Nhà văn Lê Thành Chơn: Viết cho mai sau

Tên tuổi Lê Thành Chơn từ lâu đã khá quen thuộc với bạn đọc nhất là những người yêu dòng văn học chiến tranh cách mạng. Xuất thân từ một người lính không quân nên ông là một trong những nhà văn viết nhiều, viết sâu về lực lượng phòng không - không quân Việt Nam trong những năm kháng chiến. Phóng viên Báo SGGP đã có dịp gặp gỡ, trao đổi với ông về những vấn đề trong sáng tác văn học chiến tranh cách mạng hiện nay.

- PV: Được biết nhà văn đang hoàn tất phần hai và cũng là phần cuối của bộ tiểu thuyết “Khối mây hình lưỡi búa”. Mất gần 6 năm để thực hiện (từ 2006), phần tiếp theo này sẽ có điểm gì khác biệt so với những tác phẩm trước của nhà văn?

- Nhà văn Lê Thành Chơn: Tập 2 của tác phẩm Khối mây hình lưỡi búa sẽ tập trung vào hai giai đoạn là năm 1967 và năm 1972, hai cột mốc trong cuộc chiến giành giật bầu trời giữa ta và Mỹ tại miền Bắc. Còn về cái mới thì như anh biết đấy, có một thời gian dài tôi là Giám đốc khách sạn Sài Gòn, ở đây tôi đã có dịp tiếp xúc, trao đổi với rất nhiều người lính không quân ở phía bên kia. Đặc biệt tôi đã có những cuộc trao đổi rất ấn tượng với một người lính Mỹ từng là sỹ quan tại trạm radar Tacana đóng trên đỉnh Pa Thí (Sầm Nưa, Lào). Đây là trạm radar quan trọng bậc nhất của Mỹ trong việc dẫn đường cho máy bay đánh phá miền Bắc. Rất nhiều lần tôi và anh ta đã là hai người lính đối đầu trực tiếp, anh ta dẫn đường cho F4, còn tôi cho Mig. Vì thế, trong phần 2 này, tôi sẽ đưa vào rất nhiều những chi tiết của phía bên kia nhằm gửi đến bạn đọc cái nhìn đa dạng hơn về các trận không chiến giữa ta và Mỹ.

- Từng được bầu chọn là một trong 10 giám đốc khách sạn giỏi nhất cả nước, như vậy ông rất bận rộn với công việc kinh doanh nhưng hẳn là ông vẫn say mê sáng tác văn học, đặc biệt là đề tài chiến tranh cách mạng?

- Đồng đội tôi có người viết vì không muốn người ta quên đi quá khứ, có người viết như trả món nợ cuộc đời. Còn tôi, viết tất cả những gì mình biết về cuộc chiến tranh vừa qua với một mong muốn để lại cho mai sau những tư liệu riêng về chiến tranh, những suy nghĩ, cuộc sống của người lính trong chiến tranh. Lev Tolstoy sinh ra sau cuộc chiến giữa Nga và Napoleon nhưng ông vẫn viết nên kiệt tác Chiến tranh và hòa bình. Ông dựa vào cái gì để viết, tài năng không đâu đủ, tư liệu lịch sử chính thống làm sao có thể ghi lại hết những góc riêng của chiến tranh. Chắc chắn ông đã phải nghiên cứu cuộc chiến 1805, 1812 qua những trang viết khác của những người trong cuộc, từ đó sử dụng tài năng của mình để tổng hợp, khắc họa nên những nét đa dạng của chiến tranh. Điều tôi đang làm là cố gắng hết sức mình, với tư cách là nhân chứng nhỏ bé của lịch sử, để lại cho mai sau những hiểu biết của tôi về cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta với một hy vọng ngày nào đó, những trang viết của tôi sẽ lại góp một phần nhỏ bé để chúng ta có một Lev Tolstoy, có một Chiến tranh và hòa bình ở Việt Nam.

- Nhưng hiện nay một bộ phận trong giới trẻ có phần khá lơ là với lịch sử. Theo nhà văn để có thể giúp giới trẻ ham thích lịch sử thì cần làm gì?

- Tôi hay thấy người ta phàn nàn là giới trẻ Việt Nam bây giờ biết lịch sử nước ngoài như Trung Quốc, Âu, Mỹ hơn là sử Việt Nam. Tại sao thế? Lấy ví dụ lịch sử Trung Quốc, đâu phải người trẻ ngày nay biết hết về toàn bộ lịch sử Trung Quốc, mà họ chỉ biết lịch sử qua những tác phẩm văn học nghệ thuật. Người ta thuộc nằm lòng thời Tam quốc là nhờ Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, am hiểu nhà Thanh nhờ phim truyền hình… Điều đó có nghĩa là đâu phải thanh niên không thích sử, chỉ là chúng ta không biết kể lịch sử sao cho hấp dẫn mà thôi. Theo tôi, để thu hút bạn đọc đến với sử thì sử không chỉ đơn thuần là kể lại sự kiện, thời gian… mà phải có tính văn học trong đó như dạng ký chẳng hạn, đâu phải ngẫu nhiên Sử ký Tư Mã Thiên nổi tiếng như thế. Thông qua văn học mà lịch sử sẽ trở nên hấp dẫn hơn, thu hút hơn, ví dụ như nếu cứ ghi ngày mấy, tháng mấy máy bay ta bắn hạ máy bay Mỹ lúc mấy giờ… thế thì trừ nhà nghiên cứu ra chẳng mấy ai nhớ cả. Nhưng nếu chúng ta có một câu truyện về tình cảm, tâm lý người phi công, có một câu truyện về những người dân che giấu máy bay, xây dựng sân bay với chi tiết kịch tính hấp dẫn thì rõ ràng bạn đọc sẽ nhớ hơn.

Tuy nhiên, không phải cứ có tác phẩm văn học lịch sử là xong. Trong cuộc sống náo nhiệt hiện nay, sách hoặc các loại hình nghệ thuật khác cũng là một loại sản phẩm hàng hóa, nó sẽ nhanh chóng bị vùi lấp nếu thiếu đi những biện pháp quảng bá, giới thiệu. Tôi biết có nhiều tác phẩm hay về chiến tranh cách mạng khi xuất bản hầu như chẳng ai quan tâm để ý, mau chóng bị chôn lấp giữa một rừng các loại sách khác. Không thể tạo niềm yêu thích lịch sử mà thiếu đi những tác phẩm văn học lịch sử nhưng những tác phẩm văn học lịch sử cũng không thể đến được với bạn đọc nếu thiếu đi những chính sách hỗ trợ, khuyến khích của nhà nước. Có như vậy mới có thể góp phần khơi dậy niềm đam mê từ đó dẫn đến hiểu biết lịch sử của bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ hiện nay.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục