Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Xuất khẩu văn học cần tiên phong hấp dẫn

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vừa có chuyến qua Thái Lan để quảng bá cho phiên bản tiếng Thái tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (CTXMVĐTT) của anh. Đây là một sự kiện đặc biệt khi một nhà văn trong nước, lại là một nhà văn chuyên viết cho lứa tuổi thanh thiếu niên có sách xuất bản và được chào đón ở nước ngoài.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Xuất khẩu văn học cần tiên phong hấp dẫn

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vừa có chuyến qua Thái Lan để quảng bá cho phiên bản tiếng Thái tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (CTXMVĐTT) của anh. Đây là một sự kiện đặc biệt khi một nhà văn trong nước, lại là một nhà văn chuyên viết cho lứa tuổi thanh thiếu niên có sách xuất bản và được chào đón ở nước ngoài. Sự kiện này được cho là đánh dấu bước tiến mới trong việc xuất khẩu sách văn học Việt Nam ra thế giới. PV Báo SGGP đã trao đổi với nhà văn về những vấn đề xung quanh chuyến đi này.

Sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đang được bày bán tại các nhà sách ở Thái Lan.

Sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đang được bày bán tại các nhà sách ở Thái Lan.

° PV: Được biết trong chuyến qua Thái, anh đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của bạn đọc Thái Lan. Anh có thể cho biết những kỷ niệm nào đáng nhớ nhất của anh về tình cảm của độc giả nước bạn?

° Nhà văn NGUYỄN NHẬT ÁNH: Tôi ra mắt tác phẩm CTXMVĐTT ở hai địa điểm. Hôm đầu tiên ở trụ sở Bộ Ngoại giao Thái Lan, hôm sau ở Trường Đại học Chulalongkorn. Cách thức tổ chức ra mắt sách ở Thái Lan nói chung rất bài bản, trang trọng, ấn tượng. Họ dựng 3 tấm pa-nô lớn, in hình ảnh, tiểu sử tác giả và dịch giả, tóm tắt nội dung sách, kèm những trích đoạn. Cách làm này giúp độc giả chưa đọc qua cuốn sách vẫn có thể hình dung được. Ở hai buổi ra mắt đều có nhiều độc giả mua sách đến xin chữ ký. Nhưng có lẽ tôi ấn tượng với hôm giao lưu và ký tặng sách ở Trường Đại học Chulalongkorn hơn. Ở đây độc giả là sinh viên, khi nhìn các em xếp hàng chờ tới lượt mình tự dưng tôi nhớ đến các độc giả trẻ của tôi ở Việt Nam. Sự liên tưởng đó làm tôi rất xúc động, đôi lúc ngỡ mình đang ngồi ký tặng sách ở Hội sách TPHCM hay Hà Nội.

° Ở Việt Nam, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được đánh giá có lối kể chuyện rất riêng, độc đáo và dí dỏm. Theo anh, khi chuyển thể qua tiếng Thái, tác phẩm còn giữ được bao nhiêu phong cách đặc trưng đó?

° Xưa nay những tác phẩm được dịch sang một ngôn ngữ khác thường khó lòng giữ được tất cả những yếu tố đặc trưng của tác phẩm gốc. Ngoài sự dị biệt về ngôn ngữ (chẳng hạn không có từ tương đương - tác phẩm CTXMVĐTT chuyển sang các ngôn ngữ Thái, Anh, Hàn, các dịch giả đều “bó tay” với cụm từ “buồn ơi là sầu”), còn rất nhiều lý do: sự khác biệt về văn hóa, phương pháp tư duy, tâm thế xã hội, kinh nghiệm lịch sử… Tuy nhiên trên thực tế, chúng ta từng có những bản dịch rất hay từ tác phẩm nước ngoài sang Việt ngữ. Điều đó cho thấy sự tài hoa và uyên bác của dịch giả có thể bù đắp rất nhiều cho những khó khăn khách quan. Về cuốn CTXMVĐTT, tôi nghĩ tiến sĩ Montira Rato đã có một bản dịch thành công (cũng cần phải kể đến sự hiệu đính của Prabhassorn Sevikul, một nhà văn nổi tiếng ở Thái Lan). Cảm tình của những nhà văn và độc giả Thái Lan đã đọc cuốn này phần nào nói lên điều đó.

° Tuy chuyến đi ngắn ngày nhưng anh lại có dịp tiếp xúc nhiều với giới nhà văn, độc giả Thái. Theo anh, thị trường sách văn học Thái có điểm chung cũng như khác biệt gì với Việt Nam?

° Thị trường sách văn học ở Thái Lan khá giống Việt Nam. Nammeebooks là một trong những nhà xuất bản lớn ở Thái, nhưng các đầu sách in lần đầu tiên cũng chỉ khoảng 3.000 bản. Bán hết đến đâu, in thêm đến đó. Tác phẩm nào tiêu thụ khoảng 10.000 bản trong vòng 1 năm được coi là sách bán chạy. Riêng cách chi trả nhuận bút của họ khác với Việt Nam (và giống thông lệ quốc tế): Ngoài tiền ứng trước, họ trả nhuận bút trên số sách bán được chứ không phải trên số sách đã in, căn cứ vào tổng kết từng năm hay từng nửa năm.

° Sách văn học trong nước nếu có nhu cầu xuất khẩu qua Thái Lan cần chú ý điểm gì?

° Trước hết, cần có một bản dịch tốt. Nếu do người bản xứ giỏi tiếng Việt như trường hợp chị Montira Rato dịch CTXMVĐTT qua Thái ngữ hay chị Kato Sakae dịch Mắt biếc qua Nhật ngữ là tối ưu. Thứ hai, những tác phẩm tiên phong phải hấp dẫn được độc giả bản địa. Có như vậy, độc giả mới quan tâm và các nhà xuất bản mới dịch tiếp. Nếu dịch sách chỉ để “nghiên cứu” hay “tìm hiểu” về Việt Nam thì sức lan tỏa không lớn và khó lòng đặt những bước đi tiếp theo. Tác phẩm văn chương trước hết phải đem lại sự thích thú về mặt cảm thụ (chúng ta vẫn gọi là “thú đọc sách” kia mà!), sau đó mới đến nhận thức, mặc dù trong quá trình cảm thụ đã bao hàm cả lợi ích về mặt nhận thức rồi!

TƯỜNG VY (thực hiện)

Ngay sau chuyến đi Thái Lan, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã đón tiếp một người hâm mộ đặc biệt ngay tại quán Đo Đo. Đó là bà Chatchalin Nuchpiam, một doanh nhân người Thái Lan, từng đọc và rất yêu thích tác phẩm CTXMVĐTT.

Có dịp qua Việt Nam công tác, các nhân viên của bà đã dẫn bà đến quán Đo Đo để có dịp gặp và trò chuyện với nhà văn. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã giới thiệu với bà Chatchalin các món ăn độc đáo của vùng đất Quảng Nam.Các ngày đi làm bù vào thứ Bảy và Chủ nhật, SGDCK TP.HCM sẽ không tổ chức giao dịch.

Tin cùng chuyên mục