Buổi họp phụ huynh học sinh đầu năm tại Trường Mầm non A.Đ. (quận Gò Vấp, TPHCM) để lại ấn tượng mạnh trong lòng phụ huynh không phải là mấy danh hiệu trường chuẩn quốc gia hay đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục mà là sự thân thiện, nhiệt tình của ban giám hiệu.
Bởi hiếm có nơi nào cả ba thành viên trong ban giám hiệu đều công khai số điện thoại và địa chỉ mail cá nhân trước toàn thể phụ huynh. Không chỉ có vậy, các số điện thoại và mail này còn được đánh máy, niêm yết công khai dán ở cuối bảng nội quy của nhà trường để trong suốt năm học, phụ huynh nào có thắc mắc hay khiếu nại gì có thể liên hệ trực tiếp với từng thành viên trong ban giám hiệu.
Một trường hợp khác, một nhóm phụ huynh Trường Tiểu học T.Q. (quận 3, TPHCM) đang chuyền tai nhau câu chuyện “cửa phòng cô hiệu trưởng”. Nếu như ở nhiều nơi khác, phòng hiệu trưởng quanh năm cửa đóng then cài do sử dụng máy lạnh và thường xuyên phải tiếp khách thì phòng hiệu trưởng ở trường này luôn mở cửa. Có việc đến liên hệ mới thấy cô hiệu trưởng không sử dụng máy lạnh mà chỉ bật quạt máy, phòng lúc nào cũng có giáo viên hoặc phụ huynh đến liên hệ, trao đổi công việc.
Nhiều hôm, phụ huynh còn đem cả “quà quê” gồm mấy thứ bánh trái, đồ thủ công mỹ nghệ đến gởi tặng cô. Có người khi đưa con đến trường vào buổi sáng đã ngạc nhiên nhìn thấy cô đứng ở cổng trường, hỏi han người này, quan sát bước chạy vào lớp của học sinh nọ. Khi được hỏi về kinh nghiệm quản lý, cô cười hiền chia sẻ, làm hiệu trưởng không phải làm dâu trăm họ mà là dâu... ngàn họ. Phụ huynh có người hiểu mình, có người chưa. Vì vậy nếu họ có nổi nóng hay phàn nàn việc gì cũng là vì đã kỳ vọng quá lớn vào nhà trường. Chỉ cần bản thân người hiệu trưởng luôn giữ được bình tĩnh, đối xử với phụ huynh chân tình thì mọi hiểu lầm đều được hóa giải.
Trong khi đó ở nhiều nơi khác, phụ huynh đi họp quanh năm không có cơ hội “diện kiến” thầy/cô hiệu trưởng. Con học suốt 4 - 5 năm dưới một mái trường nhưng khi có việc, ngoài số điện thoại của giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh không biết liên hệ với ai. Nếu có hỏi xin được số của hiệu trưởng thì đầu dây bên kia cũng thường xuyên báo tín hiệu chủ nhân không bắt máy. Do đó mới có chuyện một vị nguyên là lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM phàn nàn, mỗi khi có khó khăn, thắc mắc, phụ huynh thường không phản ánh trực tiếp với ban giám hiệu mà viết đơn kiện cáo lên các cơ quan chức năng dù biết đó là hành vi “vượt cấp”. Khi các cơ quan quản lý vào cuộc giải quyết mới tá hỏa vì hiệu trưởng “không biết, không nghe, không thấy” sự việc do phụ huynh phản ánh.
Thế mới biết hiệu trưởng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hiệu quả và chất lượng giảng dạy của cả tập thể như thế nào. Tiếc là hiện nay không có nhiều cán bộ quản lý gần gũi, sâu sát với từng phụ huynh khiến môi trường giáo dục đã xảy ra không ít sự việc đau lòng. Thiết nghĩ đã đến lúc ngành chức năng có thêm quy định trường học phải công khai số điện thoại của các thành viên trong ban giám hiệu để mục tiêu gắn kết giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục và định hình nhân cách cho học sinh.
NGUYỄN QUÂN