Vốn là một điệp báo hoạt động đơn tuyến, Lê Trường Đại say mê sáng tác văn học nghệ thuật và trở thành nhà văn, họa sĩ trưởng thành ngay sau ngày đất nước thống nhất. Dấn thân hết mình và khiêm nhường trong sáng tác và cuộc đời, Lê Trường Đại đã lặng lẽ ra đi.
Lê Trường Đại sinh năm 1940 tại Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nông dân yêu nước. Năm 1954, cha ông tập kết ra Bắc, còn mẹ phải rời quê nhà đưa các con nhỏ vào Sài Gòn mưu sinh để tránh áp lực theo dõi bố ráp của chính quyền đương thời. Vừa đi học Lê Trường Đại vừa lăn lộn làm đủ thứ việc để phụ giúp người mẹ nghèo đơn thân nơi đất lạ. Thời thơ ấu gian khổ của ông đã được khắc họa qua lời của người mẹ trong tiểu thuyết mang tính tự truyện Sông vẫn chảy: “Mày sanh ra đã lăn lóc như con mồ côi chứ có nằm trên giường nệm êm ấm gì đâu. Bán báo dạo, bưng cháo bỏ mối từng nhà, bán chuối chiên ở các rạp hát, đánh giày…, làm đủ các nghề là lao động rồi còn gì hả con?” (tr.13).
Nối chí cha, Lê Trường Đại sớm dấn thân làm liên lạc cho cách mạng, hoạt động điệp báo đơn tuyến nội thành Sài Gòn. Công việc đòi hỏi ông không ngừng trau dồi kiến thức văn hóa và đời sống thực tế, rèn luyện bản lĩnh, có tư duy phán đoán độc lập. Sống và hoạt động giữa thành phố sôi động về báo chí và văn chương, Lê Trường Đại cũng bắt đầu cầm bút, làm thơ, viết truyện ngắn và kịch bản, cộng tác với các tờ báo có khuynh hướng yêu nước và tiến bộ, mà kết quả là tập truyện ngắn Những kẻ còn lại được hoàn thành năm 1974.
Sài Gòn giải phóng, Lê Trường Đại chuyển sang sáng tác chuyên nghiệp, trở thành hội viên sáng lập các hội chuyên ngành của TPHCM: nhà văn, điện ảnh, mỹ thuật. Ông còn ký các bút danh Quảng Trạch, Lê Trường, Vũ Xương và làm việc tại Hãng phim Giải phóng. Cảm hứng từ không khí hòa bình thống nhất đất nước, Lê Trường Đại không ngừng vác ba lô lên rừng xuống biển thâm nhập thực tế sáng tác ở những vùng sâu vùng xa của Nam bộ đang khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng đời sống mới. Nhờ chất liệu sống của thời kỳ khó khăn phức tạp này mà cuối đời ông đã viết nên tác phẩm thành công nhất của mình, đó là tiểu thuyết Sông vẫn chảy, đoạt giải Cuộc vận động Sáng tác văn học nghệ thuật hướng đến kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2015)…
Tiểu thuyết Sông vẫn chảy có nhân vật chính là Quảng Trọng, vốn là một điệp báo đơn tuyến ở nội thành Sài Gòn nhưng đã không được nhận bất cứ phần thưởng công trạng gì, bởi vì người chỉ huy trực tiếp đã qua đời ngay sau ngày đất nước thống nhất nên không ai có thể chứng nhận. Tuy nhiên, nhờ sự khuyên nhủ của người mẹ cả đời hy sinh vì chồng con để phụng sự cho hai cuộc kháng chiến mà Quảng Trọng đã nhẹ nhàng vượt qua nỗi đau, tiếp tục dấn thân vào con đường cách mạng bằng ngòi bút. Anh tiếp tục đối mặt với những kẻ thù nguy hiểm trong bóng tối, những hiện tượng ấu trĩ trong quản lý xã hội và cả những khó khăn về vật chất lẫn dằn vặt tình cảm riêng tư trong chính gia đình mình. Và trên hành trình thâm nhập thực tế đời sống mới để sáng tác ở Long Khánh, anh cũng đã gặp được những con người tốt đại diện cho nhiều thế hệ khác nhau.
Có thể nói nhờ độ lùi thời gian và kinh nghiệm sống, tiểu thuyết Sông vẫn chảy của nhà văn Lê Trường Đại là một trong những tác phẩm hay, thể hiện sống động bức tranh TPHCM và miền Nam giai đoạn sau ngày đất nước thống nhất. Đặc biệt, ông viết tiểu thuyết này trong giai đoạn đang phải chống chọi với căn bệnh ung thư, nó như tiếng nói tâm huyết cuối cùng của một nghệ sĩ gửi lại cho cuộc đời. Ở đó, có nỗi đau mất mát, có niềm vui sum họp, có sự phấn khích của người chiến thắng và có sự hận thù của kẻ chiến bại, có niềm tin xây dựng cuộc sống mới và có tư duy ấu trĩ giáo điều của những cái đầu hời hợt thiển cận. Một bức tranh hiện thực sống động sau ngày đất nước thống nhất, như lời tự tình của nhân vật Quảng Trọng: “Cuộc sống thật kỳ lạ. Nó như trang sách, muốn lật qua thì có cái lạ chưa từng biết, nhưng lật trở lại thì dù đã đọc rồi ta cũng vẫn thấy như chưa từng… Bởi mỗi lần tìm hiểu, đều có cái mới theo cảm nhận của sự nâng cấp từ lý trí…” (tr.192).
Ngoài viết truyện, Lê Trường Đại còn làm thơ, viết kịch bản phim và vẽ gần cả trăm bức tranh, trong đó có bức Nữ du kích Củ Chi bắn giặc lái từng được nhận giải thưởng năm 2010. Theo người bạn đời của ông là bà Lý Thị Hậu, ông còn một tập truyện vừa và một tập thơ đã hoàn thành nhưng chưa kịp xuất bản trước khi giã biệt cõi đời vào lúc 5 giờ 35 ngày 1-3-2017.
Nhà văn, họa sĩ Lê Trường Đại đã ra đi nhưng tinh thần dấn thân, đức tính khiêm nhường và một số tác phẩm của ông như "sông vẫn chảy” trong lòng tôi và những người yêu quý ông!
| |
HÙNG PHAN