Sáng 15-10, tại trụ sở NXB Kim Đồng, chi nhánh TPHCM đã diễn ra cuộc tọa đàm về nhà văn Đoàn Giỏi nhân dịp NXB tái bản một loạt 8 tác phẩm của ông.
Là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam, một trong những người đầu tiên sáng tác cho văn học thiếu nhi, Nhà văn Đoàn Giỏi đã để lại một kho sáng tác lớn, đặc biệt là những sáng tác mang chủ đề về vùng đất Nam bộ mà giá trị của những tác phẩm đó vẫn còn cho đến ngày nay.
Người đem Nam bộ đến với thiếu nhi miền Bắc
Rất nhiều người gọi Đoàn Giỏi là cây đại thụ của văn học Việt Nam. Nhà thơ Cao Xuân Sơn lại có quan điểm khác, ông cho rằng để hình dung đúng nhất về tác giả của Đất rừng Phương Nam phải lấy hình ảnh cây đước Nam bộ. Cây đước giản dị, gần gũi nhưng lại ẩn chứa sức sống đầy mạnh mẽ mới là sự tái hiện gần nhất về văn chương và con người Đoàn Giỏi. Văn của Đoàn Giỏi cũng thế, giản dị, dễ đọc, dễ hiểu nhưng lại ẩn chứa những giá trị lớn về văn hóa Việt Nam. Nhà thơ Cao Xuân Sơn nhớ lại, với những đứa trẻ thế hệ cuối những năm 50 đầu 60 của thế kỷ trước ở miền Bắc, Nam bộ là vùng đất ai cũng nhắc đến nhưng chẳng mấy ai biết gì về nơi đó. Và với những đứa trẻ khi ấy, qua những tác phẩm Đất rừng phương Nam, Cá bống mú, Rừng cây xào xạc… mảnh đất Nam bộ bỗng hiện lên gần gũi, thân thuộc. Cũng giống như vậy, nhà văn Tô Hoàng nhớ lại cái thời của ông, Nam bộ xa xôi bỗng trở nên gần gũi hơn qua những trang viết của Đoàn Giỏi.
Nhà văn Đoàn Giỏi
Đạo diễn Vinh Sơn nhớ lại vào tháng 4-1975, ông cùng gia đình đang sống tại Phan Rang và ông tình cờ đọc tác phẩm Đất rừng phương Nam từ những người lính giải phóng. Ấn tượng về vùng đất đó tác động mạnh mẽ đến ông. Đến khi chuyển vào Đồng Tháp sinh sống, ông thấy mọi thứ rất quen thuộc, không có cảm giác lạ lẫm, nhất là lối sống phóng khoáng, tự do và chân chất của người dân Đồng Tháp dù ông là người Huế vốn có cách sống khác biệt. Sau này, khi trở thành đạo diễn, một trong các dự án phim truyền hình đầu tiên ông tham dự chính là Đất phương Nam chuyển thể từ tiểu thuyết Đất rừng phương Nam. Theo đạo diễn Vinh Sơn, thực ra đây mới là dự án phim truyền hình đầu tiên của TFS nhưng do một số lý do khách quan nên phim ra sau Người đẹp Tây Đô. Đất phương Nam được xem là phim truyền hình thành công nhất của TFS cho đến tận ngày nay.
Không chỉ là một nhà văn lớn
Theo nhà văn Trần Quốc Toàn, thành viên tham dự soạn thảo sách giáo khoa văn học thì hiện nay đang có đề xuất đưa đoạn tả “Vườn chim” của Đoàn Giỏi vào sách giáo khoa vì đã tả cảnh, tạo từ rất đặc sắc. Nhà văn cũng nhấn mạnh rằng một thời gian dài đã có sự lãng quên về mặt nghiên cứu về trường hợp nhà văn Đoàn Giỏi, một hình ảnh trí thức, tư sản đi theo cách mạng một cách rất riêng, rất Nam bộ. Ngay cả vấn đề tác phẩm đầu tay thực sự của ông cũng cần phải nghiên cứu khi nhiều người nhầm lẫn ông chỉ bắt đầu viết khi đi theo cách mạng trong khi thực tế từ trước đó ông đã có tác phẩm viết dưới sự hỗ trợ của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Cũng nhắc về một Đoàn Giỏi sau trang viết, nhà văn Tô Hoàng nhớ lại lúc tham dự trường viết văn, đã được ông nhắn nhủ: “Hãy viết những gì hiểu tường tận mới ra được trang văn thật sự, đi vào lòng bạn đọc. Viết những cái mình chỉ hiểu lơ mơ sẽ chẳng thu hút được ai”.
Đạo diễn Vinh Sơn thì nhấn mạnh rằng vì nhiều lý do, bộ phim Đất phương Nam đã bị giảm bớt đi khoảng 10 tập, bỏ qua nhiều chi tiết, hình ảnh độc đáo. Hiện nay, đạo diễn đang khởi động lại dự án phim điện ảnh về Đất phương Nam với mong muốn phát huy trọn vẹn những giá trị sáng tác của Đoàn Giỏi.
Một điều khá lý thú khác là cách bạn đọc trẻ hôm nay tiếp cận tác phẩm của Đoàn Giỏi cũng có sự khác biệt. Nếu những năm 50-60, bạn đọc nhỏ tuổi thích thú với một vùng đất lạ lùng, bí ẩn và đầy hấp dẫn thì với bạn đọc hôm nay Nam bộ không còn là vùng đất bí ẩn nữa. Với họ, tác phẩm của Đoàn Giỏi ẩn chứa một cái nhìn độc đáo về thiên nhiên, sinh thái. Bạn Lâm Hoàng Phúc, sinh viên năm thứ nhất cho biết khi đọc văn Đoàn Giỏi đã cảm thụ tác phẩm dưới cái nhìn về sinh thái thời bấy giờ. Như đoạn miêu tả da cá sấu với những vấn đề từ sinh học đến khai thác kinh tế (Những chuyện lạ về cá). Hay như hình ảnh ông Hai bắt được con cá sấu, bé An nhận thấy rằng tự nhiên mạnh mẽ nhưng rồi sẽ bị con người chinh phục (Đất rừng phương Nam).
Nhà văn Trần Đức Tiến cũng đồng tình với phân tích này, ông cho rằng những tác phẩm của Đoàn Giỏi vẫn có sức sống được đến bây giờ chính là do cách mà tác giả miêu tả về thiên nhiên cùng những cảnh báo về những biến đổi của tự nhiên ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta.
|
TƯỜNG VY