Nhà vật lý, dịch giả Phạm Văn Thiều: Góp sức mọn thổi lên ngọn lửa lớn

Nhắc đến cái tên Phạm Văn Thiều, giới làm sách không ai không biết đến một nhà vật lý đã làm thay đổi quan niệm về sách khoa học trong nước. Trước đó, mảng sách khoa học được xem là khó ăn, nhưng “Lược sử thời gian” được phạm Văn Thiều chuyển ngữ đã trở thành sách bán chạy nhất. Hàng loạt đầu sách khoa học khác qua tay Phạm Văn Thiều đều rất thành công. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trò chuyện với ông xung quanh vấn đề này.
Nhà vật lý, dịch giả Phạm Văn Thiều: Góp sức mọn thổi lên ngọn lửa lớn

Nhắc đến cái tên Phạm Văn Thiều, giới làm sách không ai không biết đến một nhà vật lý đã làm thay đổi quan niệm về sách khoa học trong nước. Trước đó, mảng sách khoa học được xem là khó ăn, nhưng “Lược sử thời gian” được phạm Văn Thiều chuyển ngữ đã trở thành sách bán chạy nhất. Hàng loạt đầu sách khoa học khác qua tay Phạm Văn Thiều đều rất thành công. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trò chuyện với ông xung quanh vấn đề này.

° PV: Theo ông, cái khó khi chuyển ngữ một tác phẩm khoa học là gì,  dịch một tác phẩm khoa học để có thể hấp dẫn bạn đọc cần những yếu tố nào ngoài kiến thức khoa học chuyên ngành?

° Ông PHẠM VĂN THIỀU: Trước hết phải nói rõ những tác phẩm dịch thuật của tôi là các sách “phổ biến khoa học tinh hoa”, chứ không phải sách khoa học nói chung, đó là những tác phẩm do các nhà khoa học hàng đầu thế giới viết ra dành cho đông đảo công chúng và là những sách best seller. Ngoài chuyện nói về những vấn đề khoa học, điều chủ yếu mà các tác giả muốn trình bày, là con đường đi đến những ý tưởng lớn, có tính cách mạng, cùng với những trăn trở và niềm đam mê dấn thân của họ vào những mảnh đất còn chưa ai khai phá.

Có thể nói những tác giả này cũng như những nhà văn, vì họ biết diễn tả những ý tưởng phức tạp và trừu tượng nhất bằng một thứ ngôn ngữ giàu chất văn chương nhưng cũng rất giản dị để công chúng có thể thưởng thức được.    

Dịch giả Phạm Văn Thiều luôn quan tâm đến các nhà vật lý trẻ.

Dịch giả Phạm Văn Thiều luôn quan tâm đến các nhà vật lý trẻ.

Chính vì vậy mà cái khó nhất khi dịch những tác phẩm này là phải giữ được sự chính xác những ý tưởng lớn và cái hồn, tâm tư tình cảm của tác giả. Khó khăn thứ hai là phải sử dụng một thứ tiếng Việt uyển chuyển, nhưng trong sáng dễ hiểu thì sự truyền đạt mới có hiệu quả, người đọc mới cảm thấy cái hay, cái quyến rũ của khoa học, qua đó bồi bổ niềm đam mê và dấn thân vào con đường khoa học đầy chông gai nhưng cũng rất vinh quang này. Mối quan tâm của tôi là sự đón nhận của bạn đọc đối với các tác phẩm dịch thuật của mình, sách có đến tay nhiều bạn đọc hay không và họ có hứng thú gì…

° Được biết ông là một nhà vật lý lý thuyết trước khi là một dịch giả. Kiến thức đó chắc hẳn giúp ông rất nhiều trong việc dịch thuật. Tuy nhiên, cũng còn rất nhiều loại sách khoa học khác như hóa học, sinh học, y học, địa lý… Theo ông, chúng ta cần làm gì để có thêm những dịch giả khác tạo nên sự đa dạng cho mảng sách phổ biến khoa học?

° Tôi có may mắn được theo học ngành vật lý lý thuyết và nhờ đó cũng có những hiểu biết nhất định về toán học. Môn vật lý rất hấp dẫn. Tuy nhiên, đúng như bạn nói còn có nhiều lĩnh vực khoa học khác cũng hấp dẫn không thua kém. Chính vì lẽ đó, tôi và hai người bạn cùng lớp đại học là TSKH Vũ Công Lập và GS Nguyễn Văn Liễn đã thành lập một tủ sách mang tên Khoa học và Khám phá dưới sự bảo trợ của NXB Trẻ, nhằm tập hợp các nhà khoa học trẻ (chủ yếu đang học tập và công tác ở nước ngoài) tham gia dịch cho tủ sách. Tủ sách này đang mở rộng dần sang các lĩnh vực khoa học khác và hiện đã cho xuất bản một số cuốn sách về sinh học và y học. 

° Vì sao chúng ta lại chưa có hay có quá ít sách phổ biến khoa học phổ thông do các nhà khoa học trong nước thực hiện?

° Viết một quyển sách phổ biến khoa học dạng tinh hoa mà lại... hay nữa là một điều không dễ dàng chút nào. Ngoài chuyện phải là người trong cuộc, phải có những hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực mình định viết, thậm chí còn có những đóng góp quan trọng của riêng mình vào lĩnh vực đó, tác giả còn phải có tài năng văn chương, và đặc biệt là có niềm khát khao muốn chia sẻ với công chúng những trăn trở và khát vọng sáng tạo của mình.

Ngoài ra còn phải có những điều kiện vật chất như thời gian và các nguồn tài liệu. Tuy vậy, ở Việt Nam cũng đã từng có những quyển sách phổ biến khoa học được bạn đọc hâm mộ như cuốn “Câu chuyện về các hằng số vật lý cơ bản”  của nhà vật lý quá cố Đặng Mộng Lân và cuốn “Einstein” của tác giả Nguyễn Xuân Xanh...

Tôi có nguyện vọng muốn góp phần nhỏ bé của mình vào việc thổi lên ngọn lửa đam mê khoa học của thanh thiếu niên nước nhà, vì vậy trong khoảng thời gian còn lại của mình tôi sẽ cố gắng lựa chọn và dịch những cuốn sách tinh hoa về phổ biến khoa học của thế giới để giới thiệu với các bạn trẻ trong nước. Đối với tôi, làm như thế sẽ là hiệu quả hơn.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục