và hội tụ nhiều tay viết trẻ tài năng, tâm huyết từ nhiều nguồn khác nhau. Những năm qua đội ngũ viết văn trẻ của thành phố ngày càng lớn mạnh, họ vừa có nền tảng văn hóa tri thức của thời hội nhập lại vừa có tình yêu, bản lĩnh văn chương. Có điều không phải lúc nào xã hội cũng có cách nhìn đúng đắn và công bằng đối với tác phẩm của các nhà văn trẻ. Tất nhiên, thời gian sẽ là thước đo kiểm chứng giá trị tác phẩm của họ. Không hiểu sao tôi luôn tin rằng mai sau có thể nhiều thứ của giai đoạn này mất đi, nhưng sẽ có những tác phẩm văn học, trong đó có văn trẻ vẫn còn hiện diện mãi trong đời sống văn hóa tinh thần.
* Cảm ơn anh!
Trần Huy Minh Phương (thực hiện)