Nhà văn Lê Văn Thảo: Người viết phải chân thật với mình, với cuộc sống

Nhà văn Lê Văn Thảo: Người viết phải chân thật với mình, với cuộc sống

Nhà văn Lê Văn Thảo (ảnh) quê quán tại Thủ Thừa, tỉnh Long An. Năm 1965 - 1967 ông được biệt phái về Sư đoàn 9 bộ đội chủ lực miền Đông Nam bộ. Năm 1968 ông tham gia chiến dịch Mậu Thân ở Sài Gòn. Sau giải phóng năm 1975 ông về Sài Gòn công tác ở Báo Văn Nghệ TPHCM, là Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, kiêm Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa VII (2005 - 2010). Ông nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, đợt IV, 2012.

* Phóng viên: Thưa nhà văn Lê Văn Thảo, ông từng là một người lính trong quân đội, tiểu thuyết Con đường xuyên rừng của ông đang được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh. Ông có thể cho biết những cảm xúc, chất liệu gì đã thôi thúc ông cầm bút hoàn thành tác phẩm này?

* Nhà văn LÊ VĂN THẢO: Tôi có nhiều năm đi kháng chiến, có những năm ở quân đội, cụ thể là Sư đoàn 9 quân chủ lực miền Đông, từng dự những trận đánh lớn như Đồng Xoài, Phước Long, Bù Đốp, Lộc Ninh, Cần Đâm, Cần Lê, đã dự trọn trận Tổng tấn công năm 68 đánh vào Sài Gòn. Những ai đã đi kháng chiến đều biết, ngoài những trận đánh, những đợt nghỉ quân, quãng thời gian không nhỏ là dành cho việc hành quân. Mang vác nặng, đi ngày đi đêm, đói khát, bệnh sốt rét, không ít lần bị bom dội, biệt kích chặn đánh. Có khi đi 50 cây số rồi trở lại 50 cây số, theo đường cũ để đánh lạc hướng địch. Hành quân vô cùng gian khổ và là một chiến công trong cuộc kháng chiến. Những chuyến đi rừng như thế là kỷ niệm khó quên đối với tôi, từ lâu tôi đã có ý định viết một truyện về chuyến đi băng rừng như thế. Truyện viết về một chuyến đi không phải của một đơn vị chính quy, hay một tổ chức được trang bị đầy đủ, mà là của một toán người chắp vá, những người còn sống sót sau một trận càn lớn. Chắp vá nhưng không ô hợp. Họ có đủ lứa tuổi, ngành nghề, thậm chí có người chỉ là người dân thường, trong hoàn cảnh khắc nghiệt ấy chỉ ngày trước ngày sau đã thành một nhóm người có tổ chức, đầy đủ sức mạnh để làm một cuộc vượt rừng cực kỳ gian khổ, hiểm nguy. Chủ đề của cuốn truyện: đây là cuộc chiến tranh nhân dân, thắng lợi lớn nhất là của nhân dân, của đông đảo những con người bình thường, những chiến sĩ vô danh.

* Là một nhà văn được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, ông có nhận xét gì về các tác giả trẻ được giải những năm gần đây?

* Tôi là người sáng tác, việc thẩm định, phê bình đánh giá là của người khác. Tôi cũng có đọc sách của đồng nghiệp, nhưng đọc là để cảm thụ, học tập kinh nghiệm. Ý kiến của người sáng tác rất chủ quan, trong lúc sự phê bình rất cần khách quan. Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam hay bất cứ giải thưởng nào khác, cũng chỉ là giải thưởng trong khoảng thời gian, của một ban giám khảo. Còn văn học là chuyện của dài lâu. Được giải thưởng là một điều mừng, một vinh dự, nhưng đời văn còn dài lắm, rồi sẽ viết như thế nào nữa mới là quan trọng. Người thẩm định công tâm nhất là thời gian và công chúng bạn đọc.

* Trong các điều kiện trở thành nhà văn: vốn sống, tình cảm, sự đam mê, sức lao động quên mình… ông thấy điều gì quan trọng nhất?

* Là tất cả những cái đó. Không có vốn sống làm sao viết văn, lấy chuyện gì để kể? Không có tình cảm lấy gì truyền cho nhân vật, từ nhân vật truyền cho người đọc? Không có đam mê, lấy sức đâu viết, truyền nhiệt tình cho từng câu chữ? Nhưng trên hết là sự chân thật. Người viết phải chân thật, với mình, với cuộc sống. Viết từ sự thôi thúc bên trong, một chút “mạ vàng” sẽ lộ ra ngay.

* Ông là người trưởng thành trong chiến tranh, từng chịu đựng gian khổ, chứng kiến bao hy sinh mất mát, những đồng đội đã ngã xuống. Ông có dự định sáng tác gì mới về đề tài chiến tranh?

* Nhiều năm trong chiến tranh, cũng như sau ngày hòa bình, đề tài chiến tranh luôn chiếm phần lớn trong sáng tác của tôi. Ngay cả trong những sáng tác về các đề tài khác, vẫn thấp thoáng đây đó những hồi ức về chiến tranh. Không thể khác được, bởi đó là vốn sống lớn nhất của tôi. Ấp ủ thì ai cũng ấp ủ cả, không chỉ một cuốn mà còn vài ba cuốn. Nhưng ấp ủ là một chuyện, viết ra là chuyện khác. Vốn sống cũng vậy, không phải có vốn sống mà viết được. Đâu thể chuyện như thế trong đời sống cứ thế viết ra. Cần phải có tài năng, kinh nghiệm, sự từng trải, đức tính bình tĩnh, vốn từ ngữ học tập được từ nhân dân lao động. Tốt nhất cứ lặng lẽ viết, viết chân thực, hết mình, còn nó như thế nào là “chuyện của trời”. Ta luôn nghe hô hào mong có được tác phẩm “xứng tầm”, tôi không biết “xứng tầm” cái gì?

* Thông thường một người khi mới cầm bút họ chưa tự tin, các nhà xuất bản không chịu in các tác phẩm của họ, vì thế mà rất nhiều người viết văn phải âm thầm lao động mà không nhận được kết quả gì. Ông suy nghĩ gì về điều này?

* Tôi hoàn toàn không đồng ý với ý kiến này. Tôi lại thấy ngược lại, đây là thời kỳ việc in ấn xuất bản rộng rãi nhất, ai cũng có thể in sách, nhà xuất bản không in thì tự bỏ tiền ra in, vài chục triệu đồng không phải là món tiền lớn. Điều đáng lo ngại là với việc “liên kết” theo kiểu nào đó, có nhiều cuốn sách đáng ra không nên in. Nhưng cũng là điều bình thường thôi, sự cởi mở nào cũng có mặt trái của nó, đất tốt cây trái mọc lên, cỏ dại cũng mọc lên. Về các nhà văn trẻ, tôi không tin họ không tự tin. Trái lại tôi thấy họ rất tự tin, nhiều nhà văn trẻ ngay tác phẩm đầu tay đã rất tự tin, bản lĩnh, già dặn trong từng trang viết, hơn hẳn chúng tôi hồi xưa. Nói chung, tôi không thấy có ai “âm thầm lao động mà không có kết quả gì”.

* Xin cảm ơn nhà văn Lê Văn Thảo.

Th.S PHẠM XUÂN TRƯỜNG

Tin cùng chuyên mục