Nhà thơ Trần Hữu Dũng: Mơ ước được mở rộng tầm nhìn

Nhà thơ Trần Hữu Dũng: Mơ ước được mở rộng tầm nhìn

Sau khi bài viết Cần xây dựng một trung tâm dịch thuật đăng tải trên Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 20-8-2011, chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi tích cực về việc quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới. Trong bài viết này có đề cập tới tập thơ song ngữ Lúc 0 giờ (NXB Hội Nhà văn) của nhà thơ Trần Hữu Dũng vừa ấn hành, như một cách tự giới thiệu thơ Việt với bạn đọc nước ngoài. Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc chuyện trò với nhà thơ.

Nhà thơ Trần Hữu Dũng

Nhà thơ Trần Hữu Dũng

- PV: Tập thơ Lúc 0 giờ khá thú vị của anh vừa ra mắt bằng hai thứ tiếng Việt - Anh. Việc xuất bản thơ song ngữ là một nhu cầu tự thân hay vì lý do nào khác?

Nhà thơ TRẦN HỮU DŨNG: Năm 2009 Hội Nhà văn Việt Nam đề cử nhà thơ Nguyễn Trọng Tín và tôi dự Liên hoan Thi ca quốc tế ở Kolkata, Ấn Độ. Lúc đó tôi nhờ chị Lý Lan, ông Joe Duemer, anh Phạm Viêm Phương dịch một số bài thơ của mình sang tiếng Anh để giao lưu với các nhà thơ các nước khác tại hội nghị.

Chuyến đi đó tôi về làm được 8 bài thơ về đất nước Ấn Độ, có nhờ anh Nguyễn Tiến Văn dịch sang Anh ngữ để chuyển cho nhà thơ Hàm Anh, là tùy viên văn hóa tại Đại sự quán VN tại Ấn Độ và Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Ấn Độ xem. Lúc soạn bản thảo tập thơ Lúc 0 giờ gồm 58 bài, tôi nhờ anh Nguyễn Tiến Văn dịch tiếp để có chính thức tập thơ song ngữ Việt - Anh.

- Đã có một vài nhà thơ như anh tự xuất bản thơ song ngữ. Trước yêu cầu hội nhập văn hóa với thế giới, theo anh tại TPHCM có cần thiết thành lập một trung tâm dịch thuật để quảng bá văn học ra nước ngoài? 

Các trường đại học có chuyên ngành văn chương, văn hóa ở Mỹ, Pháp, Anh, Nhật, Singapore… đều có ban dịch thuật, nhà xuất bản nội bộ để phổ biến, cập nhật các dòng văn học trên thế giới giúp cho sinh viên học tập, nghiên cứu và làm rất tốt công việc này. Tôi từng xem những ấn phẩm trang nhã, nội dung rất mới về các dòng văn học các châu lục mà mơ ước ở Việt Nam có những cuốn như thế để mình được mở rộng tầm nhìn.

Trước yêu cầu hội nhập với thế giới, theo tôi nghĩ tại các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TPHCM… cần thành lập ban dịch thuật, in ấn tác phẩm để quảng bá văn học, mỹ thuật, âm nhạc, kịch nghệ ra các nước và ngược lại từ thế giới vào Việt Nam. Có lẽ đầu mối là các trường đại học, các Hội Nhà văn, Hội Mỹ thuật, Hội Âm nhạc, Hội Sân khấu ở các thành phố lớn là thiết thực hơn, vì họ chuyên nghiệp và hiểu sâu về lĩnh vực mà họ đang tham gia hoạt động, hơn là lập một trung tâm dịch thuật ôm đồm nhiều thứ mà kém hiệu quả và tốn quá nhiều ngân sách nhà nước.

- Tìm tòi khám phá, anh vẫn giữ được chất giọng của một nhà thơ sinh trưởng từ miệt vườn Nam bộ. Qua đó có thể thấy nền tảng văn hóa đóng vai trò quan trọng trên hành trình sáng tạo nghệ thuật của mỗi người. Trong cái vốn văn hoá gốc miệt vườn của mình, những vấn đề cơ bản nào luôn chi phối tâm cảm anh?

Tâm cảnh là con người đồng bằng miền Tây, miệt vườn cây trái, chín con sông như chín con rồng bay lượn trong giấc mơ luôn chi phối đời sống mình dù tôi hiện là cư dân đô thị ồn ào, sôi động, chuyển biến từng ngày, đông dân nhất Đông Nam Á là TPHCM.

- Trong thơ, anh “học cách sống lúc 0 giờ”, còn ngoài đời thực của anh thì sao?

Ngoài đời thực tôi cố gắng thực hiện “Bốn điều răn cho chính mình” trong tập thơ Lúc 0 giờ như: …Ngồi một mình suy tưởng lòng nhân ái… Viết giữ khoảng lặng trắng giữa các từ. Đón nhận mùi hương tinh khiết thoát ra từ nó và nghe gió ru bất cứ lúc nào.

- Lịch sử văn học Việt Nam và thế giới cho thấy nhiều cây bút xuất thân từ khoa học tự nhiên đã đạt thành tựu trong văn chương. Điển hình nhất là nhà thơ lớn Huy Cận xuất thân từ kỹ sư canh nông. Anh vốn cũng là kỹ sư trồng trọt, một chuyên gia về lai tạo giống lúa mới. Anh thấy giữa lai tạo giống lúa với sáng tác thơ có gì khác biệt? Và nếu có kiếp sau, anh chọn nghề nào?

Tchékov là bác sĩ, Rimbaud là tay buôn lậu vũ khí, Cao Bá Quát là người nổi loạn… Dấu ấn nghề nghiệp luôn ám ảnh, trở đi trở lại trong các trang viết của họ. Tôi không tin mình có kiếp sau đầu thai trở lại làm người nên chỉ biết có cuộc sống hiện tại, ở đây và ngay lúc này, một triết lý nhà Phật mà tôi rất thích!

- Gắn bó với từng hơi thở nhịp sống Sài Gòn, anh cảm nhận ra sao về sự thay đổi về đời sống văn hóa của thành phố trong thập niên đầu thế kỷ XXI so với trước, trong đó có đời sống thi ca?

Trong tờ New York Times gần đây, Neal Gabler cho rằng chúng ta đang sống trong thế giới hậu ý tưởng, các ý tưởng lớn mà không lập tức sinh lời sẽ ít có giá trị, không ai theo đuổi và phát tán chúng. Rồi Neal cho rằng các tiến bộ về công nghệ, nhất là internet làm chúng ta ít tư duy hơn mà có xu hướng quay đầu tin nhiều hơn, giống như thời Trung cổ. Thế giới có cả núi thông tin, không có gì chúng ta không biết, mà chẳng có mấy ai suy nghĩ về những gì chúng ta biết. Nhịp sống Sài Gòn chúng ta cũng thế, thay đổi từng ngày, đời sống thi ca cũng quay cuồng theo.

Theo tôi thi ca, âm nhạc, mỹ thuật, kịch nghệ… giúp mọi người sống chậm lại, tĩnh lặng ngồi bình yên trong ngôi nhà riêng của mình, nghe lại nhịp thở, vị ngọt hạnh phúc, cái đắng cay cuộc mưu sinh, chịu khó suy nghĩ về những điều chúng ta biết, từng trải trong đời sống nhộn nhịp, hiện đại của đô thị.

Phan Hoàng thực hiện

Tin cùng chuyên mục