Nhà vệ sinh công cộng - không còn là chuyện nhỏ : khổ vì nhu cầu “giải thoát”

Vừa thiếu vừa hoạt động theo... giờ hành chính!
Nhà vệ sinh công cộng - không còn là chuyện nhỏ : khổ vì nhu cầu “giải thoát”

Trừ một vài khu vực của một số quận trung tâm thành phố như 1, 3, 5 có bố trí nhà vệ sinh công cộng (NVSCC), ở các quận - huyện còn lại trên địa bàn TPHCM, số lượng NVSCC khá hiếm hoi. Đã vậy, phần lớn NVSCC hiện có lại chưa được sạch sẽ và khá bất lợi cho người sử dụng.

Vừa thiếu vừa hoạt động theo... giờ hành chính!

Nhà vệ sinh công cộng - không còn là chuyện nhỏ : khổ vì nhu cầu “giải thoát” ảnh 1

Nhà vệ sinh công cộng ở bến xe buýt Sài Gòn có thể thấy cả “nội thất” bên trong. Ảnh: Hoàng Anh Thư

Nhích ra khỏi khu vực trung tâm TP một chút, như đường Ngô Thời Nhiệm (quận 3), suốt cả tuyến đường chỉ có 1 NVSCC nằm ở góc Bà Huyện Thanh Quan - Ngô Thời Nhiệm nhưng lại đóng cửa từ lâu.

Nhiều khu vực khác, chỉ cần phóng xe qua đã thấy mùi “tự nhiên” bốc lên như đoạn đường đậu xe buýt trên đường Thi Sách, đoạn gần cầu Tân Thuận trên đường Nguyễn Tất Thành (quận 4)… nhưng tuyệt nhiên không thấy “bóng dáng” NVSCC. Bà Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Công ty Công trình công cộng quận 1, cho biết, toàn địa bàn quận 1 chỉ có 42 NVSCC (tính luôn NVS trong các chợ).

Còn theo Công ty Dịch vụ công ích TNXP TPHCM, sau 5 năm được thành phố cho chủ trương đầu tư xây dựng NVSCC theo hình thức xã hội hóa, đơn vị này chỉ đầu tư được 20 cái; nhiều nhất là tại quận 5, lắp đặt được 15 cái. Theo nhận định của các đơn vị trên, số lượng NVSCC còn rất thấp so với nhu cầu.

Trở lại với NVSCC tại khu vực trung tâm, chúng tôi ghi nhận không chỉ thiếu về số lượng mà giờ “làm việc” của các NVSCC cũng khá khiêm tốn: chỉ hoạt động vào ban ngày. Sáng 6-4, người trông coi NVSCC đặt trên vỉa hè đường Lê Lai (nằm bên công viên 23-9) của Công ty Công trình công cộng quận 1 cho biết, NVSCC hoạt động từ 6 giờ sáng đến 18 giờ hàng ngày.

Riêng những ngày lễ, đông người qua lại thì có thể đóng cửa muộn hơn. Chị này giải thích, hôm nào đông, NVSCC chỗ chị có 50 - 70 khách, số tiền thu được chỉ mấy chục ngàn đồng nên… không đủ chi phí, nghỉ sớm, bớt tốn điện, tốn nước!

Một người lái xe ôm thường đậu xe chờ khách ở khu vực này cho biết, NVSCC chỉ hoạt động ban ngày trong khi quanh đây có khá nhiều người “sống về đêm”. Vì ban đêm NVSCC không mở cửa, với lại, tiền cho mỗi lần đi vệ sinh khá cao nên nhiều khi mọi người ở đây “làm liều” cho đỡ tốn tiền.

“Chạy xe cả ngày ngoài đường có vài chục ngàn đồng, cứ mỗi lần đi vệ sinh là hết 1.000 – 2.000 đồng, chịu sao xiết” - ông nói. Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác cho rằng, việc bố trí NVSCC ngay tại vỉa hè của các tuyến đường trung tâm TPHCM (ví dụ trên đường Hàm Nghi), về phía mỹ quan xem ra rất phản cảm, còn phía người sử dụng, vì NVSCC nằm “chình ình” giữa đường nên họ mắc cỡ, không vào.

“Ép” mua kẹo và... bẩn!

Tại nhiều NVSCC, người trông coi thường sử dụng chiêu “ép” khách mua kẹo thay vì thối tiền lẻ cho khách sau khi khách sử dụng NVS. Người bán thì ung dung bán nhiều hàng, còn kẻ mua thì tần ngần với thanh kẹo bất đắc dĩ!

Tại NVSCC nằm trong công viên 23-9 (quận 1), khi chúng tôi bước vào người giữ NVSCC không buồn nhìn lên. Vào đến khu vệ sinh dành cho nữ, chúng tôi chỉ thấy có hai phòng với hai chiếc bồn cáu bẩn. Quay trở ra hỏi xin giấy, người giữ NVSCC mới phát cho mỗi người một miếng giấy mỏng tanh, nhỏ xíu.

Chúng tôi ngỏ ý xin thêm, người trông NVSCC tiếp tục “diễn kịch câm”, vẫn chẳng nói chẳng rằng chìa thêm một miếng giấy nhỏ nữa. Tiền cho một lần đi vệ sinh là 1.000 đồng/người, nhưng khi tôi trả tiền, người trông coi NVSCC lẳng lặng thối 3.000 đồng (tôi đưa tờ 5.000 đồng) và đưa thêm một chiếc kẹo cao su (trị giá 500 đồng) mặc dù còn rất nhiều tiền mệnh giá 500 đồng trong ngăn kéo.

Người trông NVSCC vẫn không nói một lời. Tôi thắc mắc, lúc đó người trông NVSCC mới thủng thẳng giải thích: 1.000 đi vệ sinh, phần giấy xin thêm 500 đồng; còn chiếc kẹo cao su là do… hết tiền lẻ!

NVSCC nằm ở ngay đầu đường Lê Lai (gần phía đường Nguyễn Trãi), lại nằm dưới tầng hầm, bên trên mặt đất là một quán nước. Khách muốn đến nhà vệ sinh phải bước xuống cầu thang. Nhưng, cảm giác kín đáo chưa nhận thấy thì “tiểu tiện khách” đã choáng bởi cánh cửa nhà vệ sinh! Cánh cửa được lắp cách mặt đất gần 30cm! Phía bên trong cánh cửa, có dòng chữ “Cửa cao, tiểu tiện xin ngồi lên bàn cầu. Cám ơn.”

Chị Nguyễn Thanh Hà (ngụ quận 1) vừa “viếng” NVSCC này nói, thay vì câu nói suông, người trông coi NVSCC nên làm một chiếc cửa kín đáo hơn cho chị em đỡ ngại. Hơn nữa, khóa cửa đã hỏng, cánh cửa được cài hờ một cách rất tạm bợ nên cảm giác rất bất an, bồn cầu thì quá dơ, vàng khè lại rất nặng mùi…

NVSCC nằm ở khu vực cây xăng và bến xe buýt trước vòng xoay gần chợ Bến Thành khá quy mô, có hai dãy nhà vệ sinh, nhà tắm đối với mỗi khu vực dành cho nam - nữ. Tuy nhiên, mức độ “bốc mùi” của NVSCC này cũng khá “tương xứng” với quy mô của nó. Khách chỉ cần đứng ở khu vực thanh toán, mua giấy đã được “xông hơi” bởi thứ amoniac nồng nặc.

Bước vào khu vực vệ sinh, khách choáng hơn bởi các cánh cửa đều “thụt đầu, thiếu đuôi” trong khi bệ ngồi thì cao nên “tầm quan sát” cũng khá rộng. Một người vừa ở NVSCC đi ra lắc đầu “chỉ riêng cái chuyện ngồi như thế nào để mình khỏi nhìn thấy người ta và người ta khỏi nhìn thấy mình cũng đã khổ!”.

Tình trạng… lấy quá giá cũng xảy ra. Tại NVSCC ở khu vực vòng xoay gần chợ Bến Thành, mặc dù bảng thông báo của Công ty Công trình công cộng quận 1 ghi rõ “Đi tiểu tiện là 1.000 đồng/lượt; giấy thêm 500 đồng/phần” nhưng vào lúc 10 giờ sáng 6-4, chúng tôi hỏi mua thêm một phần giấy thì phải trả với giá là 1.000 đồng.

Tôi thắc mắc là giá giấy thêm của những NVSCC khác của Công ty Công trình công cộng quận 1 chỉ lấy có 500 đồng/lượt thì người thu tiền (có đeo thẻ nhưng lại đeo trái thẻ, mặt có tên thì úp vào trong áo) cáu gắt: “Vậy thì ra đó mà mua”. Tôi chỉ lên bảng quy định treo ngay đầu người thu tiền thì cô này vênh mặt: “Quy định thế thôi!”.


(Xem tiếp bài 2: Đột phá từ đâu?)


VÂN ANH - ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục