Với số phiếu bầu chọn 100%, tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ đã mang lại cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh một vé đi Thái Lan nhận giải thưởng Văn học ASEAN do Hoàng gia Thái Lan trao tặng. Có thể nói, Nguyễn Nhật Ánh đã trở thành một hiện tượng độc đáo của văn học trong nước khi đạt danh hiệu kỷ lục sách thiếu nhi bán chạy nhất nước lẫn sự khẳng định giá trị văn học với hàng loạt giải thưởng từ cấp TP đến quốc gia và cả khu vực.
Nhưng điều đáng nói nhất tạo nên hiện tượng Nguyễn Nhật Ánh chính là nhà văn đã thành công trong mảng văn học thiếu nhi, một mảng văn học mà nhiều năm trở lại đây được đánh giá là “suy thoái” nhất của nền văn học nước nhà. Giữa sự yếu kém nhất lại tồn tại một nhà văn thành công nhất, hiện tượng Nguyễn Nhật Ánh đã và đang là điều đáng để suy ngẫm khi muốn vực dậy văn học thiếu nhi trong nước hiện nay. Nhân dịp nhà văn đi nhận giải thưởng Văn học ASEAN, PV Báo SGGP đã có dịp trao đổi với anh về các vấn đề văn học thiếu nhi trong nước.
° PV: Rất nhiều bạn đọc hay thắc mắc, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh viết truyện thiếu nhi, thiếu niên từ những năm 80 của thế kỷ trước mà cho đến tận hôm nay vẫn được bạn đọc trẻ yêu thích. Điều gì đã giúp các tác phẩm của anh sống trong lòng bạn đọc trong khi nhiều tác phẩm thiếu nhi khác lại không vượt được rào cản thế hệ khác nhau?
° Nhà văn NGUYỄN NHẬT ÁNH: Tôi nghĩ trẻ em ở thời nào cũng có những nét tương đồng về tính cách, tâm lý, cả những lỗi lầm và những giấc mơ. Điều kiện và hình thức sinh hoạt có thể mỗi thời mỗi khác, nhưng bản chất mối quan hệ giữa ông bà, cha mẹ, anh em, thầy cô, bạn bè về cơ bản không có gì thay đổi.
Do vậy, tôi cho rằng yếu tố quyết định sự thành công của một nhà văn viết cho trẻ em nằm ở chỗ tác giả có chạm được vào tâm hồn của các em hay không. Nếu nhà văn thể hiện đúng thần thái, tính cách tiêu biểu của trẻ em thì trẻ em thời nào cũng có thể nhìn thấy bóng dáng mình trong đó.
° Là nhà văn viết cho thiếu nhi đầu tiên ở Việt Nam đoạt được giải thưởng văn học ASEAN, cảm nhận của anh khi biết mình đoạt giải? Theo anh văn học thiếu nhi trong nước còn đang thiếu gì để có thể có thêm nhiều tác giả, tác phẩm thực sự thu hút bạn đọc nhỏ tuổi?
° Tôi luôn tâm niệm đích đến cuối cùng của nhà văn là độc giả, nhưng các giải thưởng cũng có ý nghĩa khích lệ rất lớn đối với hứng thú của nhà văn, ít ra nó cho thấy lao động nghề nghiệp của mình được thừa nhận. Lần đầu tiên một tác phẩm viết cho thiếu nhi được đề nghị trao giải văn học ASEAN không chỉ là niềm vui với tôi mà còn có tác động tích cực đến phong trào sáng tác cho thiếu nhi. Đó là điều đáng mừng.
Còn việc làm thế nào để có thêm nhiều tác giả, tác phẩm thu hút bạn đọc nhỏ tuổi thì theo tôi, đó là nỗ lực cá nhân của từng nhà văn. Lao động văn chương không phải loại “lao động tập thể” nên không có cách nào ngoài cách cá nhân nhà văn phải có tài năng và khát vọng. Tất nhiên, một giải thưởng lớn cho văn học thiếu nhi (1 tỷ đồng chẳng hạn) cũng có tác dụng kích thích – dù không có tính quyết định. Mà xã hội hiện nay cũng có nhiều chuyện lạ: thắng một trận bóng đá ở giải hạng hai quốc gia, người ta thưởng vài tỷ đồng thì thấy bình thường, nhưng treo một giải thưởng văn chương cỡ 500 triệu thôi người ta lại thấy quá lớn.
° Có người nhận xét Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn năng động nhất hiện nay trong sáng tác, từ tác phẩm thiếu nhi mơ mộng đến rung động tuổi mới lớn, từ chuyện vui dí dỏm đến những éo le của tình yêu, từ truyện dài kỳ cuộc sống hàng ngày đến huyền ảo… Anh có thể cho biết kinh nghiệm để có thể có được nguồn tư liệu cũng như sức sáng tác mãnh liệt như thế?
° Ký ức – sự quan sát – óc tưởng tượng, nếu cả ba yếu tố này dồi dào, sắc bén, phong phú và luôn được trau dồi, bồi đắp thì mạch nguồn sáng tạo của nhà văn không bao giờ cạn. Còn sức sáng tác lại tùy thuộc vào cảm hứng. Ý tưởng đã chín muồi mà không có cảm hứng cũng đành chịu. Cảm hứng lại phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng tôi cho yếu tố quan trọng nhất là sự đón nhận của bạn đọc. Nếu bạn đọc thờ ơ, sách in ra không bán được hoặc bán chậm, nhà văn (cả nhà xuất bản) sẽ mất hứng. Còn sách in ra được đón nhận nồng nhiệt sẽ kích thích nhà văn hào hứng viết cuốn tiếp theo.
° Các tác phẩm gần đây của anh đều có sự thay đổi mới lạ và nhận được sự ủng hộ tích cực của bạn đọc như Tôi là BêTô, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Đảo mộng mơ. Anh có thể tiết lộ một chút là tác phẩm sắp tới của anh sẽ có gì đặc biệt so với các tác phẩm trước?
° Tôi không biết nó có gì đặc biệt, nhưng chắc chắn nó khác các cuốn Tôi là BêTô, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Đảo mộng mơ. Khác rất xa. Tôi viết về một ngôi làng và những chuyện lạ lùng xảy ra trong ngôi làng đó dưới góc nhìn của một đứa trẻ 13 tuổi. Cuốn sách sẽ do NXB Trẻ phát hành vào tháng 12 tới đây, với 3 loại ấn bản khác nhau: loại bình thường, loại bỏ túi và loại đặc biệt
TƯỜNG VY (thực hiện)