Cầm trên tay tập truyện ngắn chọn lọc Về lại Gò Công của nhà văn lão thành Đoàn Minh Tuấn do NXB Thanh niên mới ấn hành, tôi bồi hồi xúc động. Ở tuổi 85, ông vẫn đi và viết với tinh thần trách nhiệm của một người cầm bút từ thời chiến đến thời bình.
Viết ít, viết ngắn mà cô đúc
Từ thời còn học tiểu học tôi đã biết đến tên tác giả Đoàn Minh Tuấn qua những đoạn văn ngắn trích từ tác phẩm Núi sông hùng vĩ in trong sách giáo khoa. Văn phong ông giản dị, mạch lạc, súc tích và dễ cảm, giúp bạn đọc tuổi thơ có thể hình dung vẻ đẹp của vùng đất Tổ ở Phong Châu để ước mơ một lần đặt chân đến: “Đền Thượng nằm chót vót trên đỉnh núi Nghĩa Cương. Trước đền, những khóm hải đường đâm bông rực đỏ, những cánh bướm nhiều màu sắc bay rập rờn như đang múa quạt xòe hoa trước sân. Lăng của các vua Hùng ẩn trong rừng cây xanh gần đền Thượng”. Đó là kết quả chuyến đi đầy cảm xúc của ông cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng lên thăm Đền Hùng ở Phú Thọ năm 1968.
Nhà văn Đoàn Minh Tuấn (bên trái) với nhà văn Nguyễn Tuân
Khi mới bước vào làng cầm bút, có lúc tôi nhầm lẫn ông với những Đoàn Minh Tuấn khác. Ít nhất có hai người trẻ hơn ông cùng có bút danh Đoàn Minh Tuấn nhưng chuyên làm thơ và làm phim, trong đó người trẻ nhất về sau đã bỏ bớt tên lót thành Đoàn Tuấn. Còn nhà văn lão thành Đoàn Minh Tuấn chỉ chuyên viết văn xuôi, thỉnh thoảng mới viết kịch bản phim.
Ông cũng là người có cơ duyên gần gũi nhiều nhà văn nổi tiếng thế hệ trước hoặc cùng thế hệ, như: Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Đoàn Giỏi, Nguyễn Quang Sáng… và lưu giữ nhiều ký ức độc đáo về họ, nhất là với nhà văn khó tính Nguyễn Tuân mà ông đã viết thành tác phẩm thú vị Với Bác Nguyễn tái bản đến 5 lần. Ông cũng là người gắn bó với nhà văn Đoàn Giỏi trong những ngày tháng cuối đời và tác giả Đất rừng phương Nam đã mãi mãi ra đi trong vòng tay của tác giả Núi sông hùng vĩ.
Nhà văn Đoàn Minh Tuấn sinh năm 1931 ở Tịnh Khê, nay thuộc Quảng Ngãi, học viên Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn từ năm 1950 ở Liên khu 5, tham gia hai cuộc kháng chiến cứu nước. Ông cũng tốt nghiệp văn khoa Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1961, vượt Trường Sơn vào Tây Nguyên làm phóng viên chiến trường. Trước khi về hưu, ông công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam (cơ quan thường trực phía Nam).
Đến nay, nhà văn Đoàn Minh Tuấn đã xuất bản hơn 15 tác phẩm và được trao một số giải thưởng văn học, tiêu biểu như: Thầy giáo vùng cao (truyện, năm 1958), Em đội viên mắt sáng (truyện - 1959), Núi sông hùng vĩ (ký - 1972), Trăm năm một thuở (ký- 1995), Những vì sao (truyện- 1996), Bác Hồ cây đại thọ (ký - 2001)… và mới nhất là tập truyện ngắn chọn lọc Về lại Gò Công.
Một đời văn hơn 60 năm cầm bút như vậy chưa phải đồ sộ, nhưng ông có cách tồn tại theo kiểu riêng mình: nhẩn nha, sống chậm, viết chậm, viết ít, viết ngắn nhưng mà chắc, cô đúc và dễ đi vào lòng người đọc.
Nét duyên thầm truyện lịch sử
Không kể đến những hồi ức với bạn văn mà nhà văn Đoàn Minh Tuấn đã tập hợp thành tập tiểu luận và chân dung văn học Khuôn mặt và tác phẩm xuất bản năm 2000, đời văn của ông có hai mảng đáng chú ý là truyện ký viết cho thiếu nhi và truyện lịch sử. Truyện lịch sử của ông có nét duyên thầm, vừa tựa vào sự kiện và nhân vật trung thực chính sử lại vừa thể hiện cách nhìn riêng tinh tế của một người từng trải, chiêm nghiệm và thể hiện những chi tiết sáng tạo bất ngờ.
Tác phẩm chọn lọc Về lại Gò Công của nhà văn Đoàn Minh Tuấn có 14 truyện ngắn, trong đó chỉ có 3 truyện lịch sử tưởng chừng điểm xuyết nhưng lại mang tinh thần chủ đạo của toàn tập. Đầu tiên là truyện ngắn Về lại Gò Công viết về anh hùng Trương Định. Vẫn là câu chuyện về một con người yêu dân yêu nước, chống lệnh triều đình, hy sinh vì nghĩa lớn. Vẫn là câu chuyện Bình Tây đại nguyên soái chiêu binh mãi mã, lập chiến khu chống giặc và gặp nạn bởi sự phản bội của viên tùy tướng Huỳnh Công Tấn. Tuy nhiên, nhà văn Đoàn Minh Tuấn đã khắc họa hình tượng Nàng Ba - Lê Thị Lập thông minh, mưu lược “phía sau màn trướng” của Trương Định như một cách lý giải cho thất bại của vị thủ lĩnh khởi nghĩa. Hình ảnh “Nàng Ba bất ngờ, đau thương đến tột độ, ôm xác Trương Định kêu gào thảm thiết: “Vì không nghe lời thiếp”…” trong truyện ám ảnh người đọc khôn nguôi.
Truyện ngắn lịch sử thứ hai là Ông tướng làng Tó viết về Ngô Thì Nhậm. Làng Tó tức làng Tả Thanh Oai bên bờ sông Nhuệ ở Hà Đông, nơi sinh trưởng một trong những nhân vật kiệt xuất nhất lịch sử nước ta. Chẳng những tái hiện bi kịch oan khuất “Ông Nhậm giết bốn người cha để làm quan Thị lang đó”, nỗi trăn trở trước vận nước, đêm ngày miệt mài trau dồi binh thư và tầm nhìn chiến lược của họ Ngô khi theo về đầu quân dưới trướng Bắc Bình vương Nguyễn Huệ, mà nhà văn Đoàn Minh Tuấn còn khéo léo dựng nên hình tượng hai nhân vật Hoàng Thị Yến và Cố Vinh tượng trưng cho sự thủy chung, trung nghĩa. Riêng bà Hoàng Thị Yến, vốn là con gái gia đình quan nghèo được tuyển vào phủ chúa Trịnh làm tỳ nữ rồi cải giá với Ngô Thì Nhậm. Bà là điểm tựa âm thầm vững chắc cho ông vượt qua bĩ cực, nghiền ngẫm đèn sách để cuối cùng làm nên “Nước cờ Tam Điệp” tinh thông, mưu lược lưu danh ngàn thu.
Với mạch cảm hứng, lặng lẽ tôn vinh trí tuệ và đức tính cao đẹp của người phụ nữ Việt, nhà văn Đoàn Minh Tuấn còn dựng nên truyện lịch sử cận đại Cẩm Thành năm Dậu. Cẩm Thành tức thành cổ Quảng Ngãi được xây thời nhà Nguyễn, đồng thời cũng là tên văn chương để chỉ cả vùng Quảng Ngãi, nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa bi hùng năm Ất Dậu - 1885 do thủ lĩnh Lê Trung Đình lãnh đạo. Nhà văn Đoàn Minh Tuấn còn dựng nên nhân vật nàng Út, cô thôn nữ xinh đẹp và tài năng đem lòng yêu thương người học trò của cha mình, một tình yêu mãnh liệt nhưng vẫn nằm trong khuôn phép của Nho gia. Đỉnh điểm của truyện là giờ phút nàng Út kìm nén đau thương vẫy tay vĩnh biệt Cử Đình trước pháp trường. Nước mắt không rơi trên gương mặt nhưng chắc chắn nước mắt tuôn chảy mãi mãi trong lòng nàng Út và bao người dân yêu quý, kính trọng vị thủ lĩnh hy sinh vì nghĩa lớn.
PHAN HOÀNG