

Đó là ngôi nhà thuộc xã Song Hựu, Cần Đước, Long An có hơn 100 cây cột với các loại gỗ tốt như cẩm lai, mun, gõ đỏ…, khuôn viên 882m2, được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX. Vợ ông Trần Văn Ngộ (cháu dâu hai đời của ông Trần Văn Hoa – người xây cất ngôi nhà) cho biết: “Nhà xây theo lối cung đình Huế, có khoảng 120 cột nhưng gọi gọn là nhà trăm cột. Điểm đặc sắc của ngôi nhà là kỹ thuật chạm điêu luyện với các kiểu: chạm lông, chạm nổi, chạm bong kênh… Đặc biệt, với họa tiết trên trần nhà, các điêu khắc gia phải treo mình lơ lửng để khắc họa.
Được biết, khi xây, ông Trần Văn Hoa phải cất công ra tận xứ Huế mời thợ vào Long An để hoàn thành ngôi nhà trong vòng ba năm (1901 - 1903). Nhà tồn tại khá vững chãi, trải qua hai cuộc chiến tranh vẫn còn trụ lại đến ngày nay và được Bộ Văn hóa chứng nhận là Di tích văn hóa năm 1999.
QUẢNG SƠN
Nữ thương binh giành giải A tấu vè
Nhà chị Hồ Thị Thanh Hòa (ảnh), người phụ nữ Huế vừa giành giải A “Cuộc vận động sáng tác tiểu phẩm sân khấu, tấu, chặp cải lương, tuyên truyền, biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc thành phố Hồ Chí Minh” lần thứ nhất năm 2007 với bài tấu “Tôi làm quan dân phố”, ở tổ 12, KV4, phường Kim Long, TP Huế. Hỏi chuyện, hóa ra chị là một thương binh hạng 1/4, hạng có chế độ người nuôi dưỡng.

Năm 1970, mới 15 tuổi, cô gái xinh đẹp Hồ Thị Thanh Hòa vừa học hết cấp 2 đã trốn mẹ đi bộ đội. Nhờ có gương mặt khả ái, lại có giọng hát trời cho, Hồ Thị Thanh Hòa được Binh đoàn 559 cho đi học một lớp Văn nghệ xung kích do Bộ Tư lệnh binh đoàn mở. Học xong, Hòa đi suốt Trường Sơn, hát, múa, làm thơ rồi ngâm thơ phục vụ bộ đội trên tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử ba năm ròng. Chị đã được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng ba, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng 3…
Sau giải phóng, chị Hòa lấy chồng, có 3 đứa con, một gái, hai trai. Tần tảo, lần hồi, Thanh Hòa cũng nuôi được 3 con khôn lớn, ăn học nên người.
Thanh Hòa không chỉ giành giải A về tấu vè năm nay mà năm ngoái chị đã giành giải 3 với bài tấu Nhất nhất; năm 2005, giải A tiểu phẩm hài “Nữ quái”, cũng do Trung tâm Văn hóa quận 1, TP Hồ Chí Minh trao. Hiện chị sinh hoạt trong Đội văn nghệ xung kích của Cựu Chiến binh Thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên - Huế.
NGÔ MINH
Trạm hoa tiêu dân lập
Do tác động bất thường của thủy triều nên cửa biển Đà Rằng (phường 6, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) thay đổi hướng dòng chảy rất phức tạp. Tàu thuyền đánh bắt xa bờ của ngư dân trong vùng do không thể định được hướng ra vào cửa biển nên thường bị mắc cạn.
Để khắc phục vấn nạn này, bà con ngư dân đã tự lập trạm hoa tiêu có trang bị máy bộ đàm và tổ trực là 4 lão ngư giàu kinh nghiệm. Khi tàu thuyền sắp ra vào cửa biển, chủ thuyền gọi đến trạm hỏi về thủy triều và hướng dòng chảy, các thành viên trong tổ trực sẽ dùng bộ đàm thông báo tin tức. Nhờ vậy, các chủ phương tiện cho tàu vào hay xuất bến đều chạy đúng luồng lạch và không bị mắc cạn.
Ông Lê Thông, một ngư dân địa phương, cho biết: “Năm 2006, tại cửa này có 5 chiếc tàu mắc cạn bị sóng đánh tấp vào bãi bồi, chiếc thiệt hại thấp nhất cũng mất đứt 50 triệu đồng. Nhiều tàu đi đánh bắt về, nằm chờ lâu ngoài cửa nên chất lượng cá giảm xuống, thất thu nhiều. Bây giờ có trạm hướng dẫn này rồi, bà con phấn khởi lắm!”.
Được biết, mỗi tàu thuyền ra vào cửa biển Đà Rằng góp 50.000 đồng/năm để mua sắm thiết bị cho trạm hoạt động, còn lại trích ra một ít bồi dưỡng cho 4 lão ngư đang ngày đêm canh trực luồng lạch.
HOÀNG CHƯƠNG
Bắp chuối được giá
Những năm trở lại đây, nông dân Hậu Giang không còn bẻ bỏ hoặc cho không những bắp chuối đã trổ buồng như trước đây mà gọi thương lái đến tận nhà vườn để thu mua, chở đi TPHCM. Theo báo cáo của địa phương, tỉnh Hậu Giang có khoảng 30 vựa thu mua bắp chuối, riêng huyện Phụng Hiệp có 7 điểm thu mua, mỗi vựa có chừng 20 – 25 mối, hàng ngày cho ghe máy đi các nơi để thu mua.
Hiện nay, mỗi bắp chuối giá từ 1.400 – 1.800 đồng mà không đủ cung ứng cho giới tiêu thụ. Bà Trần Thị Khuỷnh, xã Long Thạnh (Phụng Hiệp- Hậu Giang), chủ một vựa thu mua bắp chuối, cho biết mỗi đêm có khoảng 30 – 40 xe tải chở bắp chuối đi TPHCM.
Từ ngày có đầu ra, bắp chuối đã tạo công ăn việc làm cho nhiều bà con.
HOÀNG LỘC
(9/7 Bùi Hữu Nghĩa, Bình Thủy, Cần Thơ)
Lọp tép vào mùa
Hiện nay, nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng ở ĐBSCL như đan lờ, đan lợp, đan lưới (Cần Thơ); làm lưỡi câu (An Giang); đóng xuồng ghe (Đồng Tháp)... đang vào mùa, nhộn nhịp cả đêm lẫn ngày để chuẩn bị cho các tay đánh bắt thủy sản khi mùa lũ sắp về. Tại khu vực Thới Mỹ, phường Thới Long, quận Ô Môn có trên 200 hộ chuyên làm lọp tép (ảnh) để phục vụ việc đánh cá mùa nước nổi.
Ông Cao Thanh Mỹ, một trong những hộ làm lọp tép lâu năm ở phường Thới Long, quận Ô Môn, cho biết: “Hàng năm, làng nghề làm lọp tép vào mùa cao điểm từ tháng 3 đến tháng 9 (Âm lịch). Gia đình tôi có 5 người, trung bình mỗi tháng sản xuất trên 4.000 – 5.000 cái lọp tép, còn những tháng nước lên gia đình phải tranh thủ làm cả ban đêm mới đủ đáp ứng cho khách hàng. Đầu vụ, giá lọp tép dao động từ 9.000 - 10.000 đồng/cái, tăng 1.500 - 2.000 đồng/cái so với cùng kỳ, trừ hết chi phí lời trung bình từ 3.000 – 4.000 đồng/cái”. Nhiều người làm lọp tép dự đoán: sắp tới giá lọp tép còn có thể tăng cao.
LÊ PHƯƠNG CHĂM
“Guinness” điện quá tải ở Quảng Nam
Chợ Điện Ngọc thuộc xã Điện Ngọc - Điện Bàn - Quảng Nam vào buổi sáng rất đông, việc buôn bán lấn cả ra tỉnh lộ ĐT603, đáng cảnh báo hơn là việc sử dụng điện quá tải ở đây. Dây điện như mạng nhện dọc ngang trong chợ, đi đụng đầu; dây và thiết bị điện còn vắt vẻo trên các lều quán tạm bợ bằng vải dầu, bao ni lông, tre, tôn, ván; mối nối nhiều chỗ bị hở; cột điện quá tải với hàng chục đồng hồ điện (ảnh)… đe dọa những mối nguy hiểm khôn lường.
Rất mong Ban quản lý chợ cùng ngành chức năng sớm có hướng khắc phục tình trạng sử dụng điện nguy hiểm này, nhất là trong mùa khô – mùa dễ gây cháy nổ - đặc biệt là khi chợ chưa trang bị hệ thống chữa cháy.
NGUYỄN VĂN TÚ