Tập truyện ngắn Dị Hương của nhà văn Sương Nguyệt Minh (ảnh) vừa được giải thưởng năm 2010 của Hội Nhà văn. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trò chuyện lý thú cùng tác giả.
* PV: Tập truyện ngắn Dị hương được giải thưởng Hội Nhà văn năm 2010, khi ra mắt, đã có tiếng vang tốt. Và nghe rằng nhiều truyện ngắn trong tập, tác giả viết trong khoảng thời gian kỷ lục. Nhà văn có thể cho biết ý tưởng hình thành nên tập sách?
* Nhà văn SƯƠNG NGUYỆT MINH: Đúng là tập truyện ngắn Dị Hương tôi viết rất nhanh so với trước đó. Ba truyện ngắn Đêm mùa hạ tuyết rơi, Đàn bà, Dị Hương, viết chỉ trong vòng 1 tháng. Nhưng trước đây, có năm tôi chỉ viết được 1 hoặc 2 truyện ngắn là cùng.
Tuy nhiên, để viết được một truyện ngắn hay thì nhà văn đã phải sống và trải nghiệm nhiều năm, thậm chí cả đời người. Nói viết trong một tháng, hay một tuần, một ngày, hoặc 1 giờ… chỉ có ý nghĩa thống kê, bởi khi viết văn thì nhà văn đã mang sẵn lao động quá khứ rồi. Vốn sống thu nhận, cất giữ đầy ắp, ngẫm nghĩ, trăn trở, ám ảnh… cho đến khi cảm xúc chợt đến thì văn chương chảy dào dạt như một nhu cầu tự thân.
Với tập truyện ngắn Dị Hương, tôi chỉ muốn viết khác biệt các nhà văn khác, viết khác biệt cả những gì trước đây mình đã viết. Bởi, viết giống nhau thì có khác gì đứng chung một dàn đồng ca, người ta chỉ nghe được giọng solo, chứ không bao giờ nghe được giọng của mình lẫn với cả trăm ngàn người hát. Nhưng, viết khác như thế nào thì quả thực vô cùng nhọc nhằn, phải đánh vật với chính mình.
* Phải có nhân duyên gì để tập truyện ngắn Dị Hương ra đời và được Giải thưởng văn học năm nay chứ?
* Vâng! Cũng phải nói thật rằng, tôi chưa có ý định ra tập truyện ngắn Dị Hương. Vào thời điểm đó tôi đang viết tiểu thuyết. Nhà văn Võ Thị Xuân Hà và tôi tình cờ gặp nhau, chị muốn xin bản thảo cho Công ty Truyền thông Hà Thế in. Tôi bảo, chưa đủ, nếu in thì mỏng quá. Hà giục giã: “Anh viết thêm mấy cái nữa cho đủ đi”. Chẳng hiểu tài thuyết phục của Hà đến mức nào mà cảm hứng viết truyện ngắn cứ “cuồng” lên, tôi tạm gác tiểu thuyết lại để viết truyện ngắn. Cứ y như giời cho, văn chương dào dạt, một tháng thêm được 3 truyện ngắn, đủ tập để in.
Nhà lý luận phê bình văn học trẻ Đoàn Ánh Dương là người đầu tiên đọc và biên tập bước một, sau đó phải qua con mắt xanh biên tập của nhà văn Tạ Duy Anh nữa thì tập truyện ngắn Dị Hương mới ra đời.
* Từng là người “gác cửa” văn xuôi của Tạp chí Văn nghệ quân đội, bây giờ lại là Phó chủ tịch Hội đồng Văn xuôi Hội Nhà văn, theo dõi sát tình hình văn xuôi nước nhà, theo anh xu hướng chính của truyện ngắn hiện nay như thế nào, đã có nhiều sự đổi mới hay cách tân trong lĩnh vực truyện ngắn?
* Chủ đạo vẫn là truyện ngắn hiện thực truyền thống, thiên về kể và tả. Đã thấy manh nha truyện ngắn đang “vỡ” ra, đang phân mảnh… Và chính vì thế, chúng ta có mảng truyện ngắn không hề đơn điệu, tẻ nhạt mà rất đa dạng, phong phú. Bằng chứng là không có đề tài nào mà các tác giả né tránh, không có loại bút pháp nào mà các tác giả không thể nghiệm, không đeo đuổi.
Bên cạnh dòng truyện ngắn hiện thực truyền thống thiên về kể và tả, thì lại có truyện ngắn kỳ ảo, truyện ngắn hiện đại mà cái chất lãng mạn đã ít đi nhiều, cả những thể nghiệm truyện ngắn thuộc dòng ý thức, hoặc hậu hiện đại... Tôi vẫn khẳng định rằng, truyện ngắn Việt Nam hiện đại từ năm 1987 đến nay hay hơn thời kỳ trước rất nhiều, cả về ý tưởng lẫn hình thức thể hiện.
Tuy nhiên, cho đến nay, truyện ngắn Việt Nam hiện đại vẫn đang trong quá trình vận động để đi đến một “cuộc cách mạng” nghệ thuật.
* Ngày nay, rất hiếm những truyện ngắn trong sáng, giàu cảm xúc thẩm mỹ, nhân văn, phải chăng vẻ đẹp thuần khiết của văn chương thay đổi theo thời cuộc?
* Cần phải quan niệm như thế nào là “vẻ đẹp thuần khiết” của văn chương? Tôi cho rằng: Văn đã là cái đẹp rồi. Có cái đẹp của loại văn trong sáng, dịu dàng, lung linh, gợi cảm… Lại có cái đẹp của loại văn thô mộc, khẩu ngữ, dữ dội, gai góc… Lại có cái đẹp của loại văn lạnh lùng, khách quan… Vấn đề hiệu quả nghệ thuật mới là cái đích cuối cùng.
Thế gian biến cải khôn lường, đời sống xã hội thay đổi, phức tạp, đa dạng, cuộc sống luôn vận động không ngưng nghỉ. Văn chương có chức năng phản ánh xã hội, nhà văn không đứng ngoài xã hội mà luôn là người can dự trực tiếp vào đời sống xã hội nên văn chương vận động, thay đổi theo thời cuộc cũng là điều dễ hiểu. Đây là điều đáng mừng trong đời sống văn học.
* Theo nhà văn, những cây bút truyện ngắn xuất sắc hiện nay là những ai và độ tuổi nào nhiều nhất?
- Trừ các thiên tài ra, theo tôi, văn xuôi ở độ tuổi 40, 50 là viết tốt nhất, sung sức nhất. Khoảng 20 năm đời văn đó, tác giả đã đủ để già dặn, sắc sảo, tích lũy được khá nhiều vốn sống, có nhiều trải nghiệm từ chính cuộc đời mình và hoàn cảnh sống, khi đó viết văn đã điềm tĩnh, có sự lắng sâu thâm trầm, cái vốn sống không còn là cục quặng thô nhám nữa mà đã được “dày vò”, tinh chế trong đầu rồi, chỉ còn chờ để trào ra theo ngòi bút.
Hiện nay, không có cây bút truyện ngắn xuất sắc mà chỉ có một số ít tác giả viết truyện ngắn hay. Không có gì ngạc nhiên cả, bởi cái xuất sắc, cái hay bao giờ cũng hiếm hoi.
* Cảm ơn nhà văn.
CAO MINH thực hiện