Tuy nhiên thời gian qua, tại một số quận, huyện trên địa bàn TPHCM, nhiều người dân đã cố tình xây dựng nhà cửa lấn chiếm hệ thống thoát nước gây ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước, làm dòng chảy bị thu hẹp, gây ra khả năng ngập nặng khi mưa hoặc triều cường và gây ô nhiễm môi trường sống của người dân.
Vi phạm tràn lan
Do đất chật, người đông nên đối với người dân TPHCM, mỗi “tấc đất” như “tấc vàng”. Do vậy, nhiều người đã tận dụng khoảng trống để xây cất, nới rộng nhà cửa tăng diện tích sử dụng. Ghi nhận của PV Báo SGGP, hiện nay nhiều hệ thống tuyến cống, cửa xả, hầm ga tại một số quận, huyện đã bị người dân lấn chiếm và xây dựng công trình đè lên trên.
Đơn cử, tuyến cống đường Trần Nhật Duật (đoạn từ Trần Quang Khải đến cửa xả ra đường Hoàng Sa, quận 1), chỉ có một miệng cống trước nhà 57A còn tồn tại nhưng cũng nằm ở một góc trong khuôn viên sân vườn nhà dân, còn lại toàn bộ hệ thống tuyến cống bị nhiều nhà dân xây dựng lấn ra, đè lên trên. Tương tự, tại các tuyến cống trên đường Cao Thắng, đoạn từ số nhà 171, 141, 139, 137, 138A và số 252/1, 252/3, 252/7, 252/9, 252/11, 252/13, 252/15, 252/17, 252/19 cũng bị lấn chiếm xây nhà.
Bên cạnh đó, hiện nay nhiều hố ga và cửa xả trên địa bàn TP cũng rơi vào tình trạng mất tác dụng vì bị các hộ dân xây lấp bên trên. Trên đường Trần Khánh Dư, thuộc phường Tân Định, quận 1, trong khi những ngôi nhà trên tuyến được xây dựng thẳng tắp có vỉa hè phía trước nhà thì tại các số nhà 41, 39A, 39 lại xây “nhô ra” ra tận đường khiến hố ga tại đây nửa nằm trong nhà, nửa ngoài đường. Cụ thể, hố ga ở số nhà 41 bị hàng rào tường nhà dân xây đè lên trên nắp, chỉ để chừa duy nhất phần miệng cống. Còn trên đường Lý Chính Thắng (từ số nhà 188 đến 194, quận 3), 3 hố ga cũng bị đè một phần. Việc các công trình nhà dân xây dựng đè lên tuyến cống và nắp hầm ga đã làm ảnh hưởng đến công tác sửa chữa, duy tu tuyến cống, hầm ga, cửa xả.
Gây ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước
Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, tính đến thời điểm cuối tháng 10-2012, trên địa bàn TP đã phát hiện hàng trăm trường hợp lấn chiếm hệ thống thoát nước (tuyến cống, kênh rạch, cửa xả, hầm ga). Các trường hợp lấn chiếm chủ yếu do người dân và một số đơn vị xây nhà hoặc công trình phụ trên hệ thống thoát nước; san lấp kênh rạch. Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước đã gửi văn bản thông báo đến địa phương và các cơ quan chức năng nhưng việc xử lý còn rất chậm.
Bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm minh các trường hợp lấn chiếm, xâm phạm hệ thống thoát nước, kênh rạch từ các cơ quan quản lý; rất cần ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường nước, để mọi người có thể “chung tay giảm ngập đô thị”
Đình Lý