Nhà văn Nguyễn Việt Hà: Đã là văn chương thì không có biên giới!

Nhà văn Nguyễn Việt Hà: Đã là văn chương thì không có biên giới!

Khởi đầu khá ấn tượng với tiểu thuyết Cơ hội của Chúa rồi Khải huyền muộn cũng ra đời cách đó không lâu, song tại thời điểm này độc giả lại biết tới nhà văn Nguyễn Việt Hà nhiều hơn với lối viết tưng tửng, hóm hỉnh đầy chất châm biếm trong hàng loạt tạp văn được xếp vào hàng best - seller như Đàn bà uống rượu, Con giai phố cổ… Trong những ngày đầu năm 2014, nhà văn Nguyễn Việt Hà đã trải lòng mình với bạn đọc Báo Sài Gòn Giải Phóng.

* Sức lan tỏa của tên tuổi Nguyễn Việt Hà dường như mạnh mẽ hơn nhiều so với tản văn. Phải chăng, người đọc dễ cảm hơn với cái không khí thời đại mà thể loại này đem lại?

* Đã là thật văn học thì không quá câu nệ vào thể loại hay đề tài. Có điều, tùy từng thời bỗng dưng có những thể loại đắc dụng mạnh mẽ lên ngôi. Ví như ở văn học Trung Quốc chẳng hạn. Người ta vẫn thường nói “Hán phú, Đường thi, Tống từ, và tiểu thuyết Minh - Thanh”. Không có nghĩa thời Minh -Thanh thơ không hay, mà vì ở thời đó tiểu thuyết chợt được mùa để trở thành thể loại cái. Bây giờ có phải là thời của tản văn hay không thì chưa biết, chỉ biết hôm nay tản văn được đông người viết và có nhiều bài hay. Còn việc “mang không khí thời đại” thì đó là chức năng chung của mọi thể tài văn học.

Nhà văn Nguyễn Việt Hà ký tặng sách cho độc giả.

Nhà văn Nguyễn Việt Hà ký tặng sách cho độc giả.

* Trong tạp văn của anh, người đọc dễ nhận thấy lối viết hài hước, tự giễu mình, đặc biệt là trong tập “Con giai phố cổ”. Có bao nhiêu phần trăm hình bóng của chính anh ở trong đó?

* Khi dịch tạp văn của tôi ra tiếng Tây, dịch giả dùng thuật ngữ “essay”, nôm na là một bài “luận”. Và đại loại đã là một thứ “luận” thì chủ quan của người viết thường bộc lộ trực tiếp, “hình bóng” của người viết thường in dấu trên đấy khá đậm. Trong tạp văn của mình, tôi hay nhắc đến người cũ việc cũ. Tất cả những cái “cũ” đấy ít nhiều đều dính dáng tới Hà Nội của tôi. Định lượng nó là việc bất khả. Chỉ xin một lưu ý nhỏ, trước khi viết tạp văn tôi là người viết tiểu thuyết.

* Được coi là nhà văn thiên về lối sống thành thị, anh có nghĩ rằng cái tao nhã, tinh tế của người dân phố cổ dường như ngày càng mai một?

* Có thể khẳng định, “tao nhã và tinh tế” là căn chất của phố cổ, tất nhiên trong phố thì phải có người. Và những người đấy thì thời nào cũng chẳng đông. May mắn thay, tôi hay được gặp những người đó. Đã là căn chất thì không có chuyện mai một. Nhưng vì nó hiếm nó quý nên nó không ồn ào, thường “trầm” thường “khuất”. Hà Nội nghìn năm vẫn vậy thôi.

* Anh từng nói, việc anh viết tạp văn chỉ đơn giản là… mưu sinh nhưng tên tuổi Nguyễn Việt Hà gắn liền với tạp văn?

* Tôi đã viết đăng báo chừng hơn 500 tạp văn, chưa có bài nào bị bỏ. Phân nửa số đấy thì in thành sách. Tổng cộng nhuận bút cũng là con số đáng kể. Vì thế, có nói “mưu sinh” cũng không quá đáng. Đó cũng là một cách để duy trì được niềm vui của nghề viết.

* Anh là một trong số không nhiều nhà văn đương đại có tác phẩm được dịch và xuất bản bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Riêng trong năm 2013, tiểu thuyết “Cơ hội của chúa” và 13 tạp văn của anh được chuyển ngữ và xuất bản tại Pháp. Anh nghĩ gì về việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài? Và tại sao cho đến giờ, văn chương Việt vẫn cứ co cụm bên trong biên giới nhỏ hẹp?

* Văn học Việt Nam xứng đáng được giới thiệu ra nước ngoài. Còn tại sao việc ấy chưa thành thì tôi chịu không thể biết. Hình như ở ta ít người quan tâm đến vấn đề này mặc dù có khá đông những hội nghị hội thảo với slogan đại loại “văn chương Việt giong buồm ra biển lớn”. Song tôi nghĩ việc xây dựng mối quan hệ qua lại giữa các nhà xuất bản nước ngoài, có uy tín, tiềm lực cũng là một trong những mắt xích quan trọng.

Thực tế, có vài tác giả, tác phẩm hiếm hoi được độc giả ngoài nước trân trọng thì cũng chỉ là nỗ lực mang tính cá nhân. Đặc biệt là của người dịch, và quá nửa trong số đó là người nước ngoài. Họ tâm huyết yêu văn chương Việt vô cùng. Nhưng không hiểu sao, họ thường bơ vơ.

* Theo anh, các cây bút trẻ cần phải làm gì để các tác phẩm có thể vươn ra ngoài biên giới?

* Cho đến giờ, tôi chưa từng dám khuyên ai. Còn đã thật văn chương thì không có biên giới. Một khi đã có tác phẩm rồi thì chuyện vươn ra đến đâu là “cơ hội của Chúa”.

THU HÀ (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục