Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Cộng hưởng quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Cộng hưởng quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều qua nét hí họa của họa sĩ Còm

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều qua nét hí họa của họa sĩ Còm

Hội Nhà văn Việt Nam mới ra mắt Trung tâm dịch thuật văn học, do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam làm giám đốc. Dịp này, chúng tôi có cuộc trao đổi với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

° Phóng viên: Kể từ Hội nghị quốc tế về văn học dịch do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, vào tháng 1-2010, chủ trương thành lập một trung tâm dịch thuật và quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, đến nay, sau 4 năm mới thành hiện thực. Theo anh, như vậy có là quá muộn không?

° Nhà thơ NGUYỄN QUANG THIỀU: Nếu Trung tâm dịch thuật và quảng bá văn học được ra mắt 4 năm, 10 năm hay 20 năm trước thì cũng đều muộn. Tôi nghĩ chúng ta phải làm việc này từ lâu rồi. Thời gian thích hợp nhất có lẽ là ngay sau năm 1975, sau khi đất nước ta đã thống nhất. Và không còn gì hơn là chúng ta phải giới thiệu hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam ra thế giới ngay từ ngày đó, trong đó văn học là một “phương tiện” vô cùng hiệu quả.

° Anh có thể cho biết những lý do của sự chậm trễ này?

°  Chỉ có một lý do duy nhất: đó là nhận thức của chúng ta về vấn đề này.
 
°  Với cương vị là người đứng đầu của Trung tâm dịch thuật và quảng bá văn học, anh cho biết những hoạt động trước mắt và lâu dài của trung tâm?

° Một dãy núi cao của những thách thức đang dựng trước mặt chúng tôi. Bây giờ chúng tôi đang đứng dưới chân núi và suy nghĩ một cách nghiêm túc và căng thẳng làm thế nào để vượt qua dãy núi kia. Nhưng không còn cách nào khác là chúng ta bắt đầu leo núi từng bước một. Trước mắt, chúng tôi tiếp tục hợp tác với các dịch giả trên thế giới để dịch và giới thiệu những tác phẩm mà họ quan tâm. Chúng tôi bắt đầu kết nối với các tạp chí văn học trên thế giới nhằm giới thiệu cho dù đơn lẻ tác phẩm và tác giả Việt Nam với bạn đọc của đất nước đó. Chúng tôi đang đề xuất xây dựng một trang web bằng tiếng Anh để giới thiệu từng bước các tác phẩm văn học Việt Nam đã được dịch ra tiếng Anh lâu nay. Và đồng thời bắt đầu làm dự án một số công trình dịch thuật quan trọng để xin ngân sách của Nhà nước.

°  Theo anh, liệu có những tác động hay ảnh hưởng gì khi có một Trung tâm dịch thuật và quảng bá văn học đối với hoạt động sáng tạo của các nhà văn Việt Nam cũng như văn hóa đọc của bạn đọc Việt Nam.

° Công việc dịch và truyền bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, đồng thời dịch và giới thiệu những tác phẩm lớn của các nước khác vào Việt Nam sẽ tạo ra sự trao đổi, tác động và gợi mở cho những sáng tạo trong nước. Hoạt động này nếu làm có hiệu quả sẽ tác động quan trọng nhiều nghĩa với nhà văn và bạn đọc Việt Nam. Tôi nghĩ ai cũng có thể hình dung ra ảnh hưởng của vấn đề này đối với sự phát triển của văn học nghệ thuật và xã hội.
 
°  Anh có nghĩ rằng văn học Việt Nam sẽ được đón nhận tích cực khi quảng bá ra nước ngoài?

° Chúng ta có những tác phẩm đáng để bạn đọc nước ngoài thưởng thức. Một số tác phẩm của chúng ta được dịch và giới thiệu ở nước ngoài đã để lại những ấn tượng mạnh trong lòng bạn đọc. Tuy nhiên, nền văn học Việt Nam không phải là một nền văn học mà các nhà xuất bản trên thế giới săn tìm. Bởi thế chúng ta có nghĩa vụ giới thiệu những tác phẩm văn học xuất sắc của chúng ta cho họ và nhiều khi phải giới thiệu miễn phí. Công việc lúc này của chúng ta là giới thiệu và quảng bá sản phẩm. Hãy làm điều đó một cách chính xác và bền bỉ. Chỉ như thế chúng ta mới hy vọng trong tương lai nền văn học của chúng ta được thế giới biết đến một cách đầy đủ hơn.

° Tôi nghĩ rằng đây phải là trách nhiệm quốc gia. Hội Nhà văn Việt Nam “cáng đáng” việc này, liệu có quá sức và sẽ gặp nhiều khó khăn không?

° Dịch và quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới không thể nói cách nào khác ngoài cách: đây là chiến lược quảng bá văn hóa của Nhà nước Việt Nam. Nếu Nhà nước không làm việc này thì tất cả hội viên Hội Nhà văn Việt Nam có quyết tâm đến mấy cũng không làm được bao nhiêu. Vì không có ngân sách thì không làm được gì cả. Mà ngân sách thì đương nhiên phải từ Nhà nước. Hội Nhà văn Việt Nam thông qua Trung tâm dịch thuật và quảng bá văn học của mình giống như là người được Nhà nước đặt hàng. Chúng tôi hy vọng Nhà nước hiểu thấu điều này và tạo ra những điều kiện tốt nhất để Hội Nhà văn Việt Nam thực hiện. Nếu không, trung tâm này sẽ chỉ có một cái biển mà thôi!

CAO MINH (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục